Tiếp vụ “Cưỡng chế nhà điều hành, lợn chết, dân tố lãnh đạo… “trảm” sai?!” ở quận Đồ Sơn, T.P Hải Phòng: Người trong cuộc thuật lại hành trình bị… cưỡng chế
Cơ ngơi trang trại của gia đình ông Tuấn sau khi bị cưỡng chế.
Chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong phát triển kinh tế trang trại luôn xuyên suốt và nhất quán, tạo điều kiện cho người nông dân an tâm phát triển sản xuất - nhất là đối với những hộ gia đình có công với cách mạng càng được quan tâm, tạo điều kiện hơn bao giờ hết. Những chính sách cụ thể, thiết thực, phù hợp với từng giai đoạn luôn được áp dụng, vận dụng kịp thời. Điều đó thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta đối với gia đình có công với cách mạng. Dù vậy, đâu đó vẫn còn trường hợp chưa được kịp thời quan tâm sâu sát, kỹ lưỡng. Trường hợp xảy ra đối với con đẻ liệt sĩ Phạm Tiến Mùi vừa qua là một ví dụ!
“Dã tràng xe cát”
Như số báo 1507, ra ngày 27-9-2023, Báo CCB Việt Nam có bài phản ánh về những năm trước 1990, gia đình ông Phạm Văn Tuấn (con đẻ của liệt sĩ Phạm Tiến Mùi) ra khu vực ngòi Cái Ngang của xã Hợp Đức, huyện Kiến Thụy (nay là phường Minh Đức, quận Đồ Sơn) khai hoang, làm kinh tế, được các lãnh đạo, chính quyền xã, huyện trước đây quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi.
Dồn hết tâm huyết cho phát triển kinh tế VAC, ngòi Cái Ngang được gia đình ông cải tạo thành một điểm sáng trong phát triển kinh tế tại địa phương.
Tuy nhiên, sau thời gian trên dưới 30 năm tạo lập, cơ sở hạ tầng Trang trại trở lên xuống cấp. Đầu năm 2022, để mô hình trang trại tiếp tục phát triển, đi vào hoạt động một cách ổn định, bài bản hơn, ông Tuấn đã làm đơn xin tu sửa lại căn nhà điều hành để đảm bảo điều kiện tiếp tục phục vụ chuồng trại.
Tiến hành cải tạo lại căn nhà điều hành cũ cũng chỉ với mong muốn biến nó thành nơi cho cán bộ, công nhân viên đến làm việc được khang trang, sạch đẹp hơn! Đồng thời, với mong muốn biến nơi đây thành nơi giao dịch, đón tiếp khách đến hợp tác làm ăn, tham quan, học hỏi mô hình kinh tế của gia đình... Nhưng trớ trêu thay, sau vài tháng bắt tay xây dựng hoàn chỉnh căn nhà điều hành thì… bị chính quyền cưỡng chế, san phẳng trong phút chốc!
Theo ông Tuấn, gia đình ông có đơn xin phép xây dựng đàng hoàng, Tổ trưởng Tổ dân phố còn ký xác nhận vào đơn và gia đình ông làm theo hướng dẫn của lãnh đạo phường Minh Đức, nhưng không hiểu sao vẫn bị cưỡng chế”?!
Qua tìm hiểu, được biết ngày 9-8-2022, Phòng TNMT quận Đồ Sơn xuống kiểm tra việc sử dụng đất của gia đình ông Tuấn. Theo đó, việc kiểm tra thực hiện theo Công văn số 669/CV/QU ngày 23-6-2022 của Quận ủy Đồ Sơn; Công văn của Thanh tra sở xây dựng. Đoàn Kiểm tra tiến hành lập Biên bản kiểm tra số 01/BBKT-TN&MT và kết luận gia đình ông Tuấn thực hiện “Chuyển từ đất nông nghiệp khác sang đất phi nông nghiệp, vi phạm quy định của Luật Đất đai năm 2013, vi phạm Điểm a, Khoản 1 Điều 11 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19-11-2019 của Chính phủ tại khu vực đô thị”.
