Tiên phong làm “lúa sạch”
CCB Ba Nhựt bên cánh đồng lúa thảo dược theo quy trình hữu cơ.
Sau nhiều năm vật lộn với lối canh tác truyền thống, CCB Phạm Văn Nhựt (thường gọi Ba Nhựt), ấp Phong Phú, xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre đã tìm ra hướng làm lúa sạch theo quy trình hữu cơ, giúp tăng giá trị gần 5 lần so với nông dân bán lúa tươi tại ruộng. Nhãn hiệu gạo Ba Nhựt đã được chứng nhận xếp hạng đạt chuẩn “3 sao” trong chương trình OCOP.
Căn nhà CCB Ba Nhựt ngổn ngang với máy cày, máy bơm, phía sau là khu sấy lúa, nhà máy xay xát gạo, chuồng bò... ông đang xây dựng chuỗi giá trị cây lúa theo cách riêng của mình - lúa sạch hữu cơ. Vừa tất bật nhận đơn hàng giao cho khách, CCB Ba Nhựt cho biết: Mấy năm trước, ngày nào ông cũng nghe đài, tivi nói về Phong trào “Khởi nghiệp”, đã khơi dậy tinh thần trong ông muốn khởi nghiệp lắm nhưng không biết làm cách nào. “Mình trồng lúa cả đời cũng chỉ đủ ăn chứ không giàu được. Sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi nhận ra nông dân bán lúa tươi ngay tại ruộng với giá quá thấp. Vậy là tôi quyết định đầu tư, chuyển đổi từ canh tác lúa truyền thống sang làm lúa sạch theo quy trình hữu cơ rồi đăng ký nhãn hiệu” - ông Ba Nhựt nói.
Quy trình làm lúa sạch do ông xây dựng gần như khép kín: Sau thu hoạch lúa, rơm mang về nuôi bò lấy phân trồng cỏ, cỏ chuyển thành phân hữu cơ bón lúa; một phần gạo được nấu rượu lấy hèm (bỗng) cho bò ăn; trấu cung ứng cho cơ sở nuôi gà để đổi lại phần phân gà đem về ủ làm phân, phần cám thu được khi xay lúa bán để làm mỹ phẩm... Ông Ba Nhựt cho hay: “Ngày xưa cám để cho lợn ăn nhưng giờ đối với lúa thảo dược của tôi không có để bán. 1kg cám tôi bán với giá 200.000 đồng để các công ty chế thành mỹ phẩm làm đẹp. Mọi thứ từ cây lúa tôi đều biến thành tiền”.
Ông Ba Nhựt kể, mấy năm trước có đứa cháu lao động bên Nhật Bản mang về tặng một bông lúa thảo dược màu tím. Thấy giống lúa lạ, ông tỉ mỉ nhân giống rồi đưa ra trồng đại trà. Khi lúa làm ra, xay gạo nấu cơm ăn rất ngon nhưng bán chẳng ai mua vì lạ, màu tím. Đau đầu với đầu ra, ông liền nghĩ cách đem gạo gửi xét nghiệm các thành phần rồi đăng ký nhãn hiệu. Đăng ký xong, ông liên kết với các nông dân khác để sản xuất với số lượng lớn, đóng gói tiêu thụ khắp cả nước. Hiện tại, ông có hai nhãn hiệu mang tên mình là gạo tím Ba Nhựt và nếp cẩm Ba Nhựt được làm theo quy trình hữu cơ.
Vài năm trở lại đây, hầu hết cánh đồng lúa ở địa phương mất trắng vì nước mặn. Vậy nhưng cánh đồng khảo nghiệm giống lúa của CCB Ba Nhựt vẫn trụ vững với năng suất 3 tấn/ha. Những sản phẩm lúa sạch được ông bao tiêu với giá cao hơn nhiều so với giá thị trường. Đến nay, đã có các cơ sở tại T.P Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Hà Nội... ký hợp đồng tiêu thụ gạo thảo dược của ông. Số còn lại ông hợp đồng với thương lái, kênh bán hàng online... để giải quyết đầu ra cho nông dân. Giá trị từ cây lúa được ông tận thu đã tăng gần 5 lần với bán lúa tươi ngay tại ruộng. Gạo thảo dược đem lên thành phố bán tuy giá cao hơn so với các loại gạo khác, nhưng nhiều người chọn mua vì sản xuất theo quy trình hữu cơ, tốt cho sức khỏe.
Chủ tịch UBND xã Phong Nẫm - Hồ Văn Trí cho biết: “Mô hình sản xuất lúa thảo dược và các giống lúa khác theo tiêu chuẩn hữu cơ của ông đã được chứng nhận xếp hạng đạt chuẩn “3 sao” trong chương trình OCOP, đồng thời được UBND xã đưa vào chương trình điểm về mô hình “Khởi nghiệp”.
Sắp tới, Ba Nhựt còn dự định sẽ liên kết với những nông dân là CCB có chí hướng làm lúa sạch để ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Từ nông dân chân đất, bây giờ ông đang mơ ước sẽ hoàn thiện chuỗi giá trị từ cây lúa và cùng nông dân làm giàu với thương hiệu mang tên Ba Nhựt.
Hoàng Trung