THỦ TƯỚNG TIẾP CHỦ TỊCH ỦY BAN LIÊN CHÍNH PHỦ VỀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU CỦA LIÊN HỢP QUỐC

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, biến đổi khí hậu là một vấn được Việt Nam đặc biệt quan tâm vì theo dự báo sẽ là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Việt Nam coi ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ứng phó với thiên tai là yêu cầu sống còn trong quá trình phát triển biển vững của mình. Thủ tướng cho biết Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu và cũng đã thành lập Hội đồng tư vấn để cập nhật các báo cáo cũng như đưa ra các khuyến nghị đối với Chính phủ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu cả trước mắt và lâu dài.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho biết, vấn đề biến đổi khí hậu, trái đất nóng lên, nước biển dâng và các hiện tượng thiên nhiên cực đoan khác là những thách thức lớn đối với toàn cầu. Việt Nam khẳng định sẽ nỗ lực hết mình, chung sức với cộng đồng quốc tế ứng phó để ứng phó; đồng thời chủ động xây dựng Kế hoạch Hành động để ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Bên cạnh sự nỗ lực tự thân, Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ hiệu quả hơn nữa của Liên hợp quốc, các nhà tài trợ quốc tế; các nhà khoa học trên thế giới trong việc chia sẻ các kết quả nghiên cứu, cung cấp các khuyến nghị và tài trợ cho các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ hiệu quả của Liên hợp quốc đối với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực trong đó có lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu; mong muốn các tổ chức của Liên hợp quốc cũng như Ủy ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong nỗ lực chung ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Chia sẻ với Thủ tướng về những hậu quả nặng nề, trong đó có hậu quả nước biển dâng do biến đổi khí hậu gây ra, cũng như đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu, ông Rajendra Pachauri cho biết, theo kết quả nghiên cứu, với mức phát thải gây hiệu ứng nhà kính như hiện nay và nếu thế giới không làm gì, dự báo đến cuối thế kỷ này nước biển sẽ dâng lên 98 cm. Chỉ cần nước biển dâng cao một nửa so với dự báo, hậu quả là hết sức nặng nề đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Ông Rajendra Pachauri khẳng định Ủy ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc sẽ luôn sát cánh cùng Việt Nam trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng cũng như trong ứng phó với các hiện tượng thiện nhiên cực đoan khác do tác động của biến đổi khí hậu gây ra.
Hùng Sơn