Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc tại Gia Lai
Ngày 21/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2022 và dự lễ kỷ niệm 90 năm thành lập tỉnh Gia Lai.
* Tối ngày 21/5, tại thành phố Pleiku, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ kỷ niệm 90 năm thành lập tỉnh Gia Lai.
Buổi lễ do Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Gia Lai tổ chức.
Cùng dự buổi lễ có đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đồng chí lão thành cách mạng, mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Gia Lai đã kiên trì phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu rất đáng trân trọng, tự hào, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.
Thủ tướng nêu rõ: Từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam, dưới ánh sáng soi đường của Đảng, của Bác Hồ, đồng bào các dân tộc Gia Lai đã có niềm tin, anh dũng vượt qua biết bao khó khăn, thử thách.
Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, nhiều tên đất, tên người Gia Lai đã đi vào lịch sử như chiến thắng Đak Pơ, trận đánh Cầu Suối Vối, Cầu Rộc Dứa... trong kháng chiến chống Pháp; những người con anh hùng như Đinh Núp, A Sanh, Kpă Klơng, Thanh Minh Tám, Rơ Chăm Ớt... và những Chiến thắng Plei Me, Cheo Reo, Phú Bổn… trong kháng chiến chống Mỹ.
Sau khi miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, với tinh thần đoàn kết, đổi mới sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Gia Lai đã không ngừng nỗ lực vượt khó vươn lên. Từ một địa phương bị chiến tranh tàn phá nặng nề, cơ sở hạ tầng thấp kém, kinh tế lạc hậu, tự cung tự cấp, Gia Lai đã từng bước hồi sinh, phát triển mạnh mẽ như ngày hôm nay.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh duy trì bình quân gần 8%/năm giai đoạn 2015-2020. Năm 2021, GRDP đạt hơn 88 ngàn tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người trên 56 triệu đồng, năm sau cao hơn năm trước. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm mạnh (năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 3,96%).
Lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt được nhiều tiến bộ đáng kể, các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc được bảo tồn và phát huy; y tế, giáo dục và đào tạo đều có những bước tiến vững chắc, đã thực sự làm thay đổi chất lượng cuộc sống của người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng; môi trường được đảm bảo, xây dựng nông thôn mới đạt được những kết quả tích cực. Quốc phòng được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội bảo đảm; đối ngoại được tăng cường.
Cùng với các thành tựu về kinh tế - xã hội, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được chú trọng. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được triển khai sâu rộng. Chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên ngày càng được nâng cao. Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cải cách tư pháp đã có chuyển biến tích cực. Công tác dân vận, hoạt động của Mặt trận, các đoàn thể không ngừng được đổi mới, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân với Đảng, chính quyền.
Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 thời gian qua, Tỉnh đã triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội và duy trì tốc độ tăng trưởng cao (GRDP năm 2021 tăng 9,71%, đứng thứ 3 cả nước).
Những thành tựu mà tỉnh đã đạt được là rất cơ bản. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, bất cập cần khắc phục, nhất là cơ sở hạ tầng, năng lực quản lý, khả năng cạnh tranh, môi trường đầu tư, chất lượng nguồn nhân lực cũng như việc phát huy lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu để phát triển nông nghiệp đặc thù, thiếu các sản phẩm có sức cạnh tranh cao, chưa khai thác tốt tiềm năng du lịch...
Những tiềm năng, lợi thế của Gia Lai cần được đánh thức
Thủ tướng nhấn mạnh, giai đoạn phát triển mới mở ra cho Gia Lai những cơ hội phát triển đầy triển vọng. “Những tiềm năng, lợi thế của Gia Lai cần được đánh thức có cả bầu trời trong xanh, không gian hùng vĩ, trong trẻo; cả màu xanh của núi rừng, của nương cà phê, vườn hồ tiêu; cả tiếng Cồng chiêng ngân vang, tiếng thông reo, tiếng suối chảy; cả hương hoa thơm và vị ngọt cây trái; cả đất đai màu mỡ, cả nắng, gió và nhiều tài nguyên, khoáng sản khác; cả những nét văn hóa bản sắc độc đáo và những giá trị cao đẹp của con người Gia Lai đôn hậu, mộc mạc, nghĩa tình, chăm chỉ và sáng tạo…”, Thủ tướng phát biểu.
Để những tiềm năng, lợi thế và nguồn lực to lớn đó được phát huy, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Gia Lai trở thành một tỉnh giàu mạnh, người dân được sống trong sung túc, bình yên và hạnh phúc, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Gia Lai cần nỗ lực hơn nữa, đoàn kết hơn nữa, không ngừng đổi mới, dám nghĩ, dám làm, chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, mảnh đất của mình, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành tốt mục tiêu của năm 2022 và những năm tiếp theo.
