Tại Hội thảo Hoàn thiện chính sách, pháp luật về ưu đãi NCC được tổ chức vừa qua, nhằm trao đổi, thảo luận, trên cơ sở đó, giúp các cơ quan chức năng nghiên cứu, tham mưu xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật ưu đãi NCC, đa số các đại biểu cho rằng: công tác NCC là chính sách lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, song đây cũng là lĩnh vực hết sức nhạy cảm, liên quan đến vấn đề chính trị-xã hội. Làm tốt công tác này góp phần giữ vững và ổn định tình hình kinh tế-xã hội, tăng lòng tin đối với Đảng, Nhà nước. Việc giải quyết tồn đọng và chính sách ưu đãi NCC hết sức phức tạp, vì chiến tranh đã kết thúc hơn 40 năm, nhiều trường hợp không còn giấy tờ, người giao nhiệm vụ và biết sự việc không còn. Việc tổ chức triển khai thực hiện chính sách ở các địa phương còn phát sinh khó khăn, vướng mắc, đơn thư khiếu kiện nhiều…
Những vấn đề được đưa ra tại Hội thảo tập trung việc nghiên cứu hoàn thiện pháp luật ưu đãi NCC với cách mạng trên cơ sở quán triệt quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về NCC với cách mạng và phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước. Đặc biệt chú trọng việc nghiên cứu một số vấn đề còn tồn tại cần hoàn thiện, bổ sung như tiêu chuẩn xác nhận đối tượng thụ hưởng, phạm vi áp dụng, các biện pháp trợ cấp, chăm lo, giúp đỡ NCC đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kịp thời phát hiện, xử lý những sai sót trong xác nhận và thực hiện chính sách ưu đãi NCC. Những chính sách, pháp luật về ưu đãi NCC đối với cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân, quân đội nhân dân, lực lượng cựu thanh niên xung phong; giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong xác định đối tượng nhiễm chất độc da cam… cũng cần được hoàn thiện. Như theo quy định tại Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9-4-2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng căn cứ xác nhận liệt sĩ, thương binh, Bộ Công an đề nghị, cần xem xét quy định cụ thể hơn về đối tượng được hưởng ưu đãi, bảo đảm đúng, trúng và không bỏ sót, bỏ lọt trường hợp được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước. Hay Pháp lệnh số 04 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng, có quy định điều kiện xác nhận liệt sĩ. Tuy nhiên Nghị định 31 của Chính phủ về xác nhận liệt sĩ, thương binh lại quy định hẹp hơn đã làm rõ hơn điều kiện, nhưng lại thu hẹp đối tượng có cùng điều kiện tương ứng và thực tế nhiệm vụ của Quân đội. Đề xuất nên thông nhất theo quy định như Pháp lệnh sẽ thuận lợi hơn cho công tác triển khai thực hiện.
Bộ Y tế phân tích những khó khăn trong xác nhận đối tượng nhiễm chất độc da cam. Theo đó, bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học/dioxin không có dấu hiệu đặc trưng riêng biệt. Vì vậy, đến nay trong điều kiện thực tế, việc chẩn đoán xác định một người bị bệnh, tật, dị dạng, dị tật do dioxin gây nên là rất khó khăn, tốn kém, không khả thi. Do đó, việc xác định đối tượng là nạn nhân chất độc hóa học/dioxin một cách khoa học rất khó khăn, phát sinh kẽ hở cho tiêu cực, dẫn đến dễ lạm dụng trong thực hiện chính sách này. Cần có những quy định cụ thể tránh tình trạng trên. Dẫn ra khó khăn cho những trường hợp mất hồ sơ, hoặc không còn hồ sơ gốc, đại diện Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đề nghị: Các cơ quan chức năng, tiếp tục hoàn thiện chính sách với NCC, giải quyết vấn đề tồn đọng để các chính sách, pháp luật ưu đãi đến với NCC.
Bài và ảnh: Mai Anh