Thực hiện chính sách giảm nghèo “đa chiều”
Thực hiện chính sách giảm nghèo đa chiều sẽ giúp những thiếu hụt cơ bản của người dân được nhìn nhận. Người dân có cơ hội đảm bảo được các nhu cầu cơ bản của họ hơn. Bên cạnh đó, về chính sách sẽ giúp việc ngân sách phân bổ hợp lý hơn, hạn chế được sự chồng chéo, trong khi không làm tăng ngân sách cho giảm nghèo. Quan trọng nhất là sẽ giúp đạt được giảm nghèo bền vững.
Tỷ lệ nghèo về thu nhập tại Việt Nam trong những năm qua giảm mạnh, đa số người dân đã qua thời kỳ “cơm không đủ ăn, áo chẳng đủ mặc”. Nhưng, một thực tế được các nhà nghiên cứu chỉ ra, nhận được đồng thuận cao và thấu hiểu của các nhà hoạch định chính sách, đó là “sự nghèo đói có tính đa chiều, đa diện” vẫn tồn tại. Theo nghĩa đó, không chỉ những đối tượng thiếu ăn mà cả những nhóm người không có điều kiện tiếp cận với giáo dục, y tế, không được tham gia các hoạt động xã hội, phải sống trong môi trường không được bảo vệ hay không có được một công ăn việc làm “tử tế”… cũng bị coi là nghèo.
Theo Chương trình phát triển LHQ (UNDP), thay vì làm giảm nghèo theo kiểu chương trình mục tiêu như hiện nay, sẽ hiệu quả hơn nếu các chính sách giảm nghèo thay đổi theo kiểu hỗ trợ phổ quát và được lồng ghép vào trong các chương trình, chính sách phát triển chung. Xu hướng đo lường nghèo đa chiều đã được nhiều quốc gia trên thế giới từng bước áp dụng (khoảng 20 nước) và được UNDP, Ngân hàng thế giới khuyến cáo các quốc gia nên sử dụng thay vì đo lường nghèo đơn chiều.
Tuy chưa thành chính sách cụ thể nhưng Việt Nam đã thực hiện các chính sách giảm nghèo theo hướng đa chiều từ nhiều năm nay, các chính sách giảm nghèo cơ bản đã bao phủ được mọi mặt đời sống của người nghèo, được thể hiện qua các nhóm chính sách hỗ trợ sinh kế, hỗ trợ tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo, điều kiện và môi trường sống, trợ giúp thông tin...; công việc sắp tới cần tiến hành là nghiên cứu, xây dựng phương pháp đo lường nghèo đa chiều ở Việt Nam sau năm 2015, làm cơ sở giám sát nghèo đói, xác định đối tượng, hoạch định chính sách giảm nghèo và giám sát đánh giá.
Chính phủ đã giao cho Bộ LĐTBXH xây dựng đề án “Chuyển đổi từ nghèo đơn chiều sang đa chiều”, hoàn thành cuối năm nay, trình Chính phủ phê duyệt. Theo các văn bản pháp quy của Việt Nam hiện nay, có 6 chiều cơ bản trong “nghèo đa chiều” đang được bàn thảo gồm: y tế; giáo dục; điều kiện sống; nhà ở; tiếp cận thông tin; bảo hiểm và trợ giúp xã hội. Hơn nữa, cách tiếp cận này còn giúp phân bổ ngân sách hợp lý và chủ động hơn. Bởi chiểu theo 6 tiêu chí của “nghèo đa chiều”, có thể chỉ những hộ đói nghèo nhất, cùng cực nhất thì mới cần được có những hỗ trợ mang tính chất mục tiêu, các nhóm khác chỉ cần hỗ trợ thông qua các chính sách phổ quát, phát triển chung. Việc xác định nhóm nghèo nhất này dựa trên tiêu chí “chính sách”, tức là phụ thuộc nhiều vào ngân sách có thể cân đối được ở mức nào. Đồng thời, việc hỗ trợ cũng theo hướng dựa trên nhu cầu, không cào bằng.
Dương Sơn