Thủ tướng làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Thuận và Quảng Ngãi

Tại cuộc làm việc, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận nêu một số kiến nghị như tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ dự án Cảng hàng không Phan Thiết, về đầu tư dự án đường ven biển quốc gia qua tỉnh Bình Thuận, về điều chỉnh quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến quặng titan... Tỉnh đề nghị Thủ tướng ưu tiên bố trí vốn hỗ trợ tỉnh từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2018... để tỉnh có nguồn kinh phí xử lý cấp bách các dự án kè bảo vệ bờ biển, sớm hạn chế việc xói lở, chấm dứt tình trạng xâm thực của biển vào đất liền.
Sau khi lắng nghe các đại biểu, kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Bình Thuận có nhiều tiềm năng, giàu tài nguyên, gồm cả bờ biển, khí hậu, khoáng sản. “Trong thời gian qua, các đồng chí có bước phát triển tốt trên nhiều mặt”, Thủ tướng nói và đánh giá cao kết quả thu ngân sách của tỉnh, năm nay dự kiến khoảng 6.500 tỷ đồng. Môi trường đầu tư của tỉnh được cải thiện. Tuy nhiên, Bình Thuận vẫn còn là tỉnh nghèo, nhận trợ cấp từ ngân sách Trung ương.
Thời gian tới, Thủ tướng cho rằng, tỉnh cần sơ kết giữa nhiệm kỳ kiểm điểm, đánh giá việc phát triển của địa phương để có bước đi, cách làm trong hai năm rưỡi tới đồng bộ hơn, tốt hơn. Đặc biệt, tỉnh cần bám vào các mục tiêu chiến lược trong phát triển như phấn đấu trở thành trung tâm du lịch, năng lượng, chế biến khoáng sản…
Thủ tướng nêu rõ, trước hết, tỉnh phải tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh, tạo môi trường đầu tư tốt hơn, phấn đấu hoàn thành toàn diện, vượt mức kế hoạch năm 2018.
Lưu ý tỉnh về vấn đề khiếu kiện đông người liên quan đến môi trường, Thủ tướng nêu rõ, tỉnh cần chú trọng vấn đề môi trường sống của người dân.
Về các kiến nghị cụ thể của tỉnh, trước hết là dự án sân bay Phan Thiết, Thủ tướng nhất trí đề xuất xây dựng sân bay theo hướng lưỡng dụng và cho rằng, cần sớm hoàn thiện quy hoạch chi tiết và có thể tiến hành xã hội hóa một số khâu. Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trực tiếp chỉ đạo về dự án này, bảo đảm minh bạch, chống thất thoát, lãng phí.
Về đầu tư dự án đường ven biển quốc gia qua Bình Thuận, Thủ tướng ủng hộ chủ trương của tỉnh về xây dựng đường ven biển vì số lượng người hưởng lợi rất lớn. Trước hết, tỉnh cần có quy hoạch tốt tuyến đường này. Thủ tướng đồng ý bố trí một khoản vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn để hỗ trợ tỉnh triển khai dự án.
Thủ tướng nhất trí với kiến nghị của tỉnh về hỗ trợ vốn xử lý cấp bách các dự án kè bảo vệ bờ biển.
Về kiến nghị điều chỉnh quy hoạch titan, Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng Bộ Công Thương, tỉnh Bình Thuận giải quyết nhanh. Thủ tướng nêu rõ, phải quan tâm quản lý tốt vấn đề này.
Thủ tướng nhấn mạnh, về cơ bản, Thủ tướng, Phó Thủ tướng, các bộ ghi nhận kiến nghị của tỉnh và sẽ có hỗ trợ cần thiết, tạo điều kiện cho Bình Thuận phát triển với tinh thần làm bài bản, chặt chẽ các vấn đề đặt ra đối với tỉnh.
Làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Ngãi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhất trí việc phát triển Khu kinh tế Dung Quất thành Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng quốc gia. Lãnh đạo tỉnh Quãng Ngãi đã nêu một số kiến nghị cụ thể để giúp tỉnh phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, đồng thời bảo đảm sự ổn định và nâng cao hiệu quả hoạt động của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Theo báo cáo của tỉnh, Khu kinh tế Dung Quất có hạt nhân phát triển là Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Hiện nay, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã và đang triển khai thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất lên 8,5 triệu tấn/năm.
Năm 2017, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đạt sản lượng đạt hơn 6,1 triệu, doanh thu đạt 82.021 tỷ đồng và quý I/2018, doanh thu đạt hơn 24.000 tỷ đồng.
Tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Chính phủ việc điều chỉnh, bổ sung định hướng phát triển Khu kinh tế Dung Quất thành Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng quốc gia vào các quy hoạch nhánh của quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng, về phát triển điện lực, về hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu.
Tỉnh cũng nêu một số kiến nghị về đầu tư, mở rộng công suất cảng hàng không quốc tế Chu Lai, theo quy hoạch, đến năm 2025, phát triển thành trung tâm trung chuyển hàng hóa với công suất 5 triệu tấn hàng hóa/năm và 4,1 triệu lượt khách/năm.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng nhìn nhận thời gian qua Quảng Ngãi có nhiều khởi sắc, có quyết tâm lớn trong phát triển, trong chỉ đạo, điều hành.
Cho rằng Quảng Ngãi có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng còn là tỉnh nghèo, trợ cấp ngân sách tới 80%, Thủ tướng nhấn mạnh mong muốn tỉnh tiếp tục cố gắng hơn nữa, đồng tâm hiệp lực để đưa tỉnh Quảng Ngãi tiến bước mạnh mẽ hơn. Quảng Ngãi cần đặt trong tầm nhìn phát triển của cả vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Thủ tướng nhất trí việc phát triển Khu kinh tế Dung Quất thành Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng quốc gia. Về định hướng thời gian tới, Thủ tướng cũng đồng ý cần nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, Thủ tướng cho rằng, Quảng Ngãi cần đẩy mạnh đầu tư hạ tầng kết nối, nhất là sân bay. Trong phát triển, cần chú ý sử dụng kết hợp nhiều nguồn vốn, từ Trung ương, địa phương, nguồn lực đất đai, nguồn vốn tư nhân, thông qua hình thức đầu tư PPP.
Thủ tướng nêu rõ, cần thực hiện cạnh tranh bình đẳng, chính sách cần ổn định lâu dài, nhất quán, dễ dự đoán để nhà đầu tư yên tâm. Tiếp tục thu hút đầu tư, đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh.
Đối với kiến nghị đầu tư cảng hàng không Chu Lai, Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chủ động triển khai, kể cả hợp tác quốc tế hay thu hút đầu tư xã hội để xây dựng trung tâm vận chuyển quốc tế ở đây cũng như nâng mức vận chuyển hành khách. Tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn sân bay Chu Lai an toàn để phát triển lâu dài, coi đây là điều kiện quan trọng để phát triển công nghiệp, dịch ở khu vực này.
Cũng tại cuộc làm việc, Thủ tướng cũng cho ý kiến về một số kiến nghị khác của Quảng Ngãi với tinh thần ủng hộ, tạo cú hích cho tỉnh phát triển.
VPCP