Thuốc của đồng bào

I
Giữa năm 1968, gặp khó khăn về tiếp tế hậu cần, Đại đội 2 phải “ăn chia” dè sẻn. Một già làng đến, dẫn bộ đội vào rừng đào củ cải thiện. Trong vùng đơn vị đóng quân, có một thứ củ mà bà con dân tộc thiểu số thường đào để ăn chống đói. Bà con đem về, thái nhỏ, ngâm dưới nước suối một tuần, sau đó vớt lên nấu ăn.
“Ta thử ăn ngay xem có được không?” Tiểu đội trưởng Lương và hai chiến sĩ bàn nhau, rồi đem củ về giã bột, nấu ăn thử. Ăn xong, cả ba người ngủ li bì suốt buổi; một chiến sĩ khi đang giã bột đã ngủ gà ngủ gật. Thì ra, thứ củ rừng này có tác dụng gây ngủ.
Ít lâu sau, Viện quân y mặt trận khai thác và chế biến thành viên an thần, cho hay rằng loại củ này có tên khoa học là Buman. Buman vừa chống đói, vừa có tác dụng an thần.
II
Rừng Tây Nguyên càng vào sâu, càng có nhiều cây thuốc quý: Lân-tơ-uynh là một loại cây leo mọc khắp nơi. Đồng bào dân tộc thiểu số thường lấy cây này băm nhỏ, sắc thành thuốc để rửa và đắp lên các vết thương. Anh chị em ngành dược ở chiến trường Tây Nguyên hỏi kinh nghiệm của các già làng, cử người vào rừng chặt cây Lântơuynh về chế thành cao, dùng điều trị các vết thương bị nhiễm trùng.
Cây này trở thành một thứ thuốc kháng sinh thảo mộc diệt vi khuẩn có giá trị, góp phần điều trị vết thương cho bộ đội trong chiến đấu rất hiệu quả.
Thu Hằng