Thực hiện Kế hoạch Z
Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, Lào, Campuchia được ký kết ngày 21-7-1954. Thực hiện chủ trương chuẩn bị cơ sở vật chất cho xây dựng Quân đội trước mắt và lâu dài; tranh thủ thời gian Hiệp định Giơnevơ chưa có hiệu lực, Tổng Quân ủy chỉ đạo Tổng cục Cung cấp (nay là Tổng cục Hậu cần Quân đội) tổ chức tiếp nhận khẩn cấp hàng quân sự của Trung Quốc, Liên Xô viện trợ. Kế hoạch tiếp nhận hàng khẩn cấp có mật danh là “Kế hoạch Z”.
Nội dung cơ bản của “Kế hoạch Z” là trong tháng 6 và tháng 7-1954, Tổng cục Cung cấp nhanh chóng tổ chức tiếp nhận số hàng viện trợ quân sự năm 1954 còn lại của kế hoạch và hàng viện trợ khẩn cấp qua các cửa khẩu biên giới Việt - Trung; tổ chức cấp phát nhằm tăng cường vũ khí, trang bị kỹ thuật cho Quân đội trong tình hình mới.
Ngày 10-6-1954, Tổng Quân ủy quyết định thành lập Ban Cán sự chỉ đạo thực hiện Kế hoạch Z trực thuộc Đảng ủy Tổng cục Cung cấp. Nhiều cán bộ cung cấp có kinh nghiệm được điều động tham gia: Cục trưởng Cục Quân nhu - Nguyễn Thanh Bình, Cục trưởng Cục Vận tải - Đinh Đức Thiện, Cục trưởng Cục Quân khí - Nguyễn Văn Nam… Ban Cán sự còn có đại diện Bộ Giao thông Công chính, Liên khu ủy Việt Bắc… Nhiều đơn vị bộ binh, công binh, dân công các địa phương được huy động xây dựng, củng cố hệ thống kho tàng trên các hướng tiếp nhận, dọc theo đường số 1 Bắc và đường số 3…
Đến giữa tháng 6, các trạm Biên Giới, Tuyên Quang - Phú Thọ, Bắc Giang - Thái Nguyên và dân công các địa phương đã xây dựng, gia cố được hệ thống kho lán với sức chứa gần 5.000 tấn và hệ thống kho bãi kín đáo để giấu xe, hàng.
Trong điều kiện phương tiện vận chuyển ít và phân tán, Tổng cục Cung cấp đã huy động tối đa số xe có thể huy động của các binh trạm: Biên Giới, Tuyên - Phú, Bắc - Thái. Đồng thời, các đơn vị ô tô đang trên đường từ mặt trận Điện Biên Phủ trở về hậu phương cũng được điều động lên biên giới thuộc 2 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn để vận chuyển hàng. Trong số hàng viện trợ của bạn có mộ số xe vận tải, Ban Tiếp nhận đã chủ động nhận trước số xe này và điều gấp cán bộ, lái xe để thành lập thêm 5 đại đội xe mới và đưa lực lượng vận tải này vào thực hiện Kế hoạch Z. Bộ Tổng tư lệnh còn quyết định sử dụng hơn 100 chiếc xe kéo pháo sang làm nhiệm vụ vận chuyển hàng; nâng số xe vận tải tham gia Kế hoạch Z lên đến gần 500 chiếc.
Căn cứ vào tình hình kho tàng, đường sá, lực lượng tiếp nhận, Ban Cán sự chủ trương tranh thủ tiếp nhận hàng ở khu vực biên giới và bố trí lực lượng để chuyển nhanh hàng về tuyến sau.
Trung tuần tháng 6-1954, hàng viện trợ của các nước tập trung tại Nam Ninh, Bằng Tường (Trung Quốc) nhanh chóng và bí mật được chuyển qua biên giới. Hướng Cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), hàng được tập kết vào các kho Tam Thanh, Nhị Thanh,… Hướng Thủy Khẩu (Cao Bằng), hàng được tập kết vào các kho Đông Khê, Tà Lùng, Phục Hòa… Tiếp đó, hàng được phân loại để bảo quản lâu dài hoặc cấp phát ngay cho các đơn vị. Suốt 3 tháng trời, khu vực biên giới phía Bắc diễn ra một chiến dịch hết sức khẩn trương, lặng lẽ mà quyết liệt.
Đúng vào Kỷ niệm 9 năm Ngày Quốc khánh (ngày 2-9-1954) Kế hoạch Z cơ bản hoàn thành, bảo đảm bí mật, an toàn. Hoàn thành thắng lợi Kế hoạch Z, ta đã tiếp nhận 11.546 tấn hàng - chủ yếu là vũ khí trang bị, thuốc chiến thương và 1.116 xe ô tô các loại. Với khối lượng hàng tiếp nhận được của Kế hoạch Z, Ngành Hậu cần Quân đội đã có được khối lượng vũ khí, trang bị dự trữ quan trọng để bảo đảm yêu cầu xây dựng Quân đội ngay sau khi kết thúc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Việt Hưng