Thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP: Những tín hiệu tích cực từ cuộc sống (16/03/2011)
Sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương
Thường trực Chính phủ và các thành viên dự họp có chung nhận định, quán triệt Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/2/2011, các Bộ, cơ quan và địa phương đã tập trung chỉ đạo, tích cực xây dựng chương trình hành động và triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ và đạt được những kết quả tích cực.
Lãi suất huy động ít biến động so với cuối tháng 1/2011, lãi suất huy động VNĐ bình quân ở mức 13,04%/năm. Lãi suất cho vay tăng khoảng 0,5-1% so với cuối tháng 1/2011, lãi suất cho vay VNĐ bình quân ở mức 16,23%/năm. Lãi suất huy động bằng USD tương đối ổn định so với tháng 1/2011, hiện lãi suất huy động USD bình quân là 4,2%/năm, lãi suất cho vay USD bình quân là 6,37%/năm.
Đối với xuất, nhập khẩu, ước quý I/2011, tổng kim ngạch xuất đạt 18,8 tỷ USD, tăng khoảng 29,7% so với cùng kỳ năm 2010, gấp 3 lần chỉ tiêu kế hoạch đã được Quốc hội thông qua. Tổng kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 21,8 tỷ USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm 2010.
Trong quý I/2011, kinh tế của đất nước tiếp tục tăng trưởng nhưng tốc độ giảm so với cùng kỳ và quý IV/2010. Tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2011 ước đạt 5,4-5,6%.
Các hoạt động dịch vụ tiếp tục phát triển mạnh; đời sống nhân dân, đặc biệt là những người nghèo, người già neo đơn, người tàn tật, gia đình người có công được quan tâm… an sinh xã hội tiếp tục được đảm bảo, an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại những khó khăn trong quý I/2011 như tình hình kinh tế vĩ mô chưa ổn định, mặt bằng lãi suất tín dụng ở mức cao, giá cả tiếp tục biến động… làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân.
*Tỷ giá và giá vàng dần ổn định *
Theo ý kiến của nhiều thành viên Chính phủ, sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố những biện pháp về lãi suất, tỷ giá, kinh doanh vàng; trên thị trường, tỷ giá và giá vàng đã có xu hướng ổn định hơn, có thời điểm giảm so với trước.
Nhận định, NQ11 đã có hiệu ứng tích cực đối với nền kinh tế, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng cho rằng công tác truyên truyền về Nghị quyết phải được thực hiện sâu rộng hơn nữa nhằm tạo sự đồng thuận xã hội.
“Việc tuyên truyền về chính sách tỷ giá, về thị trường vàng không chỉ tạo sự bình ổn trên thị trường mà phải tạo được sự bình ổn trong lòng người”, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nói.
Các thành viên Chính phủ cũng cho rằng, các Bộ, ngành, địa phương cần nhanh chóng ban hành và triển khai có hiệu quả chương trình hành động cụ thể thực hiện NQ11; chủ động xử lý theo thẩm quyền những vấn đề phát sinh, hoặc kịp thời báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và cấp trên xem xét, xử lý, giải quyết…
Triển khai NQ 11 bằng những kế hoạch cụ thể
Kết luận tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao tinh thần tích cực, khẩn trương, nghiêm túc của các Bộ, ngành, địa phương khi triển khai NQ 11; hoan nghênh các cơ quan báo chí, truyền thông đã chủ động vào cuộc, tuyên truyền, phân tích, phổ biến sâu rộng, qua đó tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội.
“Sự đồng thuận là thành công bước đầu của NQ 11, vấn đề đặt ra là tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết này”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, NQ 11 được dư luận xã hội đánh giá ban hành kịp thời, đúng, trúng và hết sức cần thiết. Sau một thời gian ngắn triển khai NQ, vấn đề về tỷ giá, giá vàng, thị trường vàng dần đi vào ổn định, đây là một tín hiệu rất tích cực.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện NQ11, vấn đề nổi lên là việc quản lý ngoại tệ, vàng cần phải đáp ứng kịp thời nhu cầu cần thiết của nhân dân, doanh nghiệp.
Nhấn mạnh trong quý I/2011 và thời gian tới tình hình thế giới vẫn sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý, các Bộ, ngành, địa phương phải hết sức cố gắng khắc phục những khó khăn, thách thức, phát huy những lợi thế để tiếp tục đưa đất nước tiến lên.
Với tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục làm tốt công tác quán triệt, triển khai NQ 11 của Chính phủ bằng những kế hoạch hành động cụ thể.
Quyết liệt thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng; chống hiện tượng đô la hóa, vàng hóa trong nền kinh tế. Quản lý chặt chẽ thị trường vàng, ngoại hối. Kiểm soát, xử lý nghiêm tình trạng kinh doanh USD trái pháp luật.
Đi liền với đó là đảm bảo đủ nguồn ngoại tệ để bán cho người dân, doanh nghiệp khi có nhu cầu hợp lý; đảm bảo đủ nguồn cung ngoại tệ đối với việc nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu. Dứt khoát thực hiện lộ trình xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do.
Về đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập siêu, Bộ Công Thương cần phối hợp với các Bộ, ngành địa phương quyết liệt thực hiện nhiệm vụ này, đặc biệt trong lúc giá lương thực, thực phẩm tăng cao, cần phải tận dụng triệt để lợi thế này để phát triển nông nghiệp và đem lại hiệu quả thiết thực cho người nông dân.
Cương quyết chỉ đạo cắt giảm đầu tư công, những khoản chi chưa cần thiết phải dừng lại; cương quyết chỉ đạo tiết kiệm điện, như điện quảng cáo…
Chỉ đạo thực hiện tốt kiểm soát giá cả, cần thiết lập tổ kiểm tra liên ngành để kiểm soát giá cả, kiểm soát việc mua bán ngoại tệ, thị trường vàng, không để đầu cơ tăng giá, không để thiếu hàng nhất là những hàng hóa thiết yếu.
Cố gắng đảm bảo an sinh xã hội, trong điều kiện khó khăn vẫn phải bảo đảm được an sinh xã hội, yêu cầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội làm tốt chỉ đạo này.
Một chỉ đạo nữa được người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh là các Bộ, ngành, địa phương hết sức quan tâm tới công tác thông tin, tuyên truyền, trong đó tập trung mạnh vào tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông về chính sách tài chính, tiền tệ, tỷ giá, thị trường vàng… để người dân hiểu rõ, hiểu đúng, tránh sự phân tâm và suy diễn…
Theo VGPnews
Dương Sơn