Bí ẩn của Công ty TMN!
Theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 0102008925 của Cty TMN đăng ký thay đổi lần thứ 2 do Phòng đăng ký kinh doanh thuộc sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cấp ngày 26-5-2005 (bản sao y bản chính do Cty TMN cung cấp cho Cty VFC, Cty Biển Đông và lưu tại ngân hàng Techcombank chi nhánh Ba Đình) có ghi mục ngành, nghề kinh doanh tới 8 ngành nghề gồm “ Dịch vụ tư vấn, môi giới, quảng cáo thương mại… Nhập khẩu các mặt hàng được phép kinh doanh”, người đại diện pháp luật của công ty là ông Bùi Tiến Hải, sinh năm 1967.
Thế nhưng bản án sơ thẩm số 79/2014/HSST ngày 28-2-2014 khẳng định: Cty TMN là công ty có thật, công ty có địa chỉ 304 Trần Khát Chân, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Qua đăng ký kinh doanh thay đổi lần thứ hai vào ngày 26-5-2005, công ty này không có chức năng tư vấn, lập dự án BCNCKT mua bán tàu. Các đối tượng hợp thức hóa bằng các giấy tờ giả gồm: Giấy đăng ký kinh doanh của Cty TMN dùng để soạn thảo hợp đồng, biên bản nghiệm thu quyết toán hợp đồng, giấy đề nghị thanh toán của Cty TMN, Hóa đơn GTGT mà VFC sử dụng làm thủ tục thanh toán cho Cty TMN là hóa đơn do Cty TMN báo mất. Các tài liệu đều là giả…Về số tài khoản số 115200293068017 mang tên Cty TMN mở tại ngân hàng Techcombank, chi nhánh quận Ba Đình, thành phố Hà Nội do Ngô Văn Nhuận yêu cầu Nguyễn Minh Ngọc mở, giả danh Cty TMN để nhận và rút tiền do Cty VFC chuyển sang".
Lật lại vấn đề mà các cơ quan tố tụng cho rằng các bị cáo đã bàn bạc với nhau và làm giả các giấy tờ và số tài khoản của Cty TMN để hợp thức hóa cho việc rút tiền từ BCNCKH cho dự án mua tàu chở dầu của Cty Biển Đông. Điều lạ nhất là bị cáo Nhuận nhờ đối tượng Ngọc mở tài khoản của Cty TMN ở ngân hàng Techcombank chi nhánh quận Ba Đình. Theo qui định bắt buộc việc mở tài khoản của bất kỳ công ty nào đều phải có: Giấy phép đăng ký kinh doanh, chứng minh thư nhân dân của người đại diện pháp luật cho công ty, bản đăng ký mẫu dấu gốc, đóng mẫu dấu trên tờ khai tại ngân hàng đăng ký mở tài khoản, mã số thuế công ty. Việc mở tài khoản cho công ty qui định chặt chẽ như vậy thì làm sao đối tượng Ngọc có thể mở được tài khoản đứng tên Cty TMN được, chẳng lẽ Ngọc lại làm được đầy đủ các loại giấy tờ trên của Cty TMN, cả chứng minh thư nhân dân của Bùi Tiến Hải – Giám đốc Cty TMN?
Điều đáng nói là Cty TMN đã khai báo với cơ quan điều tra là cuối năm 2006 Cty có đánh mất con dấu và hóa đơn của công ty và đến tháng 12-2007 mới được cấp lại con dấu. Nhưng trong hồ sơ tài liệu mà phía Cty TMN cung cấp cho cơ quan điều tra lại thể hiện: "Ngày 19-6-2007, ông Bùi Tiến Hải có làm đơn xin cấp lại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh gửi Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ghi là Giám đốc Bùi Tiến Hải, có chữ ký và đóng dấu của Cty TMN". Chưa hết, ngày 28-11-2007, ông Bùi Tiến Hải ký một Hợp đồng chuyển nhượng phần góp vốn số 148/2007/HĐMBVG cho ông Nguyễn Tấn Hoan, ở số 82, phố Bạch Đằng, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.
