Thương lắm, ơi Trường Sa! (07/06/2012)

Hằng ngày, đề tài này là câu chuyện dài, hấp dẫn, sôi động, các tầng lớp, lứa tuổi đang bàn bạc trong mọi lúc, mọi nơi. Đó là diễn đàn rộng lớn, xuất phát từ lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, là “tiếng vọng” của đất liền đối với vùng biển, đảo thân yêu, nơi có những người con ngày đêm chắc tay súng, mắt dõi nhìn phương xa, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc

“Cả nước vì Trường Sa”, đó là phương châm sống, là khẩu hiệu hành động của mỗi người dân yêu nước Việt Nam. Bao nhiêu lời nói hay, bao nhiêu việc làm tốt dành cho huyện đảo. Một bức thư đầy xúc động của tập thể thủ khoa Hà Nội, lồng trong hình vẽ trái tim, gửi cán bộ, chiến sĩ và nhân dân quần đảo Trường Sa. Những dòng thư này xuất phát từ câu chuyện kể của Chuẩn đô đốc Đinh Gia Thật, Phó chính uỷ Quân chủng Hải quân. Bức thư có đoạn: “Chúng em làm sao quên được vòng tròn bất tử của 64 cán bộ, chiến sĩ hải quân, tay không bảo vệ ngọn cờ Tổ quốc trên bãi đá Gạc Ma; quên sao được một chiến sĩ hải quân trước lúc Nhà giàn DK1 bị đổ, đã chào đồng đội qua máy bộ đàm: “Nhà giàn sắp đổ rồi! Chào các anh, chị! Em đi đây!...”. Những cái tên Hoàng Sa, Trường Sa, DK1 với những người con bảo vệ chủ quyền biển đảo, sao mà gần gũi, thân thương và dũng cảm đến thế! Vì Tổ quốc, các anh coi cái chết nhẹ như lông hồng. Chúng em nguyện tiếp tục học tập, rèn luyện nhiều hơn; sẵn sàng đón nhận những nhiệm vụ khó khăn, gian khổ và cả thử thách của cuộc đời, phấn đấu là hậu phương vững chắc của các anh… Nhân dân cả nước đang bên cạnh các anh. Thủ khoa và tuổi trẻ Hà Nội ngày đêm thương nhớ và tự hào về các anh”. Từ năm 2011 đến nay, Thành đoàn Hà Nội đã tổ chức kết nghĩa và tặng quà hơn 1.000 gia đình từ Hà Tĩnh trở ra, có cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa với số tiền trên một tỷ đồng.

Thường vậy, vào dịp Tết nguyên đán và dịp quý II (tháng 4 đến tháng 6) hàng năm, các đoàn đại biểu quân, dân, chính, đảng, các nhà khoa học, nhà báo, văn nghệ sĩ, ra thăm, động viên bộ đội, khảo sát, nghiên cứu biển, đảo ngày càng nhiều. Ngoài ra, các địa phương trong 63 tỉnh, thành cũng lần lượt đến với Trường Sa.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Uỷ viên T.Ư Đảng, Phó bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh, dẫn đầu đoàn đại biểu đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương ra thăm huyện đảo. Sau mấy ngày lênh đênh giữa sóng gió biển khơi, mọi người được đứng trên mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc, được chạm tay vào cột mốc chủ quyền trên các đảo, ai nấy vô cùng xúc động. Giờ đây, màu xanh của rau quả, của các loại cây đã tràn ngập quần đảo; đã nghe tiếng trẻ ê a đọc bài, tiếng chuông chùa ngân nga, hoà trong sóng biển rì rầm, triền miên… Trước cảnh sắc này, bà Thu Hà phát biểu với những người thương yêu ở huyện đảo:

