Thúc đẩy toàn diện, làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác chiến lược Việt-Nhật
Tại cuộc hội đàm ngày 15-9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Shinzo Abe đã trao đổi và nhất trí về các phương hướng, biện pháp nhằm thúc đẩy toàn diện và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản trong thời gian tới với các trọng tâm là tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy kết nối và hợp tác kinh tế, đẩy mạnh hợp tác trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục duy trì thường xuyên các chuyến thăm, tăng cường tiếp xúc giữa Lãnh đạo cấp cao, giao lưu và hợp tác giữa Quốc hội và các chính đảng hai nước; thúc đẩy kết nối hai nền kinh tế theo hướng lâu dài, bền vững trên một số lĩnh vực mà hai bên có lợi thế so sánh, tiềm năng và nguồn lực; phối hợp triển khai có hiệu quả “Tầm nhìn trung và dài hạn trong hợp tác nông nghiệp Việt Nam-Nhật Bản”; thúc đẩy các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho sự đi lại của công dân hai nước; đẩy mạnh giao lưu quốc phòng các cấp… Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Nhật Bản tiếp tục ưu tiên cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam, hỗ trợ cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam, tăng cường chuyển giao công nghệ tiên tiến, hỗ trợ Việt Nam nâng cao chuỗi giá trị nông sản - thực phẩm, tạo điều kiện cho hàng hóa nông, lâm, thủy sản Việt Nam tiếp cận thị trường Nhật Bản, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực..
Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác và hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế bền vững, bao gồm ưu tiên cung cấp ODA cho Việt Nam; bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng, phát triển các khu công nghiệp chuyên sâu; sẵn sàng tăng cường hợp tác với Việt Nam để nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam; sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ…
Hai nhà lãnh đạo chia sẻ quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây trên Biển Đông, nhất là việc Trung Quốc bồi đắp, tôn tạo các đảo, đá quy mô lớn; nhấn mạnh tầm quan trọng và sự cần thiết phải nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của LHQ về Luật Biển 1982 cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm tiến tới thiết lập Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Kết thúc hội đàm, hai bên đã ra Tuyên bố về Tầm nhìn chung quan hệ Việt Nam-Nhật Bản.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Shinzo Abe đã chứng kiến lễ ký kết, trao đổi 6 văn bản hợp tác giữa hai bên: Tầm nhìn trung và dài hạn trong hợp tác nông nghiệp Việt Nam-Nhật Bản; Công hàm về việc Chính phủ Nhật Bản cung cấp khoản ODA vốn vay 28,612 tỷ yên cho Chính phủ Việt Nam để thực hiện dự án xây dựng Bệnh viện Chợ Rẫy và Công hàm trao đổi về việc Chính phủ Nhật Bản cung cấp viện trợ không hoàn lại Dự án trị giá 200 tỷ yên để đảm bảo an toàn hàng hải; Biên bản ghi nhớ giữa hai Bộ Quốc phòng về hợp tác trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình LHQ; Bản ghi nhớ giữa Cảnh sát biển Việt Nam và Lực lượng Cảnh sát bảo vệ bờ biển Nhật Bản về thiết lập quan hệ phối hợp nhằm phòng chống tội phạm xuyên quốc gia và phát triển hợp tác chung; Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam với Công ty Mitsubishi về phát triển nguồn nhân lực ngành máy công nghiệp chế tạo máy tại Việt Nam; Bản ghi nhớ về hợp tác chiến lược thu xếp tài chính cho hợp đồng thuê mua 3 máy bay Airbus.
Chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một trong những hoạt động đối ngoại quan trọng của Việt Nam trong năm 2015; nhằm chủ động triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa và đưa các mối quan hệ với các đối tác lớn đi vào chiều sâu. Chuyến thăm góp phần quan trọng thúc đẩy toàn diện và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á giữa Việt Nam và Nhật Bản.
PV