Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với các ngân hàng thương mại phục vụ phát triển đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại cổ phần về các giải pháp góp phần phát triển kinh tế-xã hội.
Sau khi làm việc với các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân lớn, chiều 21-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại cổ phần về các giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo 13 ngân hàng thương mại cổ phần lớn trong cả nước.
Phát biểu khai mạc hội nghị, cho biết hội nghị này nhằm đánh giá chính sách tiền tệ, nhất là ưu tiên cho tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu đóng góp ý kiến đánh giá chính xác, công bằng về chính sách chính sách tiền tệ, điều hành vĩ mô của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong đó có các vấn đề liên quan thanh khoản, lãi suất, tỷ giá, room tín dụng, tăng trưởng tín dụng và lãi suất cho vay trong bối cảnh hiện nay và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp về chính sách tiền tệ thời gian tới.
Thủ tướng cho biết, đến nay, chúng ta vẫn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Tuy nhiên, vừa qua, cơn bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề do cường độ cao, tốc độ nhanh, gió giật mạnh, hoành hành lâu trên đất liền, hoàn lưu bão gây mưa lũ trên diện rộng, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, hơn nữa bão lũ cũng gây việc ngưng trệ sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng lớn kinh tế vĩ mô.
Do đó, Thủ tướng mong các ngân hàng đề xuất các chính sách mới thích ứng tình hình, trong đó có chính sách đối với những doanh nghiệp, người dân bị thiệt hại trong cơn bão lũ; đồng thời hiến kế giải pháp liên quan tăng trưởng tín dụng, lãi suất hợp lý với tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp với tinh thần "tương thân, tương ái", “tình dân tộc, nghĩa đồng bào” để có chính sách phù hợp, cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn, nhận thức và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và phát triển doanh nghiệp, đất nước, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các ngân hàng chia sẻ trong lúc đất nước khó khăn, nhất là vấn đề lãi suất, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp để vượt qua khó khăn, đóng góp cho cho hệ thống các Ngân hàng thương mại; thể hiện tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, vượt qua khó khăn, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Cho biết, vừa qua Hội nghị Trung ương 10 Khoá XIII đã rất đổi mới, thể hiện quyết tâm đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược; đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ là tiền đề cho sự phát triển, lấy ổn định để phát triển, lấy phát triển để bảo đảm ổn định; đẩy mạnh các dự án trọng điểm quốc gia như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; hoàn thành hệ thống đường cao tốc, nghiên cứu phát triển hạ tầng năng lượng, nhất là hạ tầng năng lượng hạt nhân, phát triển các hạ tầng chống biến đổi khí hậu; lấy người dân là trung tâm, chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển; tập trung phân cấp, phân quyền cho các bộ, ngành, địa phương, trong đó Trung ương, các bộ, ngành làm chính sách, quy hoạch, làm công tác giám sát, kiểm tra còn địa phương phải quyết định, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.
Nhấn mạnh, phải quyết tâm xoá bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, ảnh hưởng người dân, doanh nghiệp; khuyến khích đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, Thủ tướng bày tỏ sẵn sàng lắng nghe ý kiến đóng góp của các ngân hàng với tinh thần cầu thị để có giải pháp góp phần phát triển đất nước.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong hơn 8 tháng đầu năm 2024, bám sát chủ trương của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động theo sát diễn biến kinh tế trong và ngoài nước để triển khai đồng bộ các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, tháo gỡ khó khăn và phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với ốn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, an toàn hoạt động hệ thống tổ chức tín dụng.
Trong đó, Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, cân đối hài hòa lãi suất và tỷ giá, chỉ đạo tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng; đẩy mạnh triển khai các giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, tăng khả năng tiếp cận tín dụng, các chương trình tín dụng ngành, lĩnh vực; hoàn thiện hành lang pháp lý trong hoạt động cấp tín dụng, góp phần nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng, hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động tín dụng; đẩy mạnh triển khai các giải pháp chuyển đổi số hoạt động ngân hàng, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt nhằm phát triển các sản phẩm, dịch vụ ứng dụng công nghệ, đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn.
Đến ngày 17-9-2024, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 7,38% so với cuối năm 2023, trong đó, khối Ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân tăng 8,6%, chiếm 45% thị phần, tăng cao nhất toàn hệ thống; cơ cấu tín dụng phù hợp với định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tiếp tục hướng vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.
Tổng tài sản của 28 Ngân hàng thương mại cổ phần đến thời điểm 30-6-2024 đạt 9,3 triệu tỷ đồng, chiếm 45% thị phần, trong đó có 22 ngân hàng quy mô tài sản trên 100 nghìn tỷ đồng. Tổng nguồn vốn huy động của khối Ngân hàng thương mại cổ phần đạt 8,7 triệu tỷ đồng, tăng 5,44% và chiếm 46,1% thị phần. Kết quả kinh doanh của các Ngân hàng thương mại cổ phần đạt khá. Lợi nhuận sau thuế của khối Ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân 6 tháng đầu năm 2024 đạt khoảng 44 nghìn tỷ đồng…
Tại hội nghị, các đại biểu thẳng thắn đánh giá, nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống ngân hàng có xu hướng tăng, nguy cơ tăng sau khi tiếp tục chính sách cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; sức hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân thấp; áp lực đối với tín dụng ngân hàng tiếp tục tăng cao; thị trường bất động sản chưa hồi phục và ổn định ảnh hưởng tới nhiều ngành vệ tinh cũng như cầu tiêu dùng về nhà ở; kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, diễn biến phức tạp, lãi suất còn ở mức cao tác động đến mặt bằng lãi suất, tỷ giá trong nước. Đặc biệt, tình hình thiên tai, bão lũ gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng đến đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh của khách hàng, dẫn đến hoạt động của các Ngân hàng thương mại cũng khó khăn.
TTXVN