Tiền nhiều để làm gì!
“Tiền nhiều để làm gì?” là câu hỏi mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh rất nhiều lần trong những hội nghị Xây dựng, chỉnh đốn Đảng ta gần đây. Bài “Tiền nhiều để làm gì!” trong Chuyên mục “Tự diễn biến, tự chuyển hóa” dưới đây như một minh họa cho câu hỏi của Tổng Bí thư (xin nhấn mạnh - đây chỉ dành nói về những trường hợp giàu không biết vì đâu mà giàu; nhiều tiền không biết do đâu…!).
Khi bước chân lên "giàu" thì phải cảnh giác, giàu có không phải là chân lý, thậm chí nhiều khi vì lắm tiền mà vi phạm pháp, bán rẻ lương tâm danh dự của bản thân mình, gia đình mình...
Thời đầu "kinh tế thị trường" ở nước ta cũng tạo ra những người giàu kỳ cục, kỳ lạ, kỳ khôi lắm. Họ xuất thân nghèo nhưng nhờ mối quan hệ làm ăn thì thành "giàu" nứt vách đổ tường, giàu tột đỉnh -nghiễm nhiên trở thành giới thượng lưu mới.
Nhưng, dù họ có làm chủ đất hàng trăm héc-ta, vài chục khu công nghiệp nhờ "quan hệ" đó, thì họ vẫn không thoát khỏi cái cốt ban sơ của họ, nên nhiều khi không bảo vệ được cái mạng mình, đã “trượt vỏ chuối”. Điển hình như Trần Bắc Hà bị bắt, năm 2019 chết trong trại tạm giam, thọ 63 tuổi, bà vợ sau đó mất ở tuổi 64.
Ai cũng biết chuyện lùm xùm của gia đình Trầm Bê, ông này xây hàng chục ngôi chùa bề thế, làm từ thiện ở tỉnh Trà Vinh có tiếng. Năm 2005, Bình “kiểm” bắt cóc con trai ông, đòi tiền chuộc lên đến 10 triệu USD. Đấy, Trần Bê xây chùa nhiều mà có thoát nợ đời không?
Còn Tăng Minh Phụng. Những năm 90 của thế kỷ trước ai cũng biết ông là ông chủ của 10.000 công nhân, từng nắm cả nghìn tỷ đồng trong tay, “đất đai mênh mông”... Không giống các trọc phú khác, Tăng Minh Phụng là người có khuôn mặt phúc hậu, dễ mến, không khoe khoang, ăn mặc hết sức giản dị,nói chuyện rất nhẹ nhàng.
Ông Phụng cũng không rượu chè, cờ bạc, “trai gái”, mà chung thủy một vợ một chồng. Nhưng rồi ông Phụng bị bắt giam ngày 24-3-1997 về các tội lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng. Ôngbị Tòa tuyên án tử hình!.
Đấy là chuyện của người nhiều tiền mà không biết do đâu gần đây… Còn người nhiều tiền của thời xưa thì sao? Họ cũng kết cục không hề vui - vùng miền nào cũng có. Thậm chí có cả nguyên nhân do hậu thế gia tộc tranh giành nhau mà lập mưu làm ác.
Điển hình như ở Nam Bộ, xứ Châu Thành (nay là huyện), Sóc Trăng xưa có ngôi nhà lầu đẹp nhất, bề thế nhất của bà Phủ An. Bà có tên thật là Lê Thị Lâu. Bà là quả phụ hàm Đốc phủ sứ Lê Văn An, ruộng đất mênh mông.Bà giàu nhưng không có con đẻ - nuôi hai người cháu.
Khi bà đau. Bệnh bà, bác sĩ khuyên ăn nhạt, nhưng hai cô cháu,tên là Ngọc vàNgà khóc lóc, nài nỉ, nấu cháo sò huyết, nấu bánh canh cua, tra nước mắm Hòn, nước tương Tàu, ép bà ăn...Hai cháu lại nói trái với ý bác sĩ, bảo: “Phải có hột cơm, cháo mới mau khỏe”.Có người đồn rằng, hai cô cháu muốn cho bà mau chết để hưởng gia tài.
Học giả Vương Hồng Sển là cháu rể bà Phủ An, kể: "Ngày 6-5-1931, bà Phủ An từ trần, làm chúc ngôn chotôi viết và ký thác nơi phòng chưởng khê, cho Dương Thị Tuyết và Vương Hồng Sển đứng tên, làm chủ 220 mẫu ruộng tốt trong làng Hoà Tú và cho riêng cháu gái gọi bằng bà nội tư trang gồm vô số ruộng, vườn, cùng 320 hột bông tai, cà rá và 80.000 đồng tiền mặt - một số tiền quá lớn vào năm 1931". Ngày nay con cháu, gia sản của bà Phủ An cũng không còn.
Năm 1930, Nam Kỳ có cả thảy 6.690 đại điền chủ có từ 50 mẫu đất trở lên, trong đó có nhà Nguyễn Hữu, thuộc dòng Huyện Sĩ -gả cô Nguyễn Hữu Thị Lan về làm dâu nhà Nguyễn. Cậu hai Nam Phương là ông Lê Phát An tặng cho cháu gái 1 triệu đồng tiền mặt làm của hồi môn.
Đồng tiền xưa rất có giá trị, chưa có danh từ tỷ phú như bây giờ, chỉ triệu phú là hết mức. Vậy số tiền 1 triệu đồng của Cậu hai Lê Phát An tặngbà Nam Phương là lớn không thể tưởng tượng được. Vậy mà đến nay, con cháu Huyện Sĩ, Lê Phát An, dòng bà Nam Phương cũng không còn ở Việt Nam, cả mồ mả ông bà cũng không giữ được...
Đúng là “không ai giàu ba họ, không ai ai khó ba đời”. Thế mới có câu “tiền - bạc”. Chả thế mà có người đặt câu hỏi: Đồng tiền có mùi gì? Đó là mùi người. Chính xác là mùi người, mùi của xương máu, là mùi của mồ hôi, của nước mắt, của sự bon chen cuộc sống. Là mùi của sự khổ tâm, khổ tứ...
Đúng là tiền có thể mua được nhiều thứ. Không có tiền, chắc chắn con người không thể sống được. Bởi nó là thước đo giá trị cuộc sống của bạn. Nhưng cũng chắc chắn rằng tiền không phải tất cả.
Thậm chí, người càng giàu lạicàng nguy hiểm hơn trong xã hội. Đầu tiên là trộm cướp, hai là con cái tranh giành, dựa dẫm vào sự giàu có của mình mà lười tu dưỡng, lười học hành nên lớn lên trở thành người vô dụng, không những không giữ được tiền, mà còn có khi không giữ được cả danh dự, nhân phẩm.
Chính vì thế, cuộc sống chúng ta nên hiểu rõ địa vị của bản thân mình,sau đó mới biết bản thân mình nên làm gì và không nên làm gì.
Nguyễn Gia Tường