Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Hiệp định Thương mại tự do
Liên minh Kinh tế Á-Âu (EEU) chính thức ra đời ngày 1-1-2015, trên cơ sở Liên minh Hải quan và hiện gồm Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan. Liên minh có dân số hơn 175 triệu người với tổng GDP khoảng 2.500 tỷ USD. Tuy là một tổ chức kinh tế mới được thành lập nhưng Liên minh có vai trò hết sức quan trọng đối với việc phát triển một số quốc gia thuộc Liên Xô trước đây hướng tới một không gian kinh tế thống nhất. Các thành viên của EEU sẽ thực hiện chính sách phối hợp trong các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp và giao thông vận tải. Các nước có nghĩa vụ bảo đảm tự do lưu thông hàng hóa, dịch vụ vốn và lực lượng lao động. Trong Liên minh, tất cả quyết định quan trọng sẽ được cùng nhau thông qua trên cơ sở gắn kết với chính sách kinh tế của các quốc gia thành viên.
Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EEU được khởi động đàm phán tại Hà Nội vào ngày 28-3-2013. Hiệp định bao gồm các chương chính về thương mại hàng hóa, quy tắc xuất xứ, phòng vệ thương mại, thương mại dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), thuận lợi hóa hải quan, hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), công nghệ điện tử trong thương mại, cạnh tranh, pháp lý và thể chế.
Việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EEU sẽ tạo khuôn khổ pháp lý thông thoáng và ổn định để phát triển quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với các nước thành viên của Liên minh; từ đó, tăng cường quan hệ song phương và trao đổi các biện pháp nhằm triển khai cụ thể Hiệp định với từng nước.
Bên lề Lễ ký chính thức FTA giữa Việt Nam và EEU, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội kiến Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev; có cuộc gặp chung đồng thời hội kiến riêng rẽ với Thủ tướng các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á-Âu. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đến từ EEU trong những lĩnh vực giàu tiềm năng, như khai khoáng và chế biến khoáng sản, năng lượng, khai thác và chế biến dầu khí, chế tạo máy, hóa chất, du lịch. Thủ tướng các nước thành viên Liên minh đều bày tỏ mong muốn tăng cường và củng cố quan hệ với Việt Nam, qua đó mở rộng hợp tác với các nước ASEAN nói riêng và hướng đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung; tin tưởng rằng với vai trò và vị thế ngày càng được nâng cao ở khu vực, Việt Nam sẽ tiếp tục làm cầu nối hỗ trợ Liên minh Kinh tế Á-Âu kết nối hiệu quả với khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống với Algeria, Bồ Đào Nha, Bulgaria
Việt Nam-Algeria thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 28-10-1962. Tháng 11-1962, Việt Nam mở Sứ quán thường trú tại Algers và tháng 4-1968, Algeria mở Sứ quán thường trú tại Hà Nội. Việt Nam và Algeria có mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác. Hai nước cũng duy trì thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao trong thời gian qua.
Việt Nam và Bồ Đào Nha thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 1-7-1975. Hai bên duy trì các cuộc tiếp xúc chính trị thông qua các Đại sứ quán kiêm nhiệm và các diễn đàn quốc tế lớn. Ngoài ra, hai nước cũng phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức quốc tế lớn, thường xuyên duy trì trao đổi đoàn các cấp.
Bulgaria là một trong 10 nước đầu tiên trên thế giới công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (8-2-1950), khởi đầu cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác lâu dài giữa hai nước. Chuyến thăm hữu nghị chính thức Bulgaria của Chủ tịch Hồ Chí Minh tháng 8-1957 đã đặt nền móng và dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ hai nước. Bulgaria đã dành cho Việt Nam sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu về tinh thần và vật chất trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ đất nước. Những năm gần đây, hai nước thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, phối hợp, hợp tác tốt tại các diễn đàn đa phương.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Algeria, Bồ Đào Nha và Bulgaria thể hiện chính sách hợp tác toàn diện của Việt Nam với châu Âu và Liên minh châu Âu và coi trọng họp tác với châu Phi. Chuyến thăm nhằm trao đổi với các nước về tình hình phát triển kinh tế-xã hội và kinh nghiệm phát triển bền vững, chuyển đổi nền kinh tế, liên kết kinh tế quốc tế, ứng phó với biến động của kinh tế toàn cầu. Chuyến thăm cũng nhằm thúc đẩy những khuôn khổ hợp tác mới; thu hút doanh nghiệp các nước phát triển kinh doanh và đầu tư với Việt Nam; trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác song phương đi vào hiệu quả trên mọi mặt.
Đăng Song