  • Chúng tôi đến đây không chỉ thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân mà còn học được tinh thần đoàn kết, kỷ luật, ý chí kiên cường, vượt qua mọi khó khăn, thử thách của quân dân trên đảo trong cuộc sống, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Mọi người trong đoàn ra với Trường Sa, không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình cảm, tấm lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh hướng về biển, đảo quê hương. Trong thời gian qua và hiện nay, địa phương đã quyên góp, giúp đỡ quân dân Trường Sa hơn 22 tỷ đồng. Xúc động trước việc làm thiết thực, đầy ý nghĩa này, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh đã có thơ:

… Sóng và gió cùng anh

Đã nguyện thành làm một

Nên sức mạnh Việt Nam

Như chuyện tình huyền thoại

Biển ôm đảo vỗ về

Cất giùm anh nỗi nhớ

Thương lắm, ơi Trường Sa!...

Hội liên hiệp Thanh niên TP Hồ Chí Minh cho biết, tính đến nay, các cấp bộ Đoàn và đoàn viên cũng đã vận động, đóng góp 21 tỷ đồng để mua trang thiết bị cần thiết phục vụ đời sống vật chất và tinh thần cho quân dân huyện đảo Trường Sa: Xuồng CQ công suất lớn, máy tập đa năng, dụng cụ thể thao, dàn máy ka-ra-ô-kê, xây bệ cầu xuồng, sửa chữa, tôn tạo Nhà truyền thống Trường Sa… Thành đoàn thanh niên TP Hồ Chí Minh phát động chương trình “Cánh thư hải đảo”; trong thời gian qua có hơn 31 nghìn cánh thư của thanh, thiếu niên, thăm hỏi, động viên bộ đội Trường Sa. Đây là nguồn cổ vũ từ hậu phương, giúp cán bộ, chiến sĩ chắc tay súng, bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Tháng 5-2008, dự án “Ứng dụng năng lượng gió và mặt trời, cung cấp điện cho đảo Trường Sa lớn, có tổng công suất 21KW, trị giá 7 tỷ đồng của lãnh đạo TP Hồ Chí Minh được thực hiện. Trên cơ sở thành công này, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã hỗ trợ 400 tỷ đồng để thực hiện Dự án cung cấp điện gió và mặt trời cho toàn bộ các đảo trên quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1; góp phần thay đổi chất lượng cuộc sống của quân và dân nơi đây.

Cuối tháng 3-2012, lần đầu tiên, một đoàn công tác của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đại diện cho giai cấp công nhân Việt Nam, đến với cán bộ, chiến sĩ, nhân dân quần đảo Trường Sa. Đây là đoàn công tác đặc biệt, bởi lẽ, với Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, đưa đoàn công tác dân sự ra thăm Trường Sa, gặp phải bão tố ngay từ đầu năm. Thế nhưng, trước ý chí quyết tâm của đoàn công tác, tàu HQ. 996 vẫn rẽ sóng ra khơi; vừa đi vừa ngóng trông thời tiết. Song áp thấp ở phía nam biển Đông ngày càng mạnh lên, trở thành cơn bão số 1, với sức gió cấp 9, cấp 10; vùng gần tâm bão đi qua giật cấp 11, cấp 12, biển động rất mạnh. Đây là cơn bão trái quy luật, 40 năm mới xuất hiện trở lại. Trước hiện trạng này, tàu đành phải neo đậu tránh bão. Những đợt sóng lừng sau bão, thúc vào hai mạn tàu, khiến quá nửa thành viên say sóng, mệt lử, không ăn nổi bát cơm, lưng cháo.

Thế nhưng, trong thời điểm khó khăn, đoàn vẫn giữ được tính tổ chức, kỷ luật; đoàn kết, tương trợ lẫn nhau; thể hiện tinh thần lạc quan tin tưởng của giai cấp công nhân. Đặt chân lên đảo, ai nấy đều hết mệt nhọc; để tình cảm yêu thương, trìu mến, trân trọng từ đất liền, từ giai cấp công nhân đến với bộ đội và nhân dân huyện đảo Trường Sa. Những chương trình văn nghệ đậm chất công đoàn, nhanh chóng giao lưu, kết thân với mọi người.

