Thủ tướng nói chuyện với bà con kiều bào tại Thụy Điển
Bà con kiều bào tại Thụy Điển đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân.
Thủ tướng khẳng định, sẽ tiếp tục có các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đóng góp xây dựng quê hương, đất nước và nhấn mạnh tinh thần vươn lên, ý chí đổi mới, khắc phục tồn tại, bất cập, đưa đất nước vươn lên.
Chiều nay (26/5), giờ địa phương (tối 26/5, giờ Việt Nam), tại Stockholm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng đoàn cấp cao Việt Nam đã tới thăm hỏi, nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và bà con cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Điển.
Đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển Đoàn Thị Phương Dung cho biết, cộng đồng người Việt có khoảng 18.000 người, tập trung ở các thành phố lớn. Bà con đều chăm chỉ làm ăn, sống ổn định. Hiện có 15 doanh nghiệp lớn và hàng trăm cửa hàng, doanh nghiệp của bà con ở Thụy Điển. Có một số doanh nghiệp lớn nhập nhiều nông sản của Việt Nam đưa vào chuỗi siêu thị ở Thụy Điển.
Ý kiến của bà con cũng thể hiện tinh thần luôn hướng về Tổ quốc. GS Bùi Thế Hùng, làm việc trong ngành y, cho biết, sau khi về hưu, ông trở lại Hà Nội nhiều hơn và hiện ông giảng dạy tại Đại học Y Hà Nội. Ông cũng tích cực kết nối các đồng nghiệp tại Đại học Stockholm và Đại học Y Hà Nội.
Chị Nguyễn Tiểu Lưu, giáo viên dạy tiếng Việt, cho biết, bà con người Việt hội nhập rất tốt. Hiện nay nhiều người trẻ đang học các ngành đầu não của Thụy Điển. “Các cháu học hành chăm chỉ, lẽ phép với thầy cô giáo, được các trường khen ngợi”, chị Lưu nói. Cộng đồng người Việt gây được lòng tin với người bản địa với tính cần cù, chịu khó, có nghĩa có tình.
Bà con mong muốn Nhà nước hỗ trợ việc dạy tiếng Việt, tạo điều kiện cho bà con trở lại quốc tịch Việt Nam.
Bày tỏ cảm động trước tình cảm của bà con, trong đó có nhiều người lớn tuổi không quản đường sá xa xôi tới dự cuộc gặp mặt cũng như lắng nghe tiếng nói từ trái tim, tấm lòng của bà con, Thủ tướng nhấn mạnh sự giúp đỡ to lớn, vô tư của Chính phủ, người dân Thụy Điển đối với Việt Nam, nhất là trong thời gian chiến tranh gian khổ, ác liệt trước kia.
Thụy Điển là nước phương Tây đầu tiên công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (1969), cũng là nước phương Tây có phong trào ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Việt Nam mạnh nhất, sớm nhất (tháng 8/1966). Khi chiến tranh ở Việt Nam kết thúc, Thụy Điển tiếp tục là nước phương Tây đi đầu trong việc hỗ trợ Việt Nam thực hiện công cuộc đổi mới ngay từ những năm đầu tiên trong các lĩnh vực cải cách kinh tế, hành chính, luật pháp… Thụy Điển tích cực hỗ trợ Việt Nam khai thông quan hệ với các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế (IMF, WB...). Ngoài ra, Thụy Điển còn là nước Tây Bắc Âu viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam.
Thủ tướng cũng nhắc lại hình ảnh cố Thủ tướng Olof Palme và đông đảo người dân Thụy Điển đã biểu tình chống chiến tranh tại Việt Nam, từ đó, lan tỏa ra toàn châu Âu. Nhiều công trình Thụy Điển giúp đỡ như Bệnh viện nhi Thụy Điển, Nhà máy giấy Bãi Bằng… rất có ý nghĩa với Việt Nam.
Thủ tướng cho biết, ngày mai, trong các cuộc hội đàm, hội kiến với các nhà lãnh đạo Thụy Điển, Thủ tướng sẽ chuyển lời cảm ơn sâu sắc về sự giúp đỡ quý báu của Thụy Điển và nhắc bà con sống xứng đáng với tấm lòng người Thụy Điển đối với Việt Nam.
Thủ tướng nhìn nhận, cộng đồng người Việt ở Thụy Điển luôn hướng về Tổ quốc như Giáo sư Hùng hay giáo viên Lưu…
Trao đổi một số kết quả trong quá trình phát triển của đất nước như có tốc độ tăng trưởng cao hàng đầu thế giới, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần, ý chí đổi mới của Chính phủ, các cấp, các ngành, khắc phục các khuyết điểm, tồn tại, bất cập như bệnh quan liêu, xa dân, tham nhũng, tiêu cực… để đưa đất nước vươn lên. Đây là cam kết đối với bà con, Thủ tướng nói.
Ghi nhận ý kiến của bà con, Thủ tướng khẳng định, sẽ tiếp tục có các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đóng góp xây dựng quê hương, đất nước, trong đó có vấn đề trở lại quốc tịch, hỗ trợ dạy tiếng Việt và cho biết, thời gian qua có 500 lượt nhà khoa học gốc Việt về nước làm việc.
Thủ tướng mong muốn bà con đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, nhất là lúc “tắt lửa tối đèn”, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật nước sở tại, luôn hướng về Tổ quốc, làm sao “mỗi bà con là một đại lý tiêu thụ hàng Việt”, qua đó, thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương, không chỉ ở mức 1,5 tỷ USD hiện nay mà tăng lên nhiều lần. Đây là những hành động cụ thể đóng góp cho quê hương; hay việc góp ý chính sách, nỗ lực học hành, tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng là yêu nước.
Thủ tướng nêu rõ, Đảng, Nhà nước luôn coi bà con kiều bào là bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Đại sứ quán cần quan tâm công tác cộng đồng, bảo hộ công dân.
Đức Tuân