Hành trình đưa đến vụ việc cưỡng chế ra sao?
Trao đổi với phóng viên, ông Tuấn cho biết: “Ngày 6-10-2022, tôi được gọi ra trụ sở UBND phường ký giấy tờ. Bà Út - Chủ tịch UBND phường bảo với tôi “chỉ là thủ tục thôi chú ạ, đây không phải lỗi nghiêm trọng, cứ ký vào cho đúng thủ tục”. Bản thân tôi là người không được học hành, chỉ biết ký chứ không biết đọc, biết viết nên nghe bà Út nói như vậy thì tôi cũng ký vào giấy tờ theo như bà Út yêu cầu và bà Út cũng không giao lại cho tôi bản nào mang về. Sau này, khi tôi nhận được Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, lúc đó mới biết tài liệu bà Út bảo tôi ký là Biên bản vi phạm hành chính số 04/BB-VPHC.
Đến ngày 11-10-2022, ông Nguyễn Quang Dũng - Phó chủ tịch UBND quận Đồ Sơn ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 1317/QĐ-XPHC đối với tôi. Quyết định nêu: “2. Đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính: Chuyển đất nông nghiệp khác sang đất phi nông nghiệp tại khu đô thị, cụ thể: Xây dựng nhà 1 tầng, tường gạch chỉ 110, diện tích 97,2m2 (9,0m x 10,8m) tại thửa đất số 69, tờ bản đồ số 23. 3 Quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 11 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19-11-2019 của Chính phủ”.
Sau khi nhận quyết định, bà Út bảo tôi: “Không sao đâu, chú cứ nộp phạt đi là xong”. Ngày 12-10-2022, tôi nộp phạt vi phạm hành chính. Nhưng bất ngờ, ngày 16-1-2023, ông Nguyễn Quang Dũng - Phó chủ tịch UBND quận Đồ Sơn ban hành Quyết định số 29/QĐ-CCXP về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm”. Gia đình tôi có gọi cho bà Út, bà Ngọc, ông Ninh để hỏi thì không được trả lời” - ông Tuấn chua xót nói thêm!
Ngày 8-3-2023, tôi đã có đơn gửi UBND quận Đồ Sơn, Thanh tra quận Đồ Sơn khiếu nại Quyết định số 1317/QĐ-XPHC của UBND quận Đồ Sơn nhưng UBND quận Đồ Sơn và UBND phường Minh Đức không xem xét, không đối thoại mà vẫn ban hành Thông báo số 02/TB-BCC ngày 10-3-2023 thông báo về thời gian tổ chức thi hành Quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.
Ngày 14-3-2023, cơ quan Thanh tra quận Đồ Sơn tiến hành làm việc với gia đình tôi để làm rõ nội dung khiếu nại và cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng để làm rõ nội dung vụ việc. Trong lúc chờ đợi xem xét giải quyết, ngày 21-3-2023, thực hiện quyết định cưỡng chế của ông Nguyễn Quang Dũng, bà Phạm Thị Như Út - Chủ tịch UBND phường Minh Đức cùng lực lượng cưỡng chế đã đến phá tan căn nhà được gia đình đầu tư xây dựng 1,4 tỷ đồng.
“Không ai chọn cho mình cách chết, cũng không ai muốn mình phải chết và càng không có cái chết nào ý nghĩa bằng được sống. Đã 55 năm qua đi kể từ chiến dịch Mậu Thân năm 1968, bố tôi đã nằm lại chiến trường miền Nam nơi đó, thịt nát xương tan. Chỉ có một tờ Giấy báo tử gửi về chấm hết cho một cuộc đời son trẻ. 55 năm con ngóng cha. 55 năm đi tìm mộ bố, hết hy vọng này tới hy vọng khác mong một ngày đón được bố về đoàn tụ với gia đình với con, với cháu. Bố mất, mẹ cũng mất không lâu sau đó. Bản thân chịu nhiều thiệt thòi lại không được học hành tử tế; không biết đọc, không biết viết và lớn lên trong sự đùm bọc của họ hàng, bà con lối xóm, chính quyền địa phương. Tôi yêu quê hương đất nước, tin tưởng con người, tin vào Đảng, chính quyền địa phương. Tôi thành công như ngày hôm nay là nhờ rất nhiều vào bà con lối xóm, đường lối của Đảng và Nhà nước. Những tưởng sẽ mang hết tâm can, máu thịt này cống hiến cho quê hương, làm giàu cho Đất nước. Nhưng…”.
