Dù đã biết bác Trần Văn Quang tuổi cao, mấy năm nay bị bệnh nặng, sức khỏe giảm sút, phải điều trị liên tục tại Khoa A11 Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, nhưng khi nhận được tin, tôi không khỏi bàng hoàng, xúc động, thương tiếc ông - một con người tài năng, đức độ, trọn đời cống hiến cho cách mạng.

Thượng tướng Trần Văn Quang sinh năm 1917 tại làng Kim Khê Trung, tổng Kim Nguyên (nay là xã Nghi Hoa, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Tôi cùng quê với ông. Hai xã cách nhau chừng 5 cây số. Thuở nhỏ, nghe mọi người ở quê truyền khẩu nhau câu nói: “Thời thế tạo nên anh hùng. Nghi Lộc thời nay được như Bành, Cung, Quang...”. Người dân Nghi Lộc quê tôi rất ngưỡng mộ và tự hào về Thượng tướng Trần Văn Quang. Thân phụ Thượng tướng Trần Văn Quang là cụ Trần Văn Dung (vẫn gọi là cụ Hàn Dung) có mấy người con tham gia cách mạng. Người con cả là Trần Văn Tăng tham gia sáng lập Đảng Tân Việt - một tổ chức cách mạng đầu thế kỷ 20. Người con thứ 3 là Trần Văn Cung là một trong 7 đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương. Hai anh em Trần Văn Quang, Trần Văn Bành tham gia cách mạng từ rất sớm, bị thực dân Pháp bắt giam ở nhà tù Buôn Ma Thuột trước năm 1945. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông Trần Văn Quang là Ủy viên Thường vụ Quốc hội khóa 1. Rồi sau đó cả ông Trần Văn Quang và ông Trần Văn Bành đều trở thành cán bộ cao cấp của quân đội.

Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, tôi là chiến sĩ rồi qua chiến đấu trưởng thành lên cán bộ phân đội ở chiến trường Trị Thiên-Huế. Khi ấy ông Trần Văn Quang là Bí thư Khu ủy, Bí thư Quân khu ủy, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu Trị Thiên. Ở Quân khu Trị Thiên ngày đó, mọi người gọi ông với bí danh Bảy Tiến. Dù không được trực tiếp gặp, nhưng hằng ngày cán bộ, chiến sĩ đơn vị chúng tôi luôn nhận được từ vị Tư lệnh kiêm Chính ủy sự lãnh đạo, chỉ huy kịp thời, sáng suốt, quyết đoán, trong suốt cả thời kỳ đó, đặc biệt là trong cuộc Tổng tiến công vào thành phố Huế Mậu Thân 1968. Ngay từ thời bấy giờ tôi đã nhiều lần nghe các thủ trưởng đơn vị nói rằng, ông Trần Văn Quang là một vị tướng văn võ song toàn, đã đảm nhiệm nhiều trọng trách trong quân đội nên rất nhiều kinh nghiệm... Ông từng là Chính ủy Quân khu 4 từ thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp, Cục trưởng Cục Tác chiến (Bộ Tổng tham mưu) bên cạnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi làm Phó tổng Tham mưu trưởng, ông được cử vào chiến trường miền Nam từ rất sớm giữ chức Trưởng ban Quân sự Miền…

Tôi được tiếp xúc và làm việc với Thượng tướng Trần Văn Quang thời kỳ từ 1982 đến 1988. Khi đó ông là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Ngoài những trọng trách do Quân ủy Trung ương và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giao, Thượng tướng còn đảm nhiệm chỉ đạo công tác chính sách trong quân đội. Hồi đó, Cục Chính sách trực thuộc Bộ Quốc phòng. Là Phó trưởng phòng rồi Trưởng phòng Nghiên cứu-Tổng hợp của Cục Chính sách, tôi thường được thủ trưởng cục giao nhiệm vụ đi báo cáo công tác với Thượng tướng Trần Văn Quang hoặc lĩnh hội ý kiến chỉ đạo của Thượng tướng đối với Cục Chính sách. Nhiều lần tôi được tháp tùng Thượng tướng đi kiểm tra các đơn vị, địa phương; đi dự các hội nghị chuyên đề ở các bộ, ngành và Chính phủ. Vừa coi tôi là cấp dưới, vừa như bậc con cháu, Thượng tướng Trần Văn Quang thường chỉ bảo nhiều điều rất cụ thể và sâu sắc cả trong công việc và cuộc sống...

Trong nhiều năm được tiếp xúc và làm việc với Thượng tướng Trần Văn Quang, tôi cảm nhận ông là một vị tướng tài năng, đức độ, văn võ song toàn. Ông vừa là một nhà chính trị, nhà quân sự giỏi, vừa là người chỉ đạo sáng suốt, sắc sảo về nhiều mặt, đặc biệt là công tác chính sách đối với quân đội ở tầm chiến lược. Mỗi lần đi cơ sở, Thượng tướng Trần Văn Quang rất chú ý tìm hiểu, nghiên cứu nắm bắt, phát hiện những vấn đề đặt ra từ thực tiễn để chỉ đạo giải quyết chính xác, chu đáo các chính sách đối với quân đội. Trong cuộc sống, Thượng tướng Trần Văn Quang là người nhân hậu, trọng tình, luôn toát lên sự kết hợp hài hòa giữa phẩm chất của người cán bộ cách mạng với tính cách truyền thống văn hóa. Trong quan hệ, ông là người khảng khái, chân thành. Khi cấp dưới làm việc gì chưa đúng, Thượng tướng thẳng thắn phê bình, có lúc khá gay gắt, nhưng mọi người đều nhận ra rằng, sự gay gắt đó là có lý và vì sự tiến bộ của mình và tập thể, bởi bên trong đó là sâu nặng một tình thương yêu.

Ngót trăm tuổi, gần 80 năm tuổi Đảng, Thượng tướng Trần Văn Quang đã trọn đời hiến dâng cho sự nghiệp cách mạng. Có thể nói, tấm Huân chương Sao Vàng và nhiều huân, huy chương khác mà Đảng, Nhà nước trao tặng ông, đặc biệt ông là người được bầu đi dự 8 kỳ đại hội liên tiếp của Đảng (từ khóa 2 đến khóa 9) đã nói lên công trạng, uy tín và tài đức của ông.

Sự ra đi của Thượng tướng Trần Văn Quang đã để lại trong chúng tôi niềm tiếc thương vô hạn. Các cựu chiến binh lại mất đi một người anh, một vị tướng, một lão thành cách mạng đức độ, tài năng có nhiều cống hiến, được quân đội và nhân dân quý trọng, kính yêu. Kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của Thượng tướng, tôi viết những dòng này, như một nén hương lòng kính dâng lên ông - người thủ trưởng tài ba và nhân hậu.

Trung tướng NGUYỄN MẠNH ĐẨU