Tích cực đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam
Sau nhiều năm đấu tranh vì công lý không mệt mỏi của các nạn nhân da cam với những sự thật được phơi bày về nỗi đau đang hiển hiện ngay chính trên cơ thể họ, chính phủ Mỹ đã phải có những thỏa thuận nhất định nhằm khắc phục hậu quả chất da cam/đi-ô-xin tại Việt Nam. Nổi bật trong số đó là Dự án tẩy độc tại ba địa điểm "nóng": Sân bay Đà Nẵng, Phù Cát và Yên Hòa. Trong đó, Dự án tẩy độc môi trường tại sân bay Đà Nẵng có số vốn do phía Mỹ tài trợ lên tới 84 triệu USD được xem là một trong những thành công đối với những nạn nhân da cam Việt Nam. Tuy nhiên, với những hậu quả gây ra tại Việt Nam thì thỏa thuận của chính phủ Mỹ thời gian qua hoàn toàn chưa thỏa đáng. Dư luận quốc tế đã lên tiếng rằng, đã đến lúc Mỹ phát biểu nhiều hơn về vấn đề da cam và những nạn nhân của nó, để cho những nỗi đau da cam do Mỹ gây ra trong chiến tranh Việt Nam có thể được xoa dịu phần nào.
Có thể nói, hơn 10 năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành T.Ư, địa phương, Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam đã phát triển ở 59 tỉnh, thành phố, trên 560 huyện, quận, thị xã, 6.000 xã, phường với hơn 325.000 hội viên. Trong đó 14 tỉnh, thành phố đã thành lập Hội ở 100% huyện, thị và 57 tỉnh, thành phố có quyết định công nhận Hội đặc thù. Hội quan hệ chặt chẽ với 500 tổ chức, cá nhân của 30 nước trên thế giới, phục vụ tích cực cho công tác đấu tranh pháp lý, kiện 37 công ty hóa chất Mỹ. Mặc dù tòa sơ thẩm, tòa phúc thẩm và tòa tối cao Mỹ từ chối xét xử, cũng như không xem xét đơn kháng cáo của các luật sư Việt Nam, song dư luận trong nước và quốc tế đã buộc Chính phủ Mỹ phải có hành động như tiến hành tẩy độc môi trường, hỗ trợ kinh phí, tổ chức khám chữa bệnh cho nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách đãi ngộ nhằm chăm sóc ngày càng tốt hơn các đối tượng chính sách, trong đó có nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin. Nhà nước ban hành các chế độ, chính sách, tổ chức các hoạt động trợ giúp xã hội đối với người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và thân nhân của họ; công nhận những người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học là đối tượng người có công.
Các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã có nhiều hoạt động nhân đạo, từ thiện, trợ giúp những người bị nhiễm chất độc hóa học góp phần giúp họ giảm bớt khó khăn, ổn định đời sống. Vượt lên trên những nghiệt ngã đó, các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam tích cực đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam, trên cơ sở luật pháp quốc tế, buộc Oa-sinh-tơn phải chịu trách nhiệm về những hậu quả bi thảm do chất độc da cam gây ra.
CCB Việt Nam