Mặc dù chiến tranh và xung đột đã lùi xa nhưng hậu quả của nó vẫn tiếp tục tác động tới môi trường an sinh, dân sinh và điều kiện phát triển kinh tế của nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam á. Trong số đó vấn đề đất đai bị ô nhiễm bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh vẫn đang nổi lên là một mối đe dọa lớn. Trước nguy cơ đó, các nước ASEAN đã có nhiều nỗ lực, thành lập các Trung tâm hành động bom mìn, phát động các chương trình cấp quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh... và nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Nhận thấy việc chung tay khắc phục hậu quả bom mìn là một hành dộng nhân văn, nhân đạo và là mối quan tâm chung của cả khu vực và cộng đồng quốc tế nên cần được coi trọng và đưa vào khuôn khổ hợp tác trong ADMM+. Đây là sáng kiến của Việt Nam.
Mục tiêu là: Nâng cao nhận thức các nguy cơ, thách thức, trách nhiệm của các quốc gia và cộng đồng quốc tế; nâng cao năng lực của các quốc gia bị ô nhiễm trong khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh; khuyến khích các nước thành viên ASEAN, các nước đối tác, đối thoại của ASEAN và cộng đồng quốc tế chung tay, góp sức cùng các nước bị ô nhiễm bom mìn khắc phục hậu quả; tìm ra các biện pháp, sáng kiến hợp tác phù hợp nhằm giải quyết hiệu quả vấn đề ô nhiễm bom mìn sau chiến tranh; xây dựng cơ chế hợp tác giữa các lực lượng quốc phòng, quân sự các nước ADMM+, cũng như phối hợp quân dân sự trong khắc phục hậu quả bom mìn.
Hội nghị diễn ra với 3 phiên thảo luận về đánh giá tình hình, thực trạng và hậu quả của ô nhiễm bom mìn và vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh và các cuộc xung đột của các quốc gia ASEAN và khu vực; kinh nghiệm của các quốc gia trong khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu nổ và hợp tác trong đối phó, khắc phục hậu quả bom mìn trong khu vực và quốc tế, đề xuất cho hợp tác trong khuôn khổ ADMM+.
Phát biểu chào mừng hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Chí Vinh, Thứ trướng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh: Hội nghị đầu tiên có một vai trò quan trọng để hình thành nhận thức, quyết tâm và nỗ lực chung. Từ đó làm nền tảng cho thúc đẩy các sáng kiến và hình thức hợp tác cụ thể trong thời gian tới. Những kế hoạch hoạt động sẽ là hướng dẫn cho hợp tác về hành động mìn nhân đạo trong khuôn khổ ADMM+ giai đoạn 2014 – 2017. Nỗ lực để thúc đẩy hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh là đóng góp cho hòa bình, ổn định và thình vượng của khu vực.
Bài và ảnh: An Hà