“Gần 35 năm sau chiến tranh, vợ chồng tôi từng ngày, từng giờ dã tràng nhọc nhằn xe cát cùng nhau góp một phần công sức nhỏ bé xây dựng đất nước. Không vang danh khắp năm châu bốn biển thì cũng được vang danh khắp cả nước trong việc đóng góp vào sự phát triển nền nông nghiệp nước nhà. Đã từng được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vinh danh tặng Bằng khen “Đã có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong phong trào Thi đua yêu nước từ năm 2005 đến 2009, góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc” và nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cơ quan từ T.Ư tới địa phương khen - tặng hộ gia đình sản xuất kinh doanh giỏi. Thế mà giờ đây, những người thay mặt cho chính quyền địa phương này lại đẩy lùi bánh xe lịch sử về quá khứ, biến mồ hôi công sức, tài sản của vợ chồng tôi trở về đống hoang tàn đổ nát. Như vậy liệu có đúng với đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước?”.
Nói trong nấc nghẹn, ông Tuấn cho biết tiếp: Trong đợt nắng nóng vừa qua, do Nhà điều hành bị phá nát dẫn đến không có nơi đặt máy móc thiết bị vận hành điều khiển các hoạt động của chuồng trại, ao hồ; không có nơi nghỉ ngơi cho các cán bộ kỹ thuật, không vận hành được hệ thống dự phòng sự cố xảy ra khi mất điện nên không làm mát và cung cấp kịp thời oxy cho các đầm nuôi cá và tôm dẫn đến 7 tấn cá, 5 tạ tôm và 39 con lợn bị chết. Tổng thiệt hại trong hai đợt nắng nóng vừa qua lên tới 480 triệu đồng. Việc thiệt hại này có sự chứng kiến làm chứng của bà con nhân dân và xác nhận của Tổ trưởng dân phố, xác nhận của cơ quan Y tế, UBND phường Minh Đức.
“Kể từ thời điểm cưỡng chế đến nay, ngày đêm tôi luôn bị ám ảnh về hình ảnh căn nhà bị phá; ám ảnh về hình ảnh lợn, cá, tôm bị chết. Tài sản đó là bao công sức, mồ hôi nước mắt, tâm huyết của cả gia đình gây dựng từ năm 1992 đến nay… Sau cưỡng chế, tôi đã phải đi điều trị tâm thần tại Bệnh viện tâm thần Đông Khê - Hải Phòng…” - ông Tuấn nói thêm!
Ngày 5-10, phóng viên đến tìm hiểu vụ việc tại UBND phường Minh Đức, ông Nguyễn Mạnh Ninh - Phó chủ tịch UBND phường cho biết: Hiện giờ trực lãnh đạo phường còn mỗi mình tôi. Chủ tịch thì bị tạm đình chỉ công tác, một đồng chí Phó chủ tịch nữa thì đang đi học. “Địa phương cũng nhiều việc; đầu giờ chiều tôi phải đi họp trên quận, sau đó về lại tiếp công dân… Xin hẹn phóng viên dịp khác…”.
Trong khi liên hệ với ông Nguyễn Quang Dũng - Phó chủ tịch UBND quận Đồ Sơn về vụ việc này, ông Dũng cho hay: “Thanh tra thành phố đang thụ lý đơn tố cáo, chưa có kết luận, do đó chưa có thông tin để cung cấp cho phóng viên. Khi nào có kết luận, UBND quận sẽ cung cấp cho quý báo”!
Bài và ảnh: Tư Hoành - Mạnh Võ