“Đến hẹn lại lên”, cứ khoảng quý II hằng năm, Bộ Ngoại giao Mỹ lại “chăm chỉ” cất lên “hai tiếng chuông rè lạc điệu”, đó là hai văn bản “phúc trình” về tình hình nhân quyền và tự do tôn giáo trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Dù số liệu và giọng điệu mỗi năm có khác nhau đôi chút, nhưng “mẫu số chung” của hai bản phúc trình thường niên trên là xuyên tạc, bóp méo về tình hình nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Ví dụ, năm nay, “phúc trình” nêu rằng: “Trong năm 2018, hơn 100 người đã bị bỏ tù ở Việt Nam vì các lý do chính trị hoặc tôn giáo”. Những thông tin mà hai bản “phúc trình” đưa ra thực chất là sự cóp nhặt, sao chép cẩu thả những thông tin trên mạng, ngôn ngữ tản mạn với những nhận định không hề được kiểm chứng. Nhiều chuyên gia nghiên cứu về nhân quyền và tôn giáo ở Việt Nam cũng như trên thế giới đang đặt câu hỏi: Vì sao Bộ Ngoại giao Mỹ lại “mất công” với những bản “phúc trình” thiếu khách quan, sai sự thực đến vậy? Phải chăng, nhóm soạn thảo “phúc trình” vẫn giữ cách tiếp cận vấn đề đã quá cổ hũ, lỗi thời?

Sự cổ hủ, lỗi thời của những người làm “phúc trình” có thể nhận ra ngay từ câu mở đầu của báo cáo với những lời lẽ quy chụp y như thời kỳ “Chiến tranh lạnh” trước đấy: “CHXHCN Việt Nam là một nhà nước độc tài do một đảng duy nhất - Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền”. Họ cho rằng, điều này là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến “mất tự do, nhân quyền”, “đàn áp tôn giáo” ở Việt Nam.

Luận điệu cho rằng Chủ nghĩa xã hội là chế độ vô thần, do đó là kẻ thù của nhân quyền, tự do tôn giáo là luận điệu quá cũ kỹ và đã bị hiện thực lịch sử phế bỏ. Những người giữ luận điệu này cố tình không biết rằng, ngay từ khi có Tuyên ngôn Đảng Cộng sản (1848), những người cộng sản mà Các Mác và Ăng-ghen là đại diện chẳng những không kỳ thị mà rất trân trọng đời sống tâm linh của mỗi cá nhân, coi đó là một trong những quyền cơ bản của con người. Lê-nin cũng cho rằng: “Tôn giáo là công việc tư nhân. Mỗi người cứ việc tin vào điều mình muốn hoặc chẳng tin vào bất cứ cái gì… Nước Cộng hòa Xô viết không hề phân biệt tín ngưỡng”. Không những vậy, Lê-nin còn nhấn mạnh sẵn sàng kết nạp những người có đạo vào hàng ngũ những người cộng sản: “Chúng ta không những phải sẵn sàng kết nạp, mà còn cố gắng để thu hút vào trong Đảng Dân chủ Xã hội tất cả những công nhân nào còn tin ở Thượng đế; chúng ta nhất định phản đối bất cứ một sự xúc phạm nhỏ nào đến tín ngưỡng, tôn giáo của họ”.

Ở Việt Nam, ngay trong những văn kiện cách mạng đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định việc “Ban bố các quyền tự do, dân chủ cho nhân dân: Tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tín ngưỡng…”.  

Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm các quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Điều này được ghi rõ trong Hiến pháp 2013 và pháp luật của Việt Nam, cũng như được bảo đảm tôn trọng trên thực tế. Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm phân biệt đối xử với công dân vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo.  

Có lẽ, không có dẫn chứng nào sinh động hơn thực tế đời sống tâm linh, tôn giáo của người dân Việt Nam hiện nay. Ngày 25-1-2019, Nhóm làm việc về rà soát định kỳ khảo sát chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc đã đồng thuận thông qua Báo cáo về kết quả rà soát của Việt Nam. Theo đó, Việt Nam là quốc gia đa tín ngưỡng, đa tôn giáo, với khoảng 95% dân số có tín ngưỡng, tôn giáo. Mỗi năm, có khoảng 8.500 lễ hội tôn giáo được tổ chức tại Việt Nam. Các tôn giáo ở Việt Nam chung sống hòa hợp trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Điều hiển nhiên là không có tự do nào là vô hạn; không có quyền con người nào nằm ngoài khuôn khổ của pháp luật. Trong một số vụ việc liên quan đến tôn giáo xảy ra vừa qua ở Việt Nam, một số kẻ đội lốt tôn giáo đã hành động bất chấp những giới hạn của chuẩn mực quốc tế. Phải chăng, việc kích động giáo dân tràn ra quốc lộ làm tắc nghẽn giao thông, tụ tập gây rối, phá trụ sở chính quyền và cơ quan an ninh, ném gạch đá làm chấn thương người thi hành công vụ, bắt giữ cán bộ, công chức nhà nước là “đấu tranh ôn hòa” đòi “tự do tôn giáo”? Trên thế giới hiện nay, không một quốc gia nào chấp nhận điều đó; không một tín đồ hay tổ chức tôn giáo nào có thể đứng trên pháp luật.  

Sự nghiệp đổi mới đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo luôn đặt con người vào vị trí trung tâm, không có mục đích nào cao cả hơn là vì tự do và hạnh phúc của con người. Tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện quyền con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là nguyên tắc hiến định ở Việt Nam. Thực tiễn sinh động đó là lời bác bỏ đanh thép những luận điệu cố tình xuyên tạc, bịa đặt về tình hình nhân quyền và tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.

Nguyễn Hồng