Thúc đẩy quyền của trẻ em gái để thay đổi và phát triển

Các em gái trình bày thông điệp về tảo hôn.
Tại diễn đàn, 100 trẻ em gái đại diện cho hàng triệu trẻ em gái trên toàn quốc tham gia đối thoại với lãnh đạo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, các Bộ, ngành Trung ương và địa phương và Trung ương Đoàn về 2 chủ đề: “An toàn với trẻ em gái ở nơi công cộng”, “Tảo hôn và các hệ lụy”.

Phần đầu của Diễn đàn, các em trao đổi những kiến thức, hiểu biết về quyền của trẻ em, về vấn đề xâm hại, bạo lực trẻ em, nạn tảo hôn và nguyên nhân cũng như cách phòng tránh.

Các em gái nhóm Hoa Bản đại diện cho các DTTS vùng núi phía Bắc chia sẻ về thực trạng của vấn đề tảo hôn và những hệ lụy tới sức khỏe và học tập. Các em đề cập tới một vòng lặp vô cùng phổ biến trong cuộc đời của những em gái DTTS, đó là (1) Kết hôn sớm >> (2) Sinh nhiều con >> (3) Ảnh hưởng kinh tế >> (4) Con cái bỏ học >> (5) Ở nhà làm việc >> Lặp lại (1).

Còn nhóm các em gái đến từ tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị nói về thực trạng của phong tục "Đi Sim" của dân tộc Vân Kiều và những hậu quả do tảo hôn gây ra. Em Hồ Thị Hữu, tỉnh Quảng Trị chia sẻ, chứng kiến một người bạn cùng học lấy chồng sớm và vì không có kiến thức về sinh sản nên để lại hậu quả rất nghiêm trọng: “Những hậu quả mà nạn tảo hôn mang lại như vì chưa phát triển về sức khỏe sinh sản nên khi sinh con, con chết, hoặc nguyên nhân cao mẹ cũng tử vong, hoặc người mẹ mắc nhiều loại bệnh trở thành gánh nặng cho xã hội”.

Theo các em, có 3 nguyên nhân sâu xa dẫn tới vấn đề này: Thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản; thiếu hiểu biết về hậu quả của tảo hôn và kiều kiện kinh tế khó khăn, khiến các em bỏ học và kết hôn sớm. Đồng thời, các em bày tỏ mong muốn Chính phủ có biện pháp quản lý nghiêm, bổ sung thêm các luật, phạt nặng những đôi tảo hôn để họ không dám tảo hôn nữa. Bên cạnh đó, hỗ trợ sinh kế cho các hộ gia đình khó khăn, hỗ trợ đồ dùng học tập và học bổng cho các bạn học sinh nghèo vượt khó.

Phần thứ 2, các em gái đặt ra câu hỏi về những giải pháp của các cơ quan chức năng nhằm bảo vệ trẻ em khuyết tật khỏi vấn đề xâm hại tình dục và ngăn ngừa tình trạng trẻ em bỏ học, tạo điều kiện cho nạn nhân của nạn tảo hôn được quay lại trường học.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Trưởng ban Gia đình và Xã hội Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam: Hiện nay tỉ lệ học sinh tảo hôn ở các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ rất cao. Để giải quyết vấn đề này, Hội Liên hiệp Phụ nữ đã phối hợp với các bên liên quan thực hiện các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức về vấn đề bỏ học sớm và tảo hôn.

Đặc biệt, Hội đã phối hợp cùng với tổ chức Plan International Việt Nam triển khai và nhân rộng các nhóm cha mẹ tại 63 tỉnh thành nhằm nâng cao kiến thức của các bậc cha mẹ về vấn đề bỏ học sớm và tảo hôn cũng như trang bị những kỹ năng nuôi dạy và bảo vệ trẻ em.

Các đại biểu đến từ nhiều cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước lắng nghe, đồng thời cam kết sẽ giải quyết 2 vấn đề được nêu trong Diễn đàn, có những hành động cụ thể và cấp thiết bảo vệ quyền lợi cho các em.

Trung Hiếu