Vậy trong thời gian Cty TMN báo mất hóa đơn và con dấu trùng với thời gian như vậy thì có mâu thuẫn với việc Cty TMN đang đi giao dịch thực tế hay không? Trong biên bản làm việc ngày 04-12-2011 tại phòng PC64-Công an thành phố Hà Nội gồm ông Nguyễn Anh Việt – Phó trưởng phòng với ông Nguyễn Thành Đạt – Điều tra viên – Cơ quan ANĐT-BCA. Trong biên bản làm việc nêu rất rõ: Cty TMN, địa chỉ 304 Trần Khát Chân, Hai Bà Trưng, Hà Nội chỉ làm và đăng ký mẫu dấu một lần tại phòng PC64-Công an Hà Nội với ĐKKD 0102008925. Ngoài ra không làm con dấu nào khác tại PC64 Công an Hà Nội.
Như vậy việc Cty TMN báo mất hóa đơn và con dấu đúng thời điểm Cty Biển Đông đi ký hợp đồng BCNCKT mua bán tàu cũ chở dầu, tàu container là một điều khó hiểu. Những gì khai của Cty TMN với cơ quan ANĐT đầy mâu thuẫn, phải chăng Cty TMN khai như vậy để trốn tránh trách nhiệm?
Nếu Cty Biển Đông đi làm hợp đồng BCNVKT khống và sử dụng hóa đơn mua ngoài chợ trời để hợp thức hóa rút tiền của nhà nước thì liệu có qua nổi được các cơ quan thuế, kiểm toán nhà nước, kiểm toán độc lập và thanh tra hay không?

Lời khai ép tội?
Trong suốt quá trình vụ án, riêng chỉ có lời khai bị cáo Đỗ Thị Bích Thủy khai là làm theo chỉ đạo của Bùi Quốc Anh. Không những vậy bị cáo Bích Thủy còn khai Bùi Quốc Anh gặp Ngô Văn Nhuận (là kiểm toán viên Nhà nước) để bàn bạc thực hiện, nhờ Nguyễn Minh Ngọc, trú tại số 59 ngách 481/1 Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội tìm một công ty mua bán hóa đơn…
Nhưng trong các lời khai tại cơ quan điều tra và khai tại các cấp tòa, bị cáo Bùi Quốc Anh đều khai không hề quen biết Ngô Văn Nhuận, đồng thời lời khai của Nhuận cũng vậy, cũng khẳng định không quen biết bị cáo Bùi Quốc Anh và chưa găp nhau bao giờ, bị cáo Nhuận chỉ quen biết với Đỗ Thị Bích Thủy – kế toán Cty Biển Đông.
Tất cả những mâu thuẫn, khuất tất trên được nêu trong bản án phúc thẩm số 366/2014/HSPT ngày: 11-7-2014 của TAND tối cao tại Hà Nội. Trong phần nhận xét của bản án-Về tố tụng: Kết luận điều tra xác định hành vi sai phạm của Bùi Quốc Anh, Đỗ Thị Bích Thủy, Nguyễn Thị Lệ Thủy và Ngô Văn Nhuận đã gây thiệt hai cho Nhà nước tổng số tiền là 4.782.600.000 đồng. Cụ thể tại Cáo trạng số 08/VKSNDTC-V2 ngày 5-6-2014 xác định hành vi của các bị cáo đã “gây thiệt hại cho Cty Biển Đông số tiền 4.782.600.000 đồng”. Tuy nhiên hồ sơ vụ án thể hiện , Cơ quan điều tra, truy tố không tiến hành lấy lời khai của người đại diện pháp luật Cty Biển Đông và của Cty VFC theo qui định của Bộ luật tố tụng hình sự để xác minh làm rõ tiền thiệt hại là thiếu sót nghiêm trọng.
Cty VFC và Cty Biển Đông đã có văn bản gửi VKSNDTC cho rằng mình không bị thiệt hại. Sau khi hai công ty này có văn bản cho rằng mình không bị thiệt hại, cơ quan tiến hành tố tụng vẫn không thực hiện lấy lời khai của hai công ty này theo qui định của Bộ luật tố tụng hình sự. Tại bản án sơ thẩm, TAND thành phố Hà Nội xác định các công ty này là nguyên đơn là không đúng với qui định của pháp luật.Hoàng Thanh – Doanh Chính
(còn nữa)