Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Công ty Formosa Hà Tĩnh
Thủ tướng đã thị sát hệ thống xử lý nước thải, các khu luyện gang, luyện thép, tình hình hoạt động của cảng nước sâu Sơn Dương. Sau đó, Thủ tướng đã có cuộc làm việc với FHS và nghe lãnh đạo Công ty báo cáo tình hình.Lần thứ 2 về thăm, làm việc với FHS trong vòng 1 năm qua, Thủ tướng cho biết điều này vì 3 lý do. Đó là Công ty đã thực hiện lời hứa đưa 2 lò cao (số 1 và số 2) vào sản xuất ổn định; khắc phục toàn bộ sự cố môi trường trong thời gian qua một cách có trách nhiệm (đã khắc phục 52/53 tồn tại, chỉ còn 1 tồn tại là chuyển đổi phương pháp làm nguội cốc từ ướt sang khô) và thứ 3, Công ty đã hợp tác tốt với các cơ quan chức năng, quan tâm công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống công nhân.
Thủ tướng hoan nghênh FHS đã xây dựng hàng trăm căn hộ cho công nhân và Công ty sẽ tiếp tục xây dựng nhà ở công nhân với quy mô lớn.
Thủ tướng đánh giá cao việc FHS đã đầu tư trên 11 tỷ USD, là dự án FDI lớn nhất tại Việt Nam; đã tạo công ăn việc làm cho 12.000 lao động với mức thu nhập ổn định và đóng góp ngân sách địa phương, góp phần giảm nhập siêu cho Việt Nam. Chuyến thăm FHS lần này để khẳng định chủ trương Việt Nam coi trọng môi trường đầu tư, tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư. Chính phủ bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư trên cơ sở luật pháp.
Cho rằng sự cố môi trường biển xảy ra cách đây 2 năm đã được khắc phục một cách căn bản, Thủ tướng tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu Formosa cần rút kinh nghiệm nghiêm túc, sâu sắc nhất, tuyệt đối không bao giờ vi phạm lần thứ hai. “Tôi nói điều này để sự cố đáng tiếc không nên và không thể xảy ra ở Hà Tĩnh, ở Việt Nam trong quá trình sản xuất ở Formosa”, Thủ tướng lưu ý.
Formosa cần khẩn trương chuyển đổi phương pháp làm nguội cốc từ ướt sang khô do nhà thầu Neisui Nhật Bản làm tổng thầu hoàn thành vào tháng 6/2019 (theo cam kết). FHS phải luôn luôn tuân thủ các điều kiện, tiêu chuẩn về môi trường. Tiếp tục đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm thiểu tác động đến môi trường, đáp ứng yêu cầu về khí thải, nước thải, chất thải rắn theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn của EU, Nhật Bản... Nghiên cứu và đầu tư công nghệ tiên tiến để tái chế và sử dụng các chất thải phát sinh trong quá trình hoạt động của dự án. Đề xuất với Chính phủ và tỉnh Hà Tĩnh về giai đoạn đầu tư tiếp theo nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật, cảng biển... để phát triển sản xuất.
Tập trung triển khai xây dựng khu công nghiệp hỗ trợ 200 ha để thu hút đầu tư trong lĩnh vực chế tạo các sản phẩm sau thép để phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết công ăn việc làm.
Về phía Chính phủ, Thủ tướng khẳng định tiếp tục giữ ổn định vĩ mô, nhất là tỷ giá, thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước.
Các bộ, ngành chức năng, nhất là Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, giải quyết theo thẩm quyền các thủ tục cho FHS như điều chỉnh tổng mức đầu tư; chuyển đổi đất mặt biển sang đất liền; việc miễn thuế nhập khẩu đối với thiết bị và nguyên liệu vật tư của 3 hạng mục công trình trước đây chưa ghi cụ thể trong giấy chứng nhận đầu tư; đánh giá công nghệ làm nguội than coke (CDQ) từ ướt sang khô... Nghiên cứu ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn để tái chế, sử dụng tro bay, xỉ đáy lò làm vật liệu xây dựng.
Với tỉnh Hà Tĩnh, Thủ tướng đề nghị tiếp tục giám sát chặt chẽ môi trường; giữ gìn an ninh trật tự để nhà đầu tư yên tâm làm ăn; thường xuyên phối hợp để giải quyết các vấn đề đặt ra./.
VPCP