Thủ tướng dự lễ khởi công 3 dự án thành phần của tuyến cao tốc Bắc – Nam

Ngày 30/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự lễ khởi công 3 dự án thành phần của tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khởi công dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45

Tại tỉnh Thanh Hóa, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khởi công dự án Mai Sơn – Quốc lộ 45.

Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, ngày 30/9/2020 là một ngày có ý nghĩa đối với đất nước, đặc biệt đối với ngành GTVT vì chúng ta đã đồng loạt triển khai các dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông và ngay tháng 10 sẽ tiếp tục làm hồ sơ liên quan để khởi công 5 dự án còn lại. Nếu làm được các dự án của cao tốc Bắc-Nam, đặc biệt là các công trình đang triển khai thì chúng ta có được gần 2.000 km cao tốc. Thủ tướng cho biết đã yêu cầu Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan trong nhiệm kỳ tới, ngay từ năm đầu,
phải thông suốt tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau để tiến tới có ít nhất 5.000 km cao tốc.

Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Bộ GTVT xử lý vấn đề nguồn vốn để thực hiện chủ trương làm đường cao tốc ở nước ta thành công.

“Nghèo cũng phải làm giao thông, khá cũng phải làm giao thông, càng giàu càng phải làm giao thông, không có giao thông thì khó phát triển được đất nước”, Thủ tướng nói. Chúng ta quyết tâm phấn đấu để làm hệ thống giao thông tốt nhất, đáp ứng sự phát triển, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó hệ thống giao thông phải đi trước một bước.

Sự kiện hôm nay cũng có nhiều ý nghĩa, tạo khí thế mới trong nhân dân, thiết thực chào mừng Đại hội Đảng bộ các tỉnh, tiến tới Đảng hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

“Đảng, Nhà nước không chỉ lo đường bộ mà lo cả đường hàng không, đường sắt, đường thủy, cảng nước sâu, tàu điện ngầm ở các đô thị lớn, đặc biệt là cùng với đường bộ, phải nâng cấp cấp tốc hệ thống đường sắt đang lạc hậu”, Thủ tướng nêu rõ. Chiến lược phát triển của chúng ta trong 10 năm tới, đặc biệt trong 5 năm tới, là làm được những việc lớn để đưa đất nước tiến lên.

Nhân lễ khởi công, Thủ tướng biểu dương Bộ GTVT, các địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan, “các đồng chí đã làm ngày, làm đêm với sự giám sát thúc đẩy mạnh mẽ của Thủ tướng, các cơ quan, các ngành chức năng”.

Thủ tướng đánh giá cao cấp ủy, chính quyền các cấp trên cả nước nói chung đã thúc đẩy giải phóng mặt bằng, trong đó có tỉnh Thanh Hóa, Hà Nam, Ninh Bình, Nghệ An… Giải phóng mặt bằng tuyến này đã hoàn thành đến hơn 93%.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao, biết ơn người dân các địa phương đã ủng hộ chủ trương của Đảng, Nhà nước, về nơi ở mới, bàn giao mặt bằng cho công trình trọng điểm quốc gia này.

Thủ tướng nêu rõ, điều quan trọng nhất trong chỉ đạo của Chính phủ là “các đồng chí được giao nhiệm vụ, được đấu thầu, trúng thầu công khai phải làm đúng chất lượng, không được làm dối, làm ẩu, ảnh hưởng đến chất lượng công trình, để lại tai tiếng”. Phải bảo đảm an toàn lao động, an ninh trật tự. Công trình cao tốc Bắc-Nam phải là công trình mẫu mực.

Thủ tướng mong muốn, sau khi thi công công trình thì uy tín của các đơn vị thi công được nâng lên, khẳng định tên tuổi trên thị trường.

Phải nêu cao vai trò của các cơ quan tư vấn, giám sát thiết kế, phải làm đúng vai trò, trách nhiệm. Phải biết rút kinh nghiệm từ cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi trong thời gian qua.

Thủ tướng đánh giá cao nhận thức của các tỉnh, “sau khi có cao tốc thì phải làm gì để phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống nhân dân ở địa phương”, phải tính toán việc kết nối các khu công nghiệp, khu kinh tế từ cao tốc này, chứ không phải làm xong mà không phát huy tác dụng.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương tạo điều kiện cho các đơn vị thi công và chú ý chất lượng, tiến độ dự án.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình dự lễ khởi công dự án Phan Thiết - Dầu Giây

Tại tỉnh Đồng Nai, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình dự lễ khởi công dự án Phan Thiết - Dầu Giây.

Phát biểu tại lễ khởi công, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết trước nhu cầu phát triển của đất nước, Đảng, Nhà nước đã quyết định đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam, theo đó, trong giai đoạn 2017-2020 lựa chọn các đoạn ưu tiên làm trước với 654 km, nhằm cơ bản hoàn thành vào năm 2021.

Ngay khi được Quốc hội thông qua chủ trương chuyển đổi từ đầu tư theo hình thức đối tác công-tư sử dụng một phần vốn ngân sách Nhà nước sang đầu tư công đối với 3 dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Mai Sơn - Quốc lộ 45, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải gấp rút chuẩn bị các công việc để các dự án đủ điều kiện khởi công xây dựng.

Theo Phó Thủ tướng, khi hoàn thành, tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam sẽ kết nối các thành phố lớn, các vùng kinh tế trọng điểm với các cảng biển, cảng hàng không, khu công nghiệp. Vì vậy tuyến đường có ý nghĩa kinh tế xã hội, chính trị to lớn đối với đất nước nói chung, đối với các địa phương có tuyến đường đi qua nói riêng.

