Thấu hiểu sự mất mát đó và để cụ thể hóa trách nhiệm của thế hệ hôm nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1237 phê duyệt Đề án “Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo” của Bộ Quốc phòng. Đây chính là nghĩa cử “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Mục tiêu là đến năm 2015 tìm kiếm, quy tập khoảng 10.000 hài cốt liệt sĩ. Đến năm 2020, tìm kiếm, quy tập 60% hài cốt liệt sĩ còn lại có thông tin và từ năm 2021 trở đi tiếp tục tìm kiếm, quy tập số hài cốt liệt sĩ còn lại.
Thông tin tại Hội nghị đánh giá tiến độ, kết quả triển khai thực hiện Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ do Ban Chỉ đạo Quốc gia về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ tổ chức vừa qua, cho thấy, sau gần 9 tháng triển khai thực hiện Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đã đạt được kết quả bước đầu. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ được đẩy mạnh; mùa khô năm 2013-2014, đã tìm kiếm, quy tập được 1.317 hài cốt (tại Lào 226 hài cốt, Cam-pu-chia 592 hài cốt, trong nước 499 hài cốt). Kết hợp chặt chẽ giữa thu thập, xử lý thông tin với chủ động, tích cực tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; nhất là quy tập các khu vực mộ tập thể. Việc tổ chức tìm kiếm, an táng, bàn giao hài cốt liệt sĩ nghiêm túc, đúng quy định…. Tuy nhiên, Ban chỉ đạo cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc chủ yếu như: các thông tin về mộ liệt sĩ ngày càng ít, nhân chứng già yếu, trí nhớ giảm nhiều; địa hình thay đổi do quá trình phát triển kinh tế - xã hội; rừng núi hiểm trở, nhiều nơi còn sót lại bom, mìn sau chiến tranh; các nguồn tin từ bên ngoài còn ít. Bên cạnh đó, một số nơi nhận thức chưa sâu sắc nên công tác triển khai còn chậm, chưa quyết liệt; việc bảo đảm phương tiện, trang bị cho các đội chuyên trách, cơ quan thường trực các cấp còn khó khăn… Mặt khác, cán bộ chuyên môn làm công tác chính sách trong quân đội thường xuyên thay đổi, việc tham mưu, đề xuất, hướng dẫn chỉ đạo còn thiếu chiều sâu.
Để công tác triển khai Đề án thực sự có hiệu quả, thời gian tới, các cấp cần đánh giá đúng thực trạng tình hình, đẩy nhanh tiến độ tập huấn đến cơ sở; tiếp tục kiện toàn Ban chỉ đạo, cơ quan thường trực. Nhất thiết phải tuyên truyền sâu hơn, mạnh hơn, cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, kết quả công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên các phương tiện thông tin đại chúng; sử dụng thiết thực kết quả giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị quân đội trong chiến tranh; tiếp tục hoàn thiện hồ sơ liệt sĩ, xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu tích hợp về liệt sĩ, mộ liệt sĩ; xây dựng kế hoạch, hướng dẫn và triển khai thí điểm, từng bước hoàn thiện phương pháp lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Đồng thời tiếp tục vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ.
Các địa phương cần rà soát, đánh giá lại tình hình tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ trên địa bàn, nhất là các khu vực trong nước còn hài cốt liệt sĩ; mở rộng các nguồn thông tin có thể tìm kiếm; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở Lào và Cam-pu-chia, bảo đảm mục tiêu, kế hoạch đề ra. Ngoài ra, các cấp cần thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các đơn vị, địa phương trong việc thực hiện Đề án; phổ biến những kinh nghiệm tốt, sáng tạo, hiệu quả. Làm tốt công tác biểu dương khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ
Bài và ảnh: Mai Anh