Tiên trách kỷ!

Những người di cư tụ tập gần hàng rào thép gai, vùng Grodno, Belarus, để tìm cách vượt qua biên giới sang Ba Lan, ngày 8-11.

Từ đầu tuần qua, căng thẳng ở biên giới Belarus - Ba Lan lên cao khi hàng nghìn người nhập cư đã đổ dồn về trước hàng rào thép gai đánh dấu biên giới hai nước. Những người nhập cư này không thể vào lãnh thổ Ba Lan, bởi chính quyền Ba Lan đã triển khai tới 15.000 nhân sự gồm quân đội, hiến binh, cảnh sát, lính biên phòng để bảo vệ biên giới. Họ cũng không thể quay trở lại Belarus bởi phía Belarus không cho phép điều này. Đây chính là thế tiến thoái lưỡng nan của những người nhập cư, tình thế có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn.

Câu chuyện cũng không chỉ dừng lại ở quan hệ Belarus - Ba Lan, bởi dòng người nhập cư có thể tràn qua biên giới sang Ba Lan, Latvia, Litvia, rồi tới các nước châu Âu. Đây chính là điều không một quốc gia thành viên nào trong Liên minh châu Âu (EU) mong muốn. Quan hệ giữa Belarus với EU vốn đã căng thẳng giờ lại bị đẩy vào thế đối đầu. Gỡ mối bòng bong “người nhập cư” không phải là chuyện một sớm một chiều, bởi không thể đưa họ trở lại quê hương theo luật nhân đạo và cũng khó có thể cho họ nhập cư, bởi chính sách của mỗi nước.

EU, vốn đang áp đặt nhiều lệnh trừng phạt với Belarus, giờ lại sẵn sàng áp thêm những lệnh trừng phạt mới đối với các hãng hàng không và du lịch được cho là liên quan đến việc đưa người di cư tới biên giới EU. Theo đó, EU cáo buộc Minsk để cho dòng người di cư, chủ yếu từ Trung Đông, đến Belarus và vượt biên giới vào Ba Lan và các nước thành viên khác trong khối này. Còn theo Bộ Ngoại giao Belarus, Ngoại trưởng Vladimir Makei đã thảo luận trong cuộc điện đàm ngày 14-11 với Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU - ông Josep Borrell về cuộc khủng hoảng biên giới Belarus - Ba Lan và các biện pháp trừng phạt của Brussels đối với Minsk. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Belarus cho biết: Minsk nhấn mạnh cam kết sẵn sàng đối thoại trên nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau với EU. Phía Belarus cũng cho rằng các biện pháp trừng phạt của EU đối với nước này là “vô ích và phản tác dụng”.

Trong khi đó, Nga - đồng minh thân cận của Belarus có cách tiếp cận theo hướng xây dựng. Hãng thông tấn RIA dẫn lời Tổng thống Nga - Vladimir Putin trả lời phỏng vấn một kênh truyền hình nhà nước hôm 14-11 khẳng định Moscow sẵn sàng hỗ trợ giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư ở biên giới giữa Belarus và Ba Lan. Ông nêu rõ: "Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ bằng mọi cách, nếu có bất kỳ điều gì phụ thuộc vào chúng tôi". Hơn thế, Tổng thống Putin cho biết, ông đã trao đổi với Tổng thống Belarus - Alexander Lukashenko hai lần kể từ khi bắt đầu xảy ra cuộc khủng hoảng.

Vậy, phía Belarus nói gì về căng thẳng này? Tổng thống Lukashenko cho rằng các nước phương Tây phải chịu trách nhiệm về những diễn biến này vì chính hành động can thiệp của những nước này đã khiến người dân tại nhiều quốc gia phải sơ tán khỏi chiến tranh.

Như vậy, nói về thực trạng căng thẳng biên giới về người nhập cư thì Belarus cũng có phần trách nhiệm. Ấy nhưng, lập luận của ông Lukashenko khiến người ta nghĩ tới cái gốc của vấn đề. Theo đó, các nước phương Tây can dự vào các cuộc nội chiến, chiến tranh triền miên ở Trung Đông mới là nguyên nhân chính dẫn tới việc người dân ở khu vực này phải bỏ nhà cửa, quê hương những mong tới châu Âu để tìm cuộc sống mới. Với EU, chuyện nhận hay không nhận, nhận bao nhiêu người nhập cư là câu chuyện chính trị cực kỳ nhạy cảm và quan trọng của bất kỳ quốc gia thành viên nào. Trong lúc các quyết định chưa được đưa ra thỏa đáng, báo chí quốc tế vẫn thường xuyên đăng tải về những cái chết thương tâm của bao số phận người di cư do chiến tranh, loạn lạc ở Trung Đông. Vậy nên, trước khi EU trách Belarus, họ nên tự trách mình đã can thiệp mà không giải quyết tận gốc vấn đề ở Trung Đông để dẫn tới thảm cảnh hôm nay.

Khi EU chối bỏ trách nhiệm và Belarus vẫn giữ lập trường của mình, hàng nghìn rồi hàng chục nghìn người vẫn dồn ứ dọc hàng rào dây thép gai ở khu vực biên giới Belarus - Ba Lan. Theo luật nhân đạo quốc tế, vấn đề người di cư và tị nạn phải được giải quyết trên các nguyên tắc nhân đạo và luật pháp quốc tế. Thế nhưng, luật pháp quốc tế lại được thực thi bởi từng quốc gia và mỗi quốc gia trong trường hợp này đều có cái lý của mình. Tuy nhiên, nếu luận theo cái gốc của vấn đề dẫn đến tình trạng hàng chục nghìn người dồn ứ ở biên giới Belarus muốn sang EU thì có lẽ EU nên coi đây là bài học xương máu khi can thiệp quân sự vào các quốc gia khác.

Thanh Huyền