Tiết kiệm từ những thứ nhỏ nhặt
Tôi có thói quen khi đi bưu điện, nhìn thấy những mảnh giấy A5 hay những bì thư bỏ trong sọt, trên bàn còn sạch là tôi gom lại cho vào ngăn cặp. Hay những lúc ở quầy ATM, những hóa đơn có mặt sau trống chữ bị bỏ vào sọt hay vương vãi, tôi nhẹ nhàng phủi sạch, xếp lại thành một xấp. Tất cả đều được mang về nhà để sử dụng cho việc viết nháp, dạy con làm toán, ghi địa chỉ giao hàng, và còn rất nhiều công dụng khác. Rất hữu ích. Vậy mà nhiều người vứt đi, thật lãng phí quá!
Không riêng gì những miếng giấy nhỏ như tôi vừa nói mà còn rất nhiều vật dụng khác bị bỏ đi vô tội vạ, trong khi chúng ta có thể sử dụng vào những mục đích khác nhau. Đồ dùng rồi chưa hẳn đã hết công dụng đâu nhé. Chẳng hạn, thay vì vứt chai nước khoáng (mình đã uống xong), ta có thể đem về nhà hứng nước bỏ tủ lạnh, cho đất vào trồng gây cảnh, hay để vào thùng rác cho người ta dễ phân loại. Những túi giấy, túi nhựa, thay vì lấy quà ra rồi đem bỏ, sao không xếp ngay ngắn cất đi để đựng vật dụng khác lúc cần thiết? Tô, ly, lọ cắm hoa vỡ, xin đừng đem quăng vào sọt rác mà nên dùng keo dán lại (hoặc không cần keo) để làm chậu trồng hoa, nghệ thuật sắp đặt khá là thẩm mỹ...
Đáng nói hơn là sách, báo, sách giáo khoa khi đọc, học xong là cho vào sọt rác thật đau và tiếc. Có thể giữ lại đặt trên bàn phòng khách rất lịch sự, trang nhã. Trong lúc ngồi chờ gia chủ, khách có thể say sưa đọc. Nếu phòng chật, ta đem tặng thư viện, hàng xóm hay những ai cần dùng. Những quyển sách cũ có thể rao bán trên các sàn giao dịch điện tử với giá không rẻ chút nào. Hoặc cũng có thể tặng, bán cho các bà đồng nát.
Đừng ngại hay mắc cỡ, khi nghĩ rằng những thứ ấy có đáng là bao, sao không mua hàng mới mà tằn tiện đến thế? Dù chỉ vài nghìn hay vài chục nghìn nhưng nó cho ta học cách tiết kiệm, trân trọng những gì đang có. Hơn hết là những đồ vật tái sử dụng sẽ bảo vệ môi trường, khi mà tài nguyên trên trái đất đang dần cạn kiệt.
Nguyễn Thanh Vũ