Thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (25/05/2010)
- *Dự thảo Luật mới đã được bổ sung, chỉnh sửa nhiều nội dung và được bố cục lại nhằm bảo đảm tính toàn diện, cụ thể, rõ ràng hơn đối với việc cung ứng năng lượng một cách bền vững cũng như việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các lĩnh vực kinh tế và đời sống. Ngoài việc dán nhãn năng lượng, có thể phát triển năng lượng gió, mặt trời, năng lượng tái tạo để tiết kiệm nguồn năng lượng quốc gia.
Về nguyên tắc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cần phải đảm bảo phù hợp, hài hòa với các yêu cầu về chiến lược, quy hoạch tổng thể, bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường; phải có sự phối hợp thường xuyên, thống nhất từ quản lý, khai thác tài nguyên năng lượng đến khâu sử dụng cuối cùng; phải coi đây là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, quyền và nghĩa vụ của mọi tổ chức, cá nhân trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Vì vậy, thực hiện như thế nào để luật thực thi có hiệu quả, ngăn chặn được sự lãng phí năng lượng là vấn đề được các đại biểu đặt biệt quan tâm.
*Trách nhiệm quyền và nghĩa vụ của mọi tổ chức, cá nhân *
Trước hết, đây là nhu cầu khách quan đảm bảo cho sự phát triển kinh tế-xã hội. Ngoài ra, về mặt dân số, với gần 86 triệu dân, hàng năm gia tăng thêm khoảng 1 triệu người, nhu cầu năng lượng cho mục đích dân dụng chiếm tỷ trọng lớn trong điều kiện của một nước có nền công nghiệp, dịch vụ chưa thực sự phát triển là điều dễ hiểu.
Mặt khác, sự lãng phí trong sử dụng năng lượng còn lớn. Phần lớn thiết bị công nghệ đang sử dụng trong mọi lĩnh vực ở nước ta có hiệu suất năng lượng thấp hơn nhiều so với thế giới; việc quản lý năng lượng chưa được chú ý đúng mức, sử dụng năng lượng theo các thói quen chưa hợp lý, tổn thất năng lượng còn lớn ở cả hai phía – cung và cầu. Cường độ năng lượng trong sản xuất công nghiệp ở nước ta còn cao
Chia sẻ với quan điểm này, đại biểu Đinh Xuân Thảo (đoàn Kiên Giang) cho rằng: Thực hiện dán nhãn năng lượng sẽ tạo ra sức ép thúc đẩy các nhà sản xuất luôn phấn đấu đưa ra thị trường các sản phẩm có hiệu suất cao; buộc các nhà buôn bán, nhập khẩu thiết bị phải chọn các sản phẩm đạt hoặc vượt tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng đã quy định và đảm bảo các thông số ghi trên nhãn, giúp người tiêu dùng chọn đúng các các sản phẩm tiết kiệm năng lượng hoặc sản phẩm có hiệu suất năng lượng mong muốn đang lưu thông trên thị trường. Với hàng triệu các sản phẩm sử dụng năng lượng có hiệu suất cao được dùng rộng rãi trong đời sống sẽ tổng hợp thành mức tiết kiệm lớn, đưa lại hiệu quả kinh tế cao cho toàn xã hội. Trong số các biện pháp thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, chương trình dán nhãn năng lượng được đánh giá là chương trình rất thành công, đưa lại hiệu quả kinh tế cao ở nhiều nước trên thế giới.
Đại biểu Nguyễn Lân Dũng (đoàn Đắk Lắk), Nguyễn Đình Xuân (đoàn Tây Ninh) cho rằng: Dầu khí là tài nguyên quý giá của quốc gia, nhưng tính đến tháng 9/2009, nước ta đã khai thác 300 triệu/4.300 triệu tấn thì khoảng 30 năm nữa, nguồn tài nguyên dầu khí sẽ cạn kiệt. Tài nguyên khoáng sản như than đá cũng trong tình trạng cạn kiệt. Dự kiến trong năm 2010, Việt Nam sẽ xuất khẩu 10 triệu tấn than và đến năm 2012, nước ta sẽ phải nhập 8 triệu tấn than. Vấn đề này đã minh chứng là chúng ta chưa biết sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên, năng lượng do tài nguyên thiên nhiên mang lại.
Đại biểu Nguyễn Lân Dũng và Nguyễn Đình Xuân đưa ra giải pháp có thể phát triển năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo để tiết kiệm nguồn năng lượng dầu khí và than đá. Đây cũng là biện pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường sống xung quanh.
*Thực hiện các chế tài thưởng phạt nghiêm minh *
Cần phải có chế tài về quản lý, sử dụng năng lượng tiết kiệm, Đại biểu Trần Thị Hoa Ry cho rằng, Bộ Công Thương cần có sự phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính lập kế hoạch và dự toán ngân sách để nâng cao năng lực kỹ thuật, cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hiện việc kiểm tra thử nghiệm hiệu suất năng lượng đối với các sản phẩm mục tiêu dán nhãn phù hợp với lộ trình; tập trung vào các thiết bị thử nghiệm hiệu suất động cơ, thiết bị điện- điện tử. Bên cạnh việc ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, thì việc công bố về hiệu suất năng lượng cho các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng là một nhiệm vụ quan trọng để khuyến khích các doanh nghiệp tự giác thực hiện việc dán nhãn năng lượng. Do đó, ngoài việc quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về thiết bị tiết kiệm năng lượng, trong dự thảo Luật cần có các quy định về việc khuyến khích dán nhãn năng lượng, công bố về hiệu suất năng lượng cho các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng. Việc làm này cũng khuyến khích các doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu và sử dụng năng lượng tiết kiệm.
Đại biểu Nguyễn Tấn Tuân (đoàn Khánh Hòa) đề cập, nếu không có chế tài và biện pháp nghiêm khắc đối với các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng năng lượng lãng phí thì năng lượng do tài nguyên thiên nhiên mang lại sẽ dần bị cạn kiệt và tổn thất về sử dụng năng lượng lãng phí, kém hiệu quả sẽ vô cùng lớn.
Đại biểu Nguyễn Đình Xuân (đoàn Tây Ninh) cho rằng: Để các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng năng lượng tiết kiệm, cần có chế tài thưởng, phạt công minh. Theo đó, Nhà nước cần khuyến khích phát triển các dịch vụ tư vấn; đầu tư hợp lý cho công tác tuyên truyền, giáo dục, hỗ trợ tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Trí Kiên