Với tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Gia Lai tiếp tục gìn giữ, củng cố và vun đắp cho khối đoàn kết, tính thống nhất trong Đảng bộ và cả hệ thống chính trị, tạo được sự đồng thuận giữa các dân tộc; thực hiện tốt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”.
Quán triệt và thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI, trong đó có việc hiện thực hóa 17 chỉ tiêu chủ yếu của nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Tập trung triển khai có hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; hoàn thành việc tiêm vắc-xin cho các nhóm đối tượng, trong đó có trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi theo kế hoạch và hướng dẫn của Bộ Y tế và mục tiêu của Chính phủ đã đề ra.
Tiếp tục hoàn thiện bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, vì dân, gần dân, trọng dân gắn với tăng cường năng lực, phẩm chất của cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu. Xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, chuyên nghiệp, tận tụy, đam mê, trách nhiệm, vì nhân dân phục vụ. Phát huy tinh thần dân chủ, kỷ cương; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách hành chính, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Làm tốt công tác quy hoạch theo hướng phát triển bền vững. Đa dạng hóa, huy động tối đa, hiệu quả các nguồn lực xã hội để phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là các dự án hạ tầng chiến lược có trọng tâm, trọng điểm, có tính lan tỏa, kết nối vùng và vươn ra thế giới. Tiếp tục khai thác các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, tập trung đầu tư phát triển du lịch, năng lượng tái tạo trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; chú trọng phát triển công nghiệp chế biến. Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 vừa ban hành. Quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp áp dụng khoa học, công nghệ cao theo chuỗi chế biến, bảo quản, tiêu thụ, liên kết, giảm thiểu tình trạng dư thừa sản phẩm khi được mùa, rớt giá… ảnh hưởng đến đời sống đồng bào. Tập trung ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi.
Quan tâm phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Thực hiện hiệu quả các chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa Toàn quốc vào tháng 11/2021. Phát huy mạnh mẽ truyền thống cách mạng anh hùng, tinh thần yêu nước của đồng bào các dân tộc. Tập trung giữ gìn, phát triển và khai thác các giá trị văn hóa bản sắc độc đáo, bảo vệ và phát huy giá trị khảo cổ về thời đại Sơ kỳ Đá cũ cách đây 80 vạn năm tại địa phương. Gắn phát triển văn hóa với du lịch và tăng tính kết nối vùng. Có kế hoạch cụ thể, hiệu quả bảo vệ, phát triển rừng, bởi nói đến văn hóa Tây Nguyên là nói đến văn hóa gắn với rừng. Khuyến khích đầu tư mạnh mẽ cho y tế và giáo dục, chú trọng phát triển nhân lực chất lượng cao. Hoàn thiện mạng lưới an sinh xã hội, thực hiện tốt chính sách đối với người có công, gia đình chính sách, người yếu thế.
Củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại là nhiệm vụ thường xuyên, trọng yếu; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia. Tây Nguyên, trong đó có Gia Lai được xác định giữ vai trò quan trọng về quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội cần đặt trong sự bảo đảm về quốc phòng, an ninh, tăng cường đối ngoại; chủ động nắm chắc tình hình, nâng cao cảnh giác, sẵn sàng đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch trong tình hình mới. Phát huy mạnh mẽ vai trò, vị thế của Gia Lai trong khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.
Thủ tướng nhấn mạnh: Gia Lai của chúng ta có một lịch sử đáng tự hào, một tương lai đầy triển vọng và nhiều hứa hẹn. Với những thành tựu đạt được, những kinh nghiệm đã tích lũy được suốt mấy chục năm xây dựng, trưởng thành, nhất là với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, tin tưởng rằng, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Gia Lai sẽ từng bước vượt qua khó khăn, gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trên tất cả các mặt, xứng đáng là một trong những địa phương phát triển bền vững, toàn diện ở Tây Nguyên và cả nước. Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội luôn đồng hành, ủng hộ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để Gia Lai phát triển, giàu mạnh.
Cũng tại buổi lễ, tỉnh Gia Lai đón nhận Bằng chứng nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng; đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo và đón nhận Bằng xếp hạng di tích khảo cổ quốc gia Rộc Tưng-Gò Đá.
* Chiều cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2022. Hội nghị thu hút sự tham gia của hơn 400 đại biểu của các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng khi có đông đảo đại biểu tham dự hội nghị, cho thấy tình cảm dành cho tỉnh Gia Lai, các bài phát biểu của nhà đầu tư cũng thể hiện đam mê, khát vọng, cảm xúc với Gia Lai. Thủ tướng mong muốn không khí phấn khởi của hội nghị tiếp tục lan tỏa rộng rãi, mạnh mẽ, truyền cảm hứng cho Gia Lai tiếp tục phát triển.
