Thủ tướng thăm Trung tâm Điều dưỡng thương binh và người có công

Theo Giám đốc Trung tâm, ông Nguyễn Cảnh Hòa, được thành lập năm 1977, Trung tâm đã nuôi dưỡng và điều trị trên 450 lượt thương bệnh binh nặng, tổ chức điều dưỡng cho gần 32.000 người có công của các tỉnh Nam Bộ.
Trong quá trình điều trị, Trung tâm đã đưa trên 350 thương bệnh binh về sinh sống tại gia đình. Hiện nay, Trung tâm đang quản lý điều trị 60 thương bệnh binh.
Trung tâm thường xuyên kết nối với các đơn vị bảo hiểm, các bệnh viện tuyến trên để kết hợp và hỗ trợ thêm cho công tác điều trị, chăm sóc thương bệnh binh.
Nói chuyện với các thương bệnh binh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng được đến thăm Trung tâm, nằm ở thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, một địa điểm nổi tiếng về truyền thống cách mạng và cũng “thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của Đảng, Nhà nước, của nhân dân đến các đồng chí”.
“Chính sự nghiệp cách mạng có được ngày hôm nay, chúng ta không thể quên những đóng góp to lớn, trực tiếp, gian khổ mà các đồng chí đã cống hiến cho Tổ quốc. Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn luôn ghi nhớ”, Thủ tướng bày tỏ.
Thủ tướng vui mừng nhận thấy đời sống thương binh đã có nhiều cải thiện. Nhiều gia đình thương binh đều mong mỏi có cuộc sống riêng tư. Trước nguyện vọng đó, nhiều thương binh điều trị tại Trung tâm được tỉnh giải quyết một suất đất.
Từ 350 thương binh thì đến nay gần 300 thương binh đã về sống với gia đình riêng, chỉ còn khoảng 60 thương binh tại Trung tâm. Những thương binh về địa phương cũng được tạo điều kiện thuận lợi trong cuộc sống.
Thủ tướng cho biết, tuy điều kiện Nhà nước còn khó khăn nhưng với đề nghị của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Chính phủ vẫn quyết định xây dựng mới Trung tâm khang trang hiện đại hơn, tạo điều kiện cho thương binh có điều kiện sinh hoạt tốt hơn.
“Chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước coi chính sách đền ơn đáp nghĩa, chính sách hậu phương quân đội là một chính sách căn bản, quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội của nước ta”, Thủ tướng khẳng định. Trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn nhưng chúng ta đặt vấn đề chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình người có công là một nhiệm vụ quan trọng với tinh thần là gia đình người có công, gia đình thương binh, liệt sĩ phải có mức sống bằng hoặc tốt hơn mức sống trung bình của người dân ở địa phương.
Thủ tướng cho biết, tất cả các gia đình thương binh, liệt sĩ đều được quan tâm trong dịp này, từ nhà tình nghĩa, giúp đỡ con cái học hành cho đến quan tâm giải quyết việc cụ thể về quyền lợi, nhất là việc làm của con em. Tất cả các nghĩa trang trong phạm vi quốc gia, với sự đề xuất của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đều được sáng đèn, thắp nến, phụng cúng một cách chu đáo, trách nhiệm, để vong linh những người đã khuất luôn luôn được người đang sống nhớ ơn mãi mãi.
Thủ tướng mong mỏi các thương binh tiếp tục phát huy truyền thống bộ đội Cụ Hồ, “thương binh tàn nhưng không phế”, phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, là tấm gương sáng cho con cháu noi theo.
Thủ tướng đề nghị chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm, có sự hỗ trợ cần thiết để đóng góp vào sự phát triển của Trung tâm, giải quyết vấn đề đời sống, nguyện vọng chính đáng cho các thương binh, bệnh binh ở đây.
Nhân dịp này, Thủ tướng đã tặng quà cho các thương binh, bệnh binh cũng như tặng Trung tâm bộ Ampli (bộ tăng âm) để các thương bệnh binh nâng cao đời sống tinh thần.
Cùng ngày, Thủ tướng đã đến thăm hỏi, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Võ Thị Ngọ, 95 tuổi, trú tại Phường Phước Hiệp, thành phố Bà Rịa; cựu chiến binh Phạm Văn Đực, thương binh Hạng 1/4, Huân chương Kháng chiến Hạng Ba, gia đình có người thân là liệt sĩ, trú tại Phường Long Hương, thành phố Bà Rịa.
VPCP