THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG LÀM VIỆC VỚI HỘI ĐỒNG DÂN TỘC CỦA QUỐC HỘI VÀ ỦY BAN DÂN TỘC

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Chính sách dân tộc, công tác dân tộc của Đảng và Nhà nước là vấn đề mang tính chiến lược, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên và cũng là trách nhiệm của của cả hệ thống chính trị. Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt sâu sắc, nâng cao nhận thức về công tác dân tộc, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước; quan tâm, chăm lo thực hiện công tác dân tộc bằng tất cả quyết tâm, bằng các chương trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể, hiệu quả. Thủ tướng nhấn mạnh: Kết quả thực hiện chính sách dân tộc góp phần quyết định đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, sự phát triển ổn định và bền vững của đất nước.
Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương liên quan nghiêm túc kiểm điểm và tập trung khắc phục những mặt còn hạn chế trong triển khai chính sách dân tộc, nhất là trong 4 lĩnh vực, đó là tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc còn quá lớn, có nơi lên tới trên 50%; dân trí, trình độ học vấn vùng dân tộc và miền núi còn thấp; đội ngũ cán bộ vùng dân tộc chưa đáp ứng yêu cầu; hạ tầng cả kinh tế và xã hội vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục phát huy hiệu quả của các cơ chế, chính sách hiện có, đặc biệt là chính sách cho vay, hỗ trợ đồng bào phát triển sản xuất, nâng cao đời sống; đồng thời rà soát, bổ sung hoặc đề xuất bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với công tác dân tộc theo hướng đi thẳng vào khắc phục, xử lý những hạn chế, yếu kém, vướng mắc, bất cập còn tồn tại, nhất là giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, giải quyết đất sản xuất cho một bộ phận đồng bào thiếu đất, nâng cao trình độ canh tác, hiệu quả sản xuất, phát triển y tế, giáo dục - đào tạo, nâng cao hiệu quả phối hợp trong thực hiện chính sách dân tộc; huy động, tính toán bố trí tối đa nguồn lực, tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát trong thực hiện chính sách dân tộc. Thủ tướng đề nghị, các Bộ, ngành chức năng dự thảo, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về thực hiện công tác dân tộc trong thời gian tới; chuẩn bị xây dựng chính sách dân tộc giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030; cơ chế đặc biệt phát triển giáo dục, y tế vùng dân tộc; cơ chế quản lý điều hành chính sách dân tộc. Thủ tướng đề nghị Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình thực thi các cơ chế, chính sách dân tộc gắn với đề xuất hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quan trọng này.
Theo Báo cáo kết quả rà soát chính sách dân tộc giai đoạn 2006 - 2014 của Ủy ban Dân tộc, hiện nay có 130 chính sách về công tác dân tộc được thể hiện trong 37 Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ và 140 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trong đó Ủy ban Dân tộc quản lý 9 chính sách và các Bộ, ngành quản lý 121 chính sách. Nguồn lực được bố trí thực hiện các chính sách vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2012 là 150.000 tỷ đồng. Có thể nói, chính sách dân tộc hiện nay là khá đầy đủ, toàn diện và phủ kín các địa bàn dân tộc và miền núi. Các cơ chế, chính sách từng bước thay đổi về quan điểm, tư duy, phân cấp cho địa phương trên cơ sở công khai, minh bạch trong công tác xây dựng và lập kế hoạch, từ hỗ trợ trực tiếp cho hộ dân chuyển dần sang hỗ trợ cho cộng đồng, nhóm hộ, từ cho không chuyển sang cho vay. Vai trò của người dân và đối tượng thụ hưởng được phát huy, tạo được sự đồng thuận từ Trung ương đến địa phương trong các khâu xây dựng, thực hiện, kiểm tra và đánh giá chính sách.
Thông qua hệ thống chính sách hiện hành, công tác dân tộc đã được chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả và thu được những kết quả quan trọng, những kết quả về giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách phát triển được Liên hiệp quốc, các tổ chức quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Diện mạo vùng dân tộc và miền núi không ngừng thay đổi, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào ngày một nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng dân tộc và miền núi giảm mạnh, từ 3 đến 4%/năm; giáo dục-đào tạo, y tế, văn hóa có nhiều chuyển biến. Điển hình như Chương trình 135, nội dung chính sách gồm các hợp phần đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng, hỗ trợ phát triển, trợ giúp pháp lý cho người dân, bảo tồn văn hóa và hỗ trợ học sinh thuộc hộ nghèo. Chương trình đã thu hút được sự tham gia của 7 tổ chức quốc tế và kinh phí hỗ trợ gần 400 triệu USD. Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, riêng chính sách cử tuyển thực hiện từ năm 1999 đến nay đã cử tuyển được trên 19.700 học sinh dân tộc thiểu số vào các trường đại học và cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, góp phần bổ sung nguồn nhân lực cho vùng dân tộc và miền núi./.
PV