Dành nhiều thời gian phân tích về tình hình thế giới, trong nước, Thủ tướng cho biết Việt Nam với vị trí chiến lược quan trọng, chịu tác động mạnh mẽ từ cạnh tranh chiến lược đang diễn ra quyết liệt giữa các nước, từ những diễn biến mới phức tạp, khó lường như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, già hóa dân số, cạn kiệt tài nguyên, an ninh mạng… Đây là những vấn đề toàn cầu mà Việt Nam phải cùng chung tay với các nước giải quyết, với tư duy, cách tiếp cận, giải pháp phù hợp.
Chia sẻ những định hướng lớn trong phát triển đất nước, Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam đang xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực phát triển, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Việt Nam kiên định thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, là bạn tốt, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Việt Nam giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, an ninh, trật tự an toàn xã hội; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Việt Nam xác định lấy nội lực (con người, thiên nhiên và truyền thống lịch sử-văn hóa) là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, kết hợp hài hòa, hợp lý với ngoại lực (vốn, công nghệ, quản trị…) là quan trọng, đột phá, thường xuyên.
Trong đó, con người là tài sản lớn nhất, nguồn lực quan trọng nhất và tư duy đột phá sẽ tạo ra nguồn lực mới cho phát triển. Truyền thống của dân tộc ta là càng khó khăn, thách thức lại càng đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vươn lên, vượt qua, khẳng định và trưởng thành.
Thời gian qua, trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhất kể từ khi đổi mới, do dịch bệnh và chịu tác động mạnh từ những diễn biến mới vừa qua trên thế giới, Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội cho hàng chục triệu người, kinh tế phục hồi và phát triển, duy trì tăng trưởng, GDP tăng hơn 5% trong quý I năm 2022, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm. Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 ASEAN, quy mô xuất nhập khẩu vào nhóm 20 nước lớn nhất thế giới.
"Trong bối cảnh thế giới bất ổn mà chúng ta không xử lý được các vấn đề đặt ra thì không thể yên ổn làm ăn. Nếu đất nước bất ổn thì chúng ta không thể có mặt tại Gia Lai mà xúc tiến đầu tư", Thủ tướng nói.
Với Gia Lai, Thủ tướng chỉ ra những tiềm năng, lợi thế, điều kiện phát triển của tỉnh như đất đai phù hợp phát triển cây công nghiệp, truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng, con người hiền hòa, chịu khó, một lòng đi theo Đảng, hệ thống hạ tầng giao thông từng bước hoàn thiện, vị trí địa lý nằm ở phía bắc Tây Nguyên, giáp với Campuchia…
Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư khai thác các tiềm năng, thế mạnh của Gia Lai với cách làm mới, công nghệ mới, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, bảo đảm phát triển xanh, bền vững, trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giữa doanh nghiệp, người dân và Nhà nước.
"Các nhà đầu tư thì phải có lợi nhuận và có thể đầu tư ở những nơi thuận lợi như Thành phố Hồ Chí Minh hay Bình Dương thì sẽ có lợi nhuận nhiều hơn. Nhưng đầu tư vào Gia Lai cũng có những thuận lợi riêng và chúng ta còn có thể sẻ chia với đồng bào, với mảnh đất còn nhiều khó khăn này. Làm việc gì cũng khó. Tôi rất mong các nhà đầu tư đến với Gia Lai một cách nghiêm túc, bằng cả trái tim mình. Phải yêu quý mảnh đất, con người, cảm nhận được những gì tốt đẹp nơi đây, phải có lòng tin, chân thành, trách nhiệm với nhau, thì mới đầu tư lâu dài được, thì mới biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể", Thủ tướng nhắn nhủ.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành quan tâm giúp đỡ Gia Lai về mọi mặt với trách nhiệm cao nhất, đồng thời tỉnh Gia Lai phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa khẩu của mình.
Thủ tướng nhấn mạnh, việc xúc tiến đầu tư phải thực chất, tránh hình thức, tránh tổ chức, ký kết rầm rộ nhưng đạt hiệu quả thực tế không cao. Quan trọng nhất là sau hội nghị này, ai cam kết đã làm gì phải nghiêm túc làm, không để địa phương và người dân "hy vọng rồi thất vọng", góp phần phát triển vùng đất còn khó khăn này.
Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu đã chứng kiến lễ ký kết, trao các văn bản thỏa thuận, hợp tác đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
*Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm đồng chí Ngô Thành, cán bộ lão thành cách mạng, 75 năm tuổi Đảng, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, hiện đang nghỉ hưu tại phường Tây Sơn, thành phố Pleiku; thăm đồng chí Y Thu, nữ thương binh hạng 3/4, dân tộc Xê Đăng ở phường Trà Bá, thành phố Pleiku.