Tiếng nói hòa bình của Việt Nam tại Nhật Bản

Ngày 1/5/2014, Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương (Haiyang) 981 vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam để thăm dò dầu khí, cùng với đó Trung Quốc còn có các hành động khiêu khích, đe dọa, như cho tàu hải cảnh phun vòi rồng, cố tình đâm va vào tàu chấp pháp và tàu cá của ngư dân Việt Nam. Những hành động trên của Trung Quốc đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ Việt Nam và cả cộng động quốc tế vì chúng không chỉ xâm phạm quyền chủ quyền của Việt Nam mà còn đe dọa đến an ninh, an toàn, hòa bình ở Biển Đông và của cả khu vực.

Trong bối cảnh đó, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, báo Tuổi Trẻ và Công ty Việt Vision, với sự cố vấn của ông Phạm Phú Ngọc Trai, đã khởi xướng việc tổ chức chương trình Câu chuyện hòa bình nhằm mục đích thông qua ngôn ngữ hình ảnh và âm nhạc để tôn vinh, ca ngợi, chia sẻ thông điệp hòa bình cũng như tinh thần yêu chuộng hòa bình của tuổi trẻ Việt Nam.
Chia sẻ về chương trình Câu chuyện hòa bình, ca sỹ Hà Anh Tuấn (Giám đốc công ty Việt Vision, đơn vị sản xuất chương trình) cho rằng khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam, tất cả những người yêu mến âm nhạc đều rất sôi sục, không vô cảm trước những sự kiện của đất nước và loay hoay tìm phương án, hình thức phù hợp để nói lên tiếng nói của mình. Giống như những nhà báo có ngòi bút, các nghệ sĩ, ca sĩ chúng tôi có âm nhạc để cùng hòa nhịp.
Sau 3 chương trình được tổ chức tại Việt Nam (số 1 và 2 vào tháng 8/2014 và tháng 9/2015 tại Tp HCM; số 3 vào tháng 3/2016 tại Hà Nội), trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh hoạt động bồi đắp, quân sự hóa các đảo/đá ở Biển Đông đe dọa đến an ninh, hòa bình của khu vực, Ban tổ chức đã quyết định đưa chương trình Câu chuyện hòa bình số 4 đến Nhật Bản để thông điệp về tình yêu hòa bình, phản đối các hành động đe dọa đến hòa bình của tuổi trẻ Việt Nam được lan tỏa đến bạn bè Nhật Bản.
Hai dân tộc Việt Nam và Nhật Bản đều đã trải qua những giai đoạn đau thương của chiến tranh và cũng đang chịu các hành động khiêu khích của Trung Quốc như việc đơn phương thiết lập vùng nhận dạng phòng không - ADIZ ở biển Hoa Đông, thường xuyên cho máy bay, tàu thủy đi vào vùng biển của Nhật Bản… Do đó, nhân dân hai nước dễ dàng đồng cảm với nhau qua những hình ảnh, âm thanh và câu chuyện của khát vọng hòa bình. Như phát biểu của ông Hironobu Fujita - Trưởng phòng kinh doanh toàn cầu của báo Mainich (một trong những đồng hành quan trọng của chương trình Câu chuyện hòa bình số 4) phát biểu khi làm việc với báo Tuổi trẻ ngày 4/4/2016 rằng thông tin về Câu chuyện hòa bình số 4 đã được báo này thông tin đến độc giả Nhật Bản từ ngày 2/4/2016 và chương trình này cho thấy mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt – Nhật thật sự khăng khít.
Cánh hoa hòa bình được chọn làm chủ đề cho chương trình Câu chuyện hòa bình số 4 lấy cảm hứng từ cuộc phỏng vấn hai cha con người Pháp gốc Việt trên đài truyền hình Pháp sau vụ khủng bố ở Paris ngày 13/11/2015. Khi cậu con trai đầy lo sợ hỏi cha: “Chúng có súng, chúng có thể bắn chúng ta vì chúng rất, rất xấu xa bố ạ!”. Người cha đã trả lời rằng: “Không sao đâu con, chúng có súng thì chúng ta có hoa. Hoa là để chiến đấu lại với súng…”.
Với chủ đề trên, các nhà tổ chức chương trình Câu chuyện hòa bình số 4 đã lấy hình tượng cánh hoa sen nồng thắm giữa màu hoa anh đào rực rỡ để nêu cao tinh thần ca ngợi tình hữu nghị, yêu hòa bình của 2 dân tộc Nhật Bản và Việt Nam.
Rất hữu duyên, chương trình Câu chuyện hòa bình số 4 lần này lại diễn ra tại Nhật Bản vào ngày 14/4/2016, đúng mùa hoa anh đào đang nở rộ. Và cũng thật bất ngờ khi chỉ ít ngày trước khi chương trình này diễn ra trên đất nước Nhật Bản, Trung Quốc một lần nữa lại đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển chưa phân định ở cửa vịnh Bắc Bộ và vẫn ngang nhiên tuyên bố đó là vùng biển của Trung Quốc bất chấp sự phản đối của Việt Nam và cộng đồng quốc tế. Điều này cho thấy rằng, dù trong hòa bình, khi những cánh hoa anh đào đang rực rỡ khoe sắc, vẫn còn quá nhiều các mối đe dọa đến hòa bình quốc tế và khu vực.
Phát biểu khi xem Chương trình, ông Ryusei Matsuo, Quản lý nhóm tư vấn chiến lược, Ernst&Young Nhật Bản: “Tôi không đồng tình với các hành động khiêu khích (của TQ) trên Biển Đông, những hành động kiểu như đưa giàn khoan hay quân sự hóa các đảo thực sự không có lợi đến hòa bình của khu vực”.
Trong khi ông Tetsuo Kaneko, Cựu Chủ tịch Lotte Việt Nam, cho rằng: “Các tranh chấp nên được giải quyết bằng con đường hòa bình, thương lượng, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế. Các hành động của TQ thời gian qua không đi theo tôn chỉ này”.
Trong bối cảnh đó, tuổi trẻ Việt Nam vẫn cất cao lời ca, tiếng hát ca ngợi hòa bình. Họ sẽ tiếp tục coi văn hóa, âm nhạc như một thứ “vũ khí” để góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng. Ca sỹ Hà Anh Tuấn còn hy vọng một ngày nào đó mang chương trình Câu chuyện hòa bình đến Trung Quốc./.