THỦ TƯỚNG KIỂM TRA CỤM CÔNG TRÌNH CẦU NHẬT TÂN, ĐƯỜNG NỐI NHẬT TÂN – SÂN BAY NỘI BÀI VÀ NHÀ GA HÀNH KHÁCH T2, CẢNG HÀNG KHÔNG QUỐC TẾ NỘI BÀI

Dự án cầu Nhật Tân, đường nối Nhật Tân - Sân bay Quốc tế Nội Bài, Nhà ga hành khách T2, Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài là những dự án trọng điểm quốc gia, có tổng mức đầy tư khoảng 2 tỷ USD từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Đến nay, cả ba dự án này đều đã hoàn thành theo đúng thiết kế phê duyệt; không có dự án nào vượt tổng mức đầu tư và sẵn sàng cho Lễ khánh thành và đưa vào vận hành, khai thác sử dụng từ ngày 4/1/2015 tới đây.
Việc đưa các dự án này vào sử dụng có ý nghĩa rất lớn trong việc hoàn thiện Vành đai 2 của Hà Nội, kết nối Sân bay Quốc tế Nội Bài với Trung tâm Thủ đô; góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội cũng như Vùng Thủ đô và cả nước. Đối với Dự án cầu Nhật Tân, đây là một trong ba cây cầu có số nhịp dây văng lớn nhất thế giới, áp dụng công nghệ tiên tiến của Nhật Bản và thiết kế mang tính biểu tượng cao. Cây cầu thi công trong gần 6 năm, có tổng mức đầu tư hơn 13.600 tỷ đồng, dài hơn 3,7 km, trong đó phần cầu chính dài 1,5 km. Cùng với Cầu Nhật Tân, tuyến đường nối Nhật Tân - Sân bay Quốc tế Nội Bài được xây dựng trong hơn 3 năm với tổng mức đầu tư hơn 6.700 tỷ đồng, được thiết kế hiện đại và rút ngắn khoảng cách từ trung tâm Hà Nội đến Sân bay Quốc tế Nội Bài. Nhà ga hành khách T2 có tổng mức đầu tư khoảng 13.700 tỷ đồng, hoàn thành sau gần 3 năm xây dựng, áp dụng các tiêu chuẩn hàng không hiện đại nhất của thế giới. Nhà ga có diện tích gần 139.300 m2, chiều dài gần 1 km, công suất đáp ứng khoảng 10 triệu hành khách/năm và có thể mở rộng lên 15 triệu hành khách/năm. Nhà ga T2 đi vào hoạt động sẽ giải quyết được tình trạng quá tải tại nhà ga T1, đảm bảo lưu lượng vận chuyển hiện tại cũng như trong tương lai, khắc phục những hạn chế trong quản lý và khai thác. Với việc đưa T2 đi vào hoạt động, Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài đã đạt công suất thiết kế 30 triệu hành khách/năm; đồng thời sẵn sàng cho việc nâng công suất lên 50 triệu hành khách/năm sau năm 2020 với việc xây dựng thêm đường băng và các Nhà ga hành khách T3 và T4.
Cùng với việc hoàn thành cụm công trình quan trọng này, ngày 30/12/2014, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước, Bộ Xây dựng cũng chính thức cho phép các công trình đưa vào khai thác sử dụng. Thành phố Hà Nội cũng cơ bản hoàn thành các đồ án quy hoạch xây dựng các dự án, công trình hai bên tuyến đường Nhật Tân - Sân bay Nội Bài nhằm mở rộng không gian phát triển của Thủ đô. Bộ Giao thông Vận tải cũng đã khẩn trương chỉ đạo hoàn thiện việc tổ chức giao thông, hoàn thành quy trình vận hành, khai thác Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài và Nhà ga hành khách T2; chuẩn bị nguồn nhân lực để vận hành, khai thác hiệu quả các công trình.
Phát biểu tại buổi làm việc với các Bộ, ngành, thành phố Hà Nội, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự nỗ lực của Bộ Giao thông Vận tải, thành phố Hà Nội, các cơ quan, đơn vị liên quan đã nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, quá trình thi công, đảm bảo chất lượng, tiến độ, hoàn thành và chuẩn bị đưa vào khai thác sử dụng các công trình Dự án cầu Nhật Tân, đường nối Nhật Tân - Sân bay Quốc tế Nội Bài, Nhà ga hành khách T2, Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài. Thủ tướng nhấn mạnh đây là những công trình có quy mô lớn và hiện đại của đất nước; là minh chứng cho việc cụ thể hóa đột phá chiến lược về xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ; tạo đột phá mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng không gian phát triển của Thủ đô và cả vùng.
Với tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cần tiếp tục hoàn thành các hạng mục phụ trợ để đảm bảo khai thác hiệu quả các công trình; hỗ trợ xây dựng các công trình phúc lợi cho người dân trong vùng dự án và bàn giao cho Hà Nội công trình Cầu Nhật Tân và đường nối Nhật Tân - Nội Bài theo đúng kế hoạch. Bộ Giao thông Vận tải, UBND Thành phố Hà Nội cũng cần quan tâm chuẩn bị, đào tạo, sắp xếp nguồn nhân lực vận hành các công trình, nhất là đối với Nhà ga hành khách T2. “Công trình hiện đại nhưng muốn phát huy được thì yếu tố quyết định chính là con người. Xuống sân bay không chỉ là bộ mặt của Thủ đô mà còn là ấn tượng đầu tiên về đất nước con người Việt Nam” - Thủ tướng phát biểu.
Cùng với việc đưa các công trình lớn vào hoạt động, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý việc tiếp tục chuẩn bị đầu tư, mở rộng Sân bay Quốc tế Nội bài sau năm 2020 như kế hoạch đã được phê duyệt; tập trung phát triển mạnh ngành hàng không để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các ngành dịch vụ, du lịch; đồng thời hết sức chú ý bảo đảm an ninh, an toàn hàng không. Thủ tướng cũng đề nghị thành phố Hà Nội rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển, đầu tư, xây dựng để khai thác hiệu quả các tiềm năng mà các công trình mới này tạo ra nhằm tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô nhanh và bền vững. Thủ tướng cho biết tới đây, Chính phủ và lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ướng sẽ làm việc với Hà Nội về công tác quy hoạch và phát triển đô thị./.
Hùng Sơn