Thủ tướng Pháp tái đắc cử vòng 1 bầu cử Quốc hội (11/06/2012)

Kết quả công bố của Bộ Nội vụ Pháp cho hay trên tổng số 41 triệu cử tri đăng ký, PS đã giành được 29,35% phiếu bầu, trong khi đảng cánh hữu Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) giành 27,2% số phiếu. Trong kỳ bầu cử Quốc hội năm nay, có khoảng 6.600 ứng cử viên đăng ký tranh cử, trong đó 40% là phụ nữ. Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault và 24 bộ trưởng đều tham gia tranh cử, và ông Ayrault đã tuyên bố trong trường hợp các bộ trưởng không trúng cử đại biểu quốc hội, sẽ phải rời khỏi chính phủ. Kết quả kiểm phiếu cho thấy ông Ayrault và năm bộ trưởng trong chính phủ mới thuộc PS đã giành chiến thắng ngay từ vòng một, trong đó có Bộ trưởng Ngoại giao Laurent Fabius, Bộ trưởng Giao thông Frédéric Cuvillier, Bộ trưởng đặc trách các vấn đề châu Âu Bernard Cazeneuve. Nhiều bộ trưởng khác trong chính phủ cầm quyền cũng đang giành lợi thế trong cuộc bầu cử Quốc hội vòng hai diễn ra ngày 17-6. Theo dự báo của Viện thăm dò CSA, trong kỳ bầu cử Quốc hội diễn ra hai vòng năm nay, PS và đồng minh là Đảng Xanh và Sinh thái châu Âu (EELV), và một số đảng nhỏ khác có thể giành được đa số tuyệt đối tại Quốc hội, theo quy định chỉ cần 289/577 ghế. Điều đó có thể sẽ giúp việc hoạch định chính sách, đề xuất dự án luật của chính phủ gặp nhiều thuận lợi hơn khi trình ra Quốc hội (Hạ viện), cũng như Thượng viện (hiện đã do PS và đồng minh cánh Tả chiếm đa số tuyệt đối). Bất ngờ nhất trong vòng một là việc nhân vật nổi bật thuộc Mặt trận cánh Tả trong kỳ bầu cử tổng thống vừa qua, Jean-Luc Mélenchon đã thất bại tại đơn vị bầu cử ở miền Bắc nước Pháp khi chỉ về thứ ba sau ứng cử viên Mặt trận quốc gia, bà Marine Le Pen và một ứng cử viên của PS. Điểm đáng chú ý khác trong kỳ bầu cử Quốc hội vòng một là tỷ lệ cử tri không đi bỏ phiếu cao kỷ lục 42,61% tại các kỳ bầu cử Quốc hội trong nền Cộng hòa thứ năm của Pháp. Việc tỷ lệ cử tri Pháp không đi bỏ phiếu cao trong kỳ bầu cử Quốc hội ngay sau khi diễn ra bầu cử Tổng thống đang khiến chính quyền và dư luận Pháp quan tâm nghiên cứu khả năng thay đổi lịch trình bầu cử. Theo ông Yves-Marie Cann, Giám đốc nghiên cứu Phòng nghiên cứu dư luận Viện thăm dò CSA, Pháp cần nghiên cứu tổ chức bầu cử Tổng thống và bầu cử Quốc hội cùng ngày để có thể đảm bảo tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu cao hơn. Trước những kết quả khả quan đối với PS và các đồng minh cánh tả ngay từ bầu cử Quốc hội vòng một, các nhà lãnh đạo PS vẫn thể hiện thái độ rất thận trọng. Bí thư thứ nhất PS, bà Martine Aubry và Thủ tướng Ayrault đều lên tiếng kêu gọi người dân Pháp tham gia bỏ phiếu vòng hai vào ngày 17/6 nhằm đem lại cho Tổng thống một tỷ lệ đa số rộng rãi trong quốc hội. Minh Anh (TH)