Thực hiện Hiệp định Giơnevơ: Trao trả tù hàng binh chiến tranh
Kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, ngày 21-7-1954, Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, Lào, Campuchia được ký kết. Thực hiện Hiệp định đình chiến và thỏa thuận giữa đại diện Bộ Quốc phòng Việt Nam và Pháp tại Hội nghị quân sự Trung Giã (Thái Nguyên), việc trao trả tù, hàng binh được thực hiện ở Việt Trì (Phú Thọ) và Sầm Sơn (Thanh Hóa).
Hoàn thành công tác cán bộ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, trên cương vị Cục phó Cục Tổ chức - Cán bộ, đồng chí Đồng Sĩ Nguyên được giao nhiệm vụ Trưởng ban Trao trả tù - hàng binh (sau đây gọi tắt là Ban Trao trả) và đón tiếp đồng bào, chiến sĩ miền Nam ra Bắc tập kết.
Xác định bảo đảm quân nhu và quân y là hai vấn đề khó khăn, phức tạp trong quá trình trao trả tù - hàng binh, nên đồng chí Đồng Sĩ Nguyên đã kiến nghị Bộ Tổng tư lệnh chỉ đạo các cơ quan Quân lực, Quân nhu, Quân y phối hợp chặt chẽ; tập trung mọi khả năng, lực lượng để giải quyết. Bởi theo ông, việc trao trả được tiến hành dưới sự giám sát của Ủy ban Giám sát quốc tế, nếu mình sơ suất cho dù rất nhỏ, đối phương sẽ tố là “vi phạm hiệp định…”.
Tại khu vực Việt Trì, Ban Trao trả thành lập 3 trạm: Thị xã Tuyên Quang, Việt Trì, Từ Đà (Phú Thọ). Việc trao trả tiến hành ở đây từ ngày 18-8 đến 17-9-1954.
Từ trung tuần tháng 8-1954, việc trao trả tù - hàng binh được tiến hành tại Sầm Sơn. Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên kể lại: “Ở đây, bộ phận phụ trách trao trả của chúng tôi được bà con giáo dân ở Hải Thôn cho mượn mấy gian nhà trường dòng để ở và làm việc. Tù binh Pháp từ các trại của Liên khu 3, Liên khu 4 tập trung về trại Trường Dòng (thị xã Thanh Hóa) rồi được chuyển xuống Sầm Sơn. Các cuộc trao đổi giữa đại diện của ta và của Pháp đều điễn ra trong chiếc lều bạt dã chiến tại cửa biển Hải Thôn…
Hằng ngày, chúng tôi đón các đoàn tù binh Pháp từ trạm Nhà Dòng xuống để chuyển giao cho phía Pháp và đón nhận các đoàn tàu chở “chính trị phạm” từ “địa ngục trần gian” Côn Đảo trở về. Những năm tháng tù đày, bị ngược đãi, đòn roi của kẻ thù đã gần như vắt kiệt sức lực của cán bộ, đồng bào ta; chưa kể bệnh tật… Vì vậy, chúng tôi chỉ đạo bộ phận Quân y, Quân nhu làm tốt công tác vệ sinh phòng bệnh lây lan, nuôi dưỡng và phục hồi sức khỏe kịp thời cho những trường hợp nguy kịch. Sau vài ngày nghỉ ngơi, dưỡng sức tại Sầm Sơn (gửi trong nhà dân), số cán bộ, người dân của ta được địch trao trả thuộc tỉnh - thành nào được bố trí xe đưa về địa phương đó. Riêng số cán bộ, bà con người miền Nam được tập trung lại một địa điểm, chờ đồng bào và chiến sĩ miền Nam tập kết ra, sẽ sắp xếp cho phù hợp”.
Công tác trao trả tù - hàng binh thực sự là một cuộc đấu tranh với đối phương. Ngành Quân y thể hiện vai tò đấu tranh trực diện. Đối với tù - hành binh địch ốm đau, Quân y của ta tìm ra nguyên nhân chính là sinh hoạt thiếu thốn, nghiệt ngã trong hầm hào Điện Biên Phủ và ở các mặt trận khác, để đề xuất biện pháp khắc phục. Mặt khác, ta kịp thời phát hiện những chiến sĩ, đồng bào ta lâm bệnh do sự ngược đãi, tra tấn của địch, buộc địch phải chấp nhận, bồi thường. Bác sĩ Võ Cương - Đội phó Đội điều trị 2 ở Sầm Sơn đã chỉ ra nhưng thương tổn trên thân thể của nữ tù binh do bị địch tra tấn, hãm hiếp…, buộc các bác sĩ quân đội Pháp phải thừa nhận, ký vào biên bản giao nhận. Không chỉ thương - bệnh binh của ta mà thương - bệnh binh của địch do ta trao trả cũng được phục vụ tận tình, chu đáo
Với tù - hàng binh địch, trước sự đối xử rất nhân đạo, chu đáo của ta, trong quá trình trao trả đã có những cảnh diễn ra hết sức xúc động. Tù - hàng binh Âu -Phi xin ảnh Bác Hồ, xin chữ ký của cán bộ ta làm kỷ niệm; trước khi xuống tàu biển, họ đứng thành hàng, hô vang: Hồ Chí Minh muôn năm!”, “Việt Nam muôn năm!”.
Đến ngày 19-11-1954, ta đã hoàn thành việc trao trả tù - hàng binh cho Pháp, sớm hơn thời gian quy định. Số tù binh ta trao trả cho phía Pháp hơn 13.700; trong đó có 9.247 tù binh Âu - Phi. Đồng thời, ta đón nhận hơn 6.000 quân nhân và đồng bào ta được đối phương trao trả. Tuy nhiên, qua theo dõi, tìm hiểu, phát hiện địch còn giam giữ một số lượng khá lớn tù chính trị của ta tại Côn Đảo, ta đã đưa vấn đề này ra Ủy ban Giám sát Quốc tế và yêu cầu phía Pháp phải trả hết số tù chính trị mà chúng còn giam giữ.
Việc trao trả tù binh và thường dân bị bắt trong chiến tranh mặc dù chưa được như mong muốn, nhưng đã đạt kết quả tốt. Thắng lợi này đã làm thất bại âm mưu trì hoãn, kéo dài việc trao trả của phía Pháp, buộc đối phương phải chấp hành nghiêm các điều khoản quy định của Hiệp định Giơnevơ.
Việt Hưng