Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo tỉnh Gia Lai.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, Thủ tướng đề nghị tỉnh cần nỗ lực hơn nữa trong cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh; đồng thời phải có giải pháp phủ xanh đất rừng, để sớm đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến đồ gỗ mới của thế giới từ gỗ rừng trồng.

Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đã giảm, nhưng Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh cần nhìn thẳng vào sự thật: Cả tỉnh vẫn còn trên 35.000 hộ nghèo (trong đó, hơn 86% là đồng bào dân tộc thiểu số); mưa liên tục trong 3 tháng qua đã làm nhiều bà con bị thất thu và có nhiều khoản nợ ngân hàng khó trả.

Để Gia Lai hiện thực hóa tầm nhìn mà Thủ tướng đã đưa ra cho các tỉnh Tây Nguyên về một cao nguyên trù phú nhờ nông nghiệp hữu cơ, đa dạng về sinh thái, giàu có về văn hóa và là biểu tượng của du lịch Việt Nam, thì tỉnh phải có cán bộ giỏi và cải thiện môi trường đầu tư mạnh hơn nữa. Đồng thời, Gia Lai cần tập trung 3 hướng chính: Kinh tế nông lâm sản, chế biến ứng dụng công nghệ cao; dịch vụ du lịch; phát triển một số ngành công nghiệp có chọn lọc trên nền tảng lợi thế so sánh vượt trội của địa phương. Tỉnh phải đặc biệt chú trọng đến trồng rừng và chế biến đồ gỗ từ rừng trồng. Vì hiện tại, tỷ lệ che phủ rừng của Gia Lai, kể cả cây cao su mới đạt được hơn 46%. Thủ tướng đặt mục tiêu cho Gia Lai đưa diện tích rừng của tỉnh lên đến 90%. Trong đó, đồng bào các dân tộc ít người phải sống được dưới tán rừng. Đây cũng là cách để bảo vệ bản sắc văn hóa và không gian văn hóa của đồng bào các dân tộc ít người ở Tây Nguyên.

Ngay tại buổi làm việc, trên cơ sở báo cáo của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc - Đỗ Văn Chiến về tình hình đặc biệt khó khăn của 110 hộ đồng bào Gia Rai ở buôn H'Lang Mới của huyện Krông Pa thường xuyên bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, Thủ tướng quyết định xuất ngân sách dự phòng hỗ trợ những người dân ở đây di chuyển đến nơi ở mới để không phải vào rừng du canh, du cư.

Trong chuyến công tác tại Gia Lai, Thủ tướng đã đến thăm hỏi, tặng quà ông Nguyễn Trọng Đông, 60 tuổi, thương binh 81% và bà Lê Thị Hiến, 91 tuổi, cán bộ lão thành cách mạng tại TP. Pleiku.

Đức Tuân