Đối với hai tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận, việc triển khai dự án sẽ kết nối, phát huy hiệu quả các đoạn đường bộ cao tốc đã và đang được đầu tư. Dự án rút ngắn hành trình từ Thành phố Hồ Chí Minh đến các trung tâm kinh tế, du lịch, mở ra cơ hội đầu tư vào khu vực Nam Trung Bộ; khắc phục tình trạng ách tắc giao thông và giảm tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra trong khu vực, giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hoá giữa khu vực đầu mối trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía nam với khu vực Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ cũng như từ Bắc vào Nam. Qua đó, tạo điều kiện thúc đẩy nhanh sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp, du lịch dọc tuyến, các khu du lịch sinh thái dọc biển của Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hoà.

Với vai trò như vậy, Phó Thủ tướng cho rằng tuyến cao tốc Phan Thiết-Đồng Nai hoàn thành sẽ là cú hích cho các tỉnh và khu vực dự án đi qua mà trực tiếp là tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư và góp phần khai thác hết các tiềm năng, thế mạnh của các địa phương.

Với ý nghĩa kinh tế-xã hội lớn lao đó cùng với không khí cả nước đang ra sức thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành liên quan bám sát thực địa, chỉ đạo quyết liệt và có biện pháp hiệu quả đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công dự án; hoàn thành công trình với chất lượng cao, sớm đưa dự án vào khai thác sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý chủ đầu tư, các nhà thầu, cơ quan liên quan thực hiện đúng quy định của Nhà nước về đầu tư xây dựng và bảo đảm tiến độ, chất lượng, bảo đảm an toàn trong quá trình thi công dự án, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát và vi phạm pháp luật. Chính quyền và nhân dân hai tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận chia sẻ, ủng hộ dự án, sớm bàn giao mặt bằng để dự án thi công đảm bảo tiến độ.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự lễ khởi công dự án Vĩnh Hảo-Phan Thiết

Tại tỉnh Bình Thuận, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự lễ khởi công dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết.

Phát biểu tại lễ khởi công, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, nhận thức rõ tầm quan trọng đặc biệt của hệ thống cao tốc Bắc-Nam, trong bối cảnh vận tải hàng không, hàng hải, đường thuỷ, đường sắt còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu…, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã khẳng định quyết tâm phải đầu tư toàn tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau.

Trước mắt, giai đoạn 2017-2020, lựa chọn đầu tư trước một số đoạn, tuyến cấp bách, có lưu lượng giao thông lớn, tác động mạnh đến phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương ven tuyến và cả khu vực.

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị để sớm khởi công 5 dự án còn lại đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP), từ đó phát huy hiệu quả của tất cả các đoạn, tuyến được ưu tiên đầu tư.

Đồng thời, khẩn trương rà soát các quy hoạch phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là hệ thống đường cao tốc để điều chỉnh, bổ sung, cập nhật kịp thời.

Trên cơ sở đó, tiếp tục ưu tiên cao nhất để hoàn thành toàn bộ tuyến cao tốc trên hành lang Bắc-Nam, từ Lạng Sơn đến Cà Mau, đồng thời xây dựng các đoạn, tuyến kết nối để phát huy tối đa hiệu quả các đoạn đã đầu tư.

“Mục tiêu đặt ra là đến năm 2030 phải hoàn thành khoảng 5.000 km đường cao tốc. Do đó, trong giai đoạn 2021-2025 phải hoàn thành khoảng 1.300-1.500 km”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Để đạt được mục tiêu này, cần nguồn lực rất lớn. Do đó, Bộ GTVT cần phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&ĐT để cân đối đưa vào kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, cần rút kinh nghiệm từ quá trình chuẩn bị đầu tư thời gian qua để chủ động thực hiện công tác chuẩn bị, huy động nguồn lực nhằm hoàn thành các mục tiêu đề ra.  

“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ luôn ủng hộ, tạo điều kiện để đạt mục tiêu phát triển hệ thống đường cao tốc, tạo tiền đề cho quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ GTVT, Ban Quản lý dự án 7 cùng các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công và UBND tỉnh Bình Thuận phối hợp chặt chẽ, bảo đảm kịp thời tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi công, đảm bảo công trình hoàn thành trong thời gian nhanh nhất, đạt chất lượng tốt nhất.

Trước hết, yêu cầu  Bộ GTVT, Ban Quản lý dự án 7 (chủ đầu tư giai đoạn chuẩn bị dự án) cùng các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công tập trung huy động tối đa nhân lực, thiết bị, công nghệ, vốn để thực hiện dự án bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, an toàn, hiệu quả, bảo đảm vệ sinh môi trường trong quá trình thi công.

“Bộ GTVT cùng với UBND tỉnh Bình Thuận phải tăng cường công tác quản lý, giám sát, chống thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư xây dựng”, Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đề nghị các cấp chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Thuận phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT, các đơn vị tư vấn, nhà thầu trong quá trình thực hiện dự án. Đặc biệt, cần tiếp tục thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân, bảo đảm các yêu cầu về an ninh trật tự, bảo đảm ổn định cuộc sống người dân.

Trong đó, cần tạo thuận lợi trong việc quy hoạch, quản lý các điểm mỏ đất, đá, vật liệu xây dựng, bãi thải… phục vụ quá trình thi công dự án; triển khai các công trình phụ trợ, kết nối, bảo đảm phát huy tối đa hiệu quả của công trình sau khi hoàn thành.

“Tôi mong nhân dân các địa phương nơi có dự án đi qua tiếp tục đồng thuận và hỗ trợ cho dự án được thực hiện một cách thuận lợi nhất. Đề nghị các nhà thầu, đơn vị thi công quan tâm hỗ trợ người dân khu vực dự án”, Phó Thủ tướng phát biểu.

VPCP