Thủ tướng tiếp Giám đốc WB tại Việt Nam
Chiều 21/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam.
Chúc mừng bà Carolyn Turk đảm trách cương vị Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, Thủ tướng tin tưởng với bề dày kinh nghiệm, bà sẽ nối tiếp truyền thống thành công của những người tiền nhiệm; tin tưởng trong nhiệm kỳ mới, quan hệ WB và Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ hơn.
Giám đốc Quốc gia WB Carolyn Turk cảm ơn sự hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam với WB suốt 25 năm qua, hy vọng thúc đẩy mối quan hệ này tiến xa hơn nữa. Bà bày tỏ chia sẻ mất mát của người dân Việt Nam do mưa lũ gây ra. WB sẽ làm tất cả những gì có thể hỗ trợ người dân miền Trung.
Bà chúc mừng Chính phủ Việt Nam đã thành công trong kiềm chế dịch bệnh COVID-19, thực sự là tấm gương để thế giới nhìn vào. Việt Nam cũng là một trong số ít các nền kinh tế có tăng trưởng dương năm nay. Điều này mang lại lợi thế cạnh tranh lớn cho Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Bà cho biết, đã trao đổi với nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới và họ bày tỏ ý định di chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam vì những điều trên.
Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh lớn vì đã đi trước trong ứng phó dịch COVID-19. Vấn đề là Việt Nam đón bắt cơ hội thế nào khi các nước đang dần mở cửa trở lại nền kinh tế. Theo quan điểm của WB, đây là thời điểm tốt của Việt Nam để định vị trong nền kinh tế toàn cầu. Việt Nam sẽ có cơ hội thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, khám chữa bệnh từ xa... WB sẵn sàng cung cấp hỗ trợ về vốn, chuyên gia, tư vấn chính sách cho Việt Nam. WB đã có sẵn nguồn lực hỗ trợ cho Việt Nam, kể cả nguồn vốn và thủ tục mua vaccine phòng COVID-19 trên quy mô lớn.
Trao đổi về các chương trình, dự án mà WB đang triển khai tại Việt Nam, bà nêu rõ, giải ngân vốn đầu tư công của Việt Nam hiện đang được đẩy nhanh tiến độ, tuy nhiên giải ngân các nguồn vốn khác như ODA còn chậm. WB sẵn sàng làm việc với các bộ ngành của Việt Nam để tháo gỡ mọi khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân. WB cảm ơn và vui mừng khi biết Thủ tướng sẽ chủ trì một cuộc họp để đánh giá và đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án sử dụng vốn ODA. Bà đề xuất Việt Nam cần đơn giản hoá hơn nữa thủ tục giải ngân các dự án.
Về các chương trình, dự án của WB trong năm 2021, bà nêu rõ, WB có 4 chương trình, dự án ở Việt Nam; hy vọng các dự án sớm được trình Chính phủ để phê duyệt. Bà mong WB sẽ tham gia sâu hơn về tư vấn chính sách cho Chính phủ Việt Nam trong vấn đề liên quan vay và sử dụng vốn ODA. WB cũng mong được học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam kiềm chế nhanh chóng dịch COVID-19.
Bà cũng bày tỏ WB rất quan tâm hợp tác với Việt Nam trong vấn đề quy hoạch phát triển điện.
Cảm ơn ý kiến của bà Carolyn Turk, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Chính phủ, các bộ ngành mong nhận được tư vấn chính sách từ WB, đặc biệt là vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô.
Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam đang đặt mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa bảo đảm phát triển kinh tế, giải quyết việc làm. Nhờ được người dân ủng hộ, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dương, mức tăng trưởng cao nhất khu vực ASEAN trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.
Thủ tướng cũng cảm ơn WB cam kết hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai ở miền Trung, cho biết, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đang nỗ lực khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống người dân.
Thủ tướng cũng khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, thúc đẩy giải ngân nguồn vốn ODA. Tới đây, Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì họp về giải ngân vốn ODA để đề ra các giải pháp mạnh mẽ hơn.
Thủ tướng hoan nghênh WB đã có sáng kiến hỗ trợ các quốc gia phòng chống lại đại dịch COVID-19, đặc biệt WB đã viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam khoản trị giá 6,2 triệu USD đã được ký tiếp nhận vào cuối tháng 7.
Đánh giá cao WB đã phê duyệt gói hỗ trợ 12 tỷ USD cho các nước trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam để mua và triển khai vaccine phòng dịch, Thủ tướng đề nghị WB làm việc với Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính để các cơ quan báo cáo lên Thủ tướng xem xét, quyết định.
Thủ tướng hy vọng bà Carolyn Turk sẽ đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam thực hiện mục tiêu kép phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi nền kinh tế; đề nghị bà chia sẻ một số nhận định, đánh giá của WB về triển vọng kinh tế trong khu vực.
Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam được đánh giá là sử dụng hiệu quả vốn tài trợ của WB, hầu hết các dự án đã kết thúc tại Việt Nam xếp hạng khá tốt. Tuy nhiên, gần đây tỉ lệ giải ngân vốn ODA của Việt Nam nói chung, trong đó có vốn WB tài trợ, là tương đối thấp. Thủ tướng cho rằng, trong thời gian tới, tình hình giải ngân vốn ODA sẽ được cải thiện; đề nghị WB phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các bộ ngành, địa phương để cùng nhau cải thiện vấn đề này, tăng hiệu quả cho các dự án WB tài trợ.
Về Định hướng hợp tác, Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam đang xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2026, do đó đề nghị WB với kinh nghiệm của mình tiếp tục tư vấn chính sách cho Chính phủ, các Bộ ngành như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước phối hợp chặt chẽ WB rà soát, cập nhật Khung đối tác chiến lược quốc gia (CPF) giai đoạn 2018-2021 cho phù hợp tình hình thực tiễn, đặc biệt là những tác động, ảnh hưởng của dịch COVID-19 cũng như nghiên cứu, đề xuất CPF mới cho 3 năm tiếp theo 2022-2025 để xác định nguồn lực hỗ trợ, lĩnh vực ưu tiên của hai bên, qua đó xây dựng danh mục tài trợ phù hợp và các hoạt động liên quan.
Về Định hướng ưu tiên của Chính phủ Việt Nam giai đoạn 2021-2025, Chính phủ tiếp tục ưu tiên huy động vốn ODA, vay ưu đãi trong đó có nguồn vốn vay của WB, phù hợp với Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 sắp được Quốc hội thông qua và Định hướng thu hút ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài giai đoạn 2021-2025 với chủ trương ưu tiên cho các dự án lớn, thúc đẩy phát triển bền vững nhưng quan trọng nhất vẫn là hiệu quả của dự án.
Thủ tướng đề nghị WB tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để chuẩn bị tốt các chương trình, dự án có chất lượng thực sự hiệu quả, cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn lực đầu tư phát triển.
VPCP