Tiệc cưới bây giờ
Tiệc cưới là điểm nút thắt mở như trong kích bản sân khấu. Do đó, bất cứ ai dù giàu nghèo, sang hèn đều rất lo lắng tổ chức tiệc cưới cho mình. Nhưng tiệc cưới cũng biến tấu qua mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn lịch sử. Tuy nhiên vẫn có điểm chung cho bất cứ thời kỳ nào.
Thời xa xưa, các gia đình có của ăn của để, nhất là với nhà quyền quý thì đủ nghi thức nhiêu khê. Người ta đua nhau khoe cái sự tân tiến văn minh và đẳng cấp xã hội bằng tiệc cưới. Dềnh dàng năm ba ngày với hàng trăm thực khách, có khi mời cả làng, cả tổng. Ngày thì ăn uống, đêm thì thuốc phiện, xóc đĩa, tổ tôm. Dựng rạp, dỡ rạp cũng vài chục mâm…
Có cảnh ấy, lại có tình này. Bạn đọc hẳn nhớ truyện ngắn “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân. Chuyện kể vào nạn đói năm 1945, anh Tràng-một phu kéo xe thuê, nuôi mình còn không đủ tiền đâu cưới vợ. Vậy mà, một chiều nọ cả xóm ngụ cư ngơ ngác vì anh dẫn một người đàn bà về giới thiệu là vợ mình. Bà mẹ già rơi nước mắt: “Thôi thì các con đã phải duyên, phải kiếp ta cũng mừng lòng” Và, tối hôm ấy dưới ánh đèn dầu leo lét “tiệc cưới” đón dâu của họ là một… nồi cháo cám!
Tiệc cưới trong những năm kháng chiến lại mang vẻ đẹp riêng. Đều na ná giống nhau: “Rạp cưới dựng bằng dù Tây/ Trà sim, kẹo bỏng, vỗ tay pháo mừng/ Nhà trai đạn thắt ngang lưng/ Nhà gái quần xắn lưng chừng ống chân/ Đại đội tuyên bố kết hôn/ Như hô khẩu lệnh công đồn hôm qua/ Liên hoan, hai họ đồng ca…”.
Tiệc cưới giờ đã khác rồi, người cưới đã khác rồi. Đã lúc nào bạn phải đắn đo tính toán khi nhận được thiếp mời dự tiệc cưới: Ai mời? Bạn thân hay chỉ là chỗ quen biết? Họ hàng gần hay xa? Đồng nghiệp hay thủ trưởng? Đáp lễ hay trả ơn? Nhà hàng, khách sạn nào? Những câu hỏi ấy liên quan đến sự mừng. Có tiệc cưới thực đơn toàn sơn hào, hải vị quý hiếm. Rượu khai vị toàn hàng ngoại, âm nhạc êm êm dìu dặt. Màn hình hiện cảnh cô dâu chú rể rạng ngời hạnh phúc ở các danh thắng trong nước và quốc tế. Nhân viên nhà hàng đồng phục kiểu hầu phòng của các gia đình quý tộc thời xưa…
Bên cạnh những tiệc cưới linh đình trên, liệu còn bao nhiêu mảnh đời không thể lo cho mình một mái ấm. Cho đến lúc này, trên thế giới chưa có chế độ nào san lấp được hố ngăn cách giàu nghèo. Vậy nên xin hãy trân trọng nghĩa cử cao đẹp của Đoàn Thanh niên ở thành phố mang tên Bác, ở Bình Dương… thường tổ chức tiệc cưới tập thể cho những đôi lứa khó khăn. Để khỏi tủi phận mang tiếng là chồng theo vợ nhặt.
Việc làm đó phần nào thể hiện bản chất nhân văn của một chế độ. Vậy xin hãy tạm bằng lòng!
Xuân Lộc