Những năm gần đây, Tổng LĐLĐVN đã phát động chương trình “Tấm lưới nghĩa tình” và xây dựng, phát triển các nghiệp đoàn nghề cá, hỗ trợ ngư dân bám biển, khẳng định chủ quyền biển, đảo. Từ thực tế bổ ích qua chuyến đi này sẽ giúp công đoàn các cấp có những việc làm thiết thực, cụ thể, hướng tới biển, đảo Tổ quốc. Một minh chứng, đồng chí Nguyễn Xuân Thái, Phó chủ tịch Công đoàn ngành công thương, khi thăm các đảo chìm, dành thời gian chú ý tới bếp núc của các chiến sĩ, thấy những nồi cơm điện ở đây là do đảo tự trang bị. Vì vậy, đồng chí Thái đã lên kế hoạch, sẽ gửi tặng các đảo chìm những chiếc nồi cơm điện mới để thuận tiện hơn trong việc nấu nướng.

Xoay quanh chủ đề “Cả nước vì Trường Sa” còn có nhiều việc làm thật cảm động. Ở thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng có HTX đan len Hữu Hòa, do chị Vũ Thị Kim Hòa, bị bại liệt đôi chân từ nhỏ, làm chủ nhiệm. HTX có hơn 30 xã viên, hầu hết là phụ nữ bị khuyết tật. Qua báo, đài, chị em biết tỉnh Lâm Đồng đang phát động phong trào “Đà Lạt - Lâm Đồng hướng về biển đảo Trường Sa”. Chị Kim Hòa bàn với ban chủ nhiệm HTX và lấy ý kiến của các xã viên, tranh thủ giờ nghỉ, ngày nghỉ, đan 400 chiếc áo len, mũ len tặng bộ đội Trường Sa. Chủ trương này được mọi người vui vẻ, đồng ý bắt tay vào thực hiện. Theo chị Kim Hòa, sản phẩm áo len, mũ len phải đủ cả 4 loại, hợp với bốn mùa xuân – hạ - thu – đông. Nghĩa là, mỗi mùa mặc một loại áo, đội một loại mũ, có độ dầy, mỏng, kiểu dáng khác nhau. Bốn trăm chiếc áo len, mũ len đầu tiên từ những bàn tay của chị em phụ nữ khuyết tật HTX Hữu Hòa đã đóng gói gửi đoàn công tác tỉnh Lâm Đồng ra thăm quần đảo Trường Sa. Đợt phát động thứ hai, áo len, mũ len, cho bộ đội biển đảo được chị em tiếp tục hưởng ứng… Chị Kim Hòa, người phụ nữ khuyết tật nhưng đầy nghị lực và có tấm lòng nhân ái cao cả, sâu sắc, tâm sự: “Trong đợt vận động lần thứ hai, bốn đến năm trăm áo len, mũ len là con số chắc chắn mà chị em trong HTX sẽ đạt được. Có điều, áo, mũ theo kiểu: xuân – hạ - thu – đông, có phù hợp với bộ đội Trường Sa hay không? Cũng vì lẽ đó mà tôi thực sự ước muốn được một lần ra Trường Sa. Nhưng… chắc là khó lắm…”.

Gương mặt phúc hậu của chị thoáng buồn. Song để tự an ủi mình, chị cho biết: Thỉnh thoảng, mấy anh cán bộ, chiến sĩ ở quần đảo Trường Sa vẫn gọi điện thoại về cảm ơn và thăm hỏi hoàn cảnh của những chị em bị khuyết tật. Các anh ấy động viên và hứa luôn luôn hướng về đất liền, vì đất liền có những người thân yêu, những người đáng kính trọng như các chị, mà vững vàng nơi đầu sóng, nắm chắc tay súng, bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

Chi Phan