Thương hiệu Việt chết đuối trong “ao làng”
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ-Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên, từng phát biểu rằng: "Nhượng quyền phải mang tính mở, nhất là đối với các thị trường mới như Việt Nam". Về lý thuyêt, xét ở một khía cạnh thì “tính chất mở” của nhượng quyền thương hiệu như ông nói là đúng. Nhưng nếu chỉ một mình nhà đầu tư thì “càng mở” càng khó “cầm cương”. Điển hình là vừa qua Thương hiệu cà phê Trung Nguyên được treo khắp nơi, từ quán cóc vỉa hè đến những cửa hàng cà phê máy lạnh sang trọng… Những quán này có bán “cà phê Trung Nguyên” hay không thì ông Vũ cũng không thể kiểm soát được.
Tương tự, Thương hiệu “Phở 24” vừa tung ra thị trường cũng “chết ngay lập tức”. Họ đã phát triển quá nhanh, quá nóng nên không quản lý được chất lượng nhượng quyền, gây ra những vụ việc đáng tiếc liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm.
Có ba lý do chính khiến thị trường nhượng quyền thương hiệu ở nước ta chưa vượt qua được “ao làng” mà vẫn “chết đuối”, là do hiểu biết của nhà đầu tư về trách nhiệm của đối tác nhận quyền còn hạn chế; nguồn vốn và hỗ trợ tài chính khi mua nhượng quyền còn rất hạn hẹp và cuối cùng là sự hạn chế của mô hình nhượng quyền, hiện đang triển khai theo quy mô thứ cấp (bên nhận quyền được trao quyền thực hiện quyền hạn của bên nhượng quyền trong một khu vực cụ thể).
Chính do chỉ được trao quyền hạn trong một khu vực cụ thể, nên bên nhượng quyền khó đòi hỏi người đầu tư phải tuân thủ theo quy định, quy trình và cả hệ thống của doanh nghiệp nhượng quyền. Do đó, nếu không có ngân hàng và các tổ chức tài chính cầm trịch (trọng tài) thì đương nhiên bên được trao quyền không bao giờ tự giác hoạt động toàn bộ trong khuôn khổ kỷ luật của bên nhượng quyền.
Tóm lại, nguyên nhân là do lỗi quản trị hệ thống của các thương hiệu Việt, khiến cho việc phát triển thương hiệu mất dần kiểm soát hệ thống nhượng quyền của mình.
Tại những quốc gia phát triển, nhượng quyền là một trong những ngành được các ngân hàng và tổ chức tài chính tích cực tham gia cho vay tín chấp; từ cho vay tổng đầu tư dự án (lên đến 70% tổng chi phí đầu tư) đến cho vay mua trang thiết bị, máy móc, hay vay vốn lưu động để phát triển kinh doanh nên rất thuận lợi cho việc bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển hệ thống nhượng quyền.
Chính doanh nghiệp nhượng quyền trong nhiều trường hợp cũng triển khai cho đối tác nhận quyền vay vốn khi cần thúc đẩy sự phát triển của hệ thống nhượng quyền. Để làm được việc đó lẽ đương nhiên phải chuyển động trong quy định của pháp luật.
Ở Việt Nam, hiện chưa có một tổ chức hay ngân hàng nào chính thức công bố việc cho vay tín chấp cho đối tác nhận quyền.
Khi nền kinh tế dịch vụ đang dần thay thế nền kinh tế sản xuất, hầu hết chính phủ các nước trên toàn cầu, cũng như trong khu vực đã có các chính sách để hỗ trợ kinh tế tư nhân. Nhượng quyền thương hiệu cũng là một trong những ngành dịch vụ được họ khuyến khích phát triển với mục tiêu xuất khẩu thương hiệu nội địa nhanh và bền vững ra thị trường quốc tế.
Đặc biệt, là khả năng phát triển trên tất cả các loại hình dịch vụ chứ không bị đóng khung trong bất kỳ ngành nào. Nên nhượng quyền thương hiệu đang tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp từ ẩm thực, giáo dục, đến bán lẻ, công nghệ…
Do Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có một chương trình nào hỗ trợ doanh nghiệp dài hạn và có hệ thống được thực hiện, nên doanh nghiệp muốn tham gia nhượng quyền thương hiệu đều phải tự chủ động tìm hiểu thông tin và tự chuẩn bị nguồn lực cho mình. Và đương nhiên rủi ro là điều không tránh khỏi.
Để doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững mô hình nhượng quyền thương hiệu, bên cạnh việc xây dựng nền tảng nội tại, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ đồng bộ và xuyên suốt của Chính phủ để có thể tiếp cận dễ dàng nhất, học hỏi nhanh nhất và phát triển hiệu quả nhất trong thời gian chuyển đổi và hội nhập.
Đi sau trong khu vực về chính sách nhượng quyền thương hiệu chưa hẳn là bất lợi, nếu chúng ta tận dụng được những kinh nghiệm của các nước đi trước để xây dựng một chiến lược bài bản cho mình.
Phạm Thanh Phong