Thủ tướng dự Hội nghị tổng kết 24 năm thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự
Sáng 14/3, tại trụ sở Bộ Quốc phòng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị tổng kết 24 năm thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Hội nghị có sự tham gia của hơn 4.500 đại biểu tại 139 điểm cầu truyền hình trực tuyến trong toàn quân.
Theo báo cáo do Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trình bày, Pháp lệnh được ban hành vào năm 1994 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức điều hành, quản lý nhà nước về nhiệm vụ bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh; tạo thế và lực vững chắc trong xây dựng khu vực phòng thủ. Tuy nhiên, sau 24 năm tổ chức thực hiện, nhiều nội dung trong Pháp lệnh đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, không phù hợp với nội dung một số luật mới được ban hành.
Tại Hội nghị, các đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã thảo luận về hạn chế, bất cập, chồng chéo, làm rõ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo có liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Các ý kiến đều cho rằng cần nâng cấp Pháp lệnh thành Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tạo cơ sở pháp lý vững chắc, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Sau khi lắng nghe các ý kiến, kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc kết hợp hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, không coi nhẹ việc nào; bảo vệ Tổ quốc phải từ sớm, từ xa, từ lúc nước chưa nguy. Quan điểm phát triển kinh tế gắn liền với quốc phòng, an ninh rất quan trọng, để kinh tế-xã hội phát triển đồng thời tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường.
Thủ tướng nhìn nhận, Bộ Quốc phòng, hệ thống cơ quan quân sự đã thực hiện tốt nhiệm vụ giúp Chính phủ, chính quyền các cấp thống nhất quản lý nhà nước trong công tác xây dựng, quản lý, bảo vệ hệ thống công trình quốc phòng và khu quân sự. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với các công trình quốc phòng và khu quân sự. Hướng dẫn kịp thời về xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ gắn với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương; đã tham mưu, đưa ra các chủ trương, biện pháp huy động tiềm lực của các địa phương để xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân.
Các bộ, ngành, địa phương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ hệ thống công trình quốc phòng và khu quân sự thuộc ngành, lĩnh vực, địa bàn phụ trách.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương với Bộ Quốc phòng, các đơn vị quân đội trong xây dựng và xét duyệt các quy hoạch, cấp phép xây dựng, sử dụng đất đai ở một số dự án, công trình phát triển kinh tế-xã hội liên quan đến quốc phòng, khu quân sự còn chưa chặt chẽ. Một số bộ, ngành, địa phương chưa phát huy hết trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện Pháp lệnh theo thẩm quyền, chức trách, nhiệm vụ được giao.
Thủ tướng nêu rõ chúng ta cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân thực hiện tốt Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển, đưa đất nước vươn lên tiến bước cùng thời đại. Do đó, cần xác định phát triển kinh tế-xã hội song hành với tăng cường quốc phòng, an ninh, nhất là trên các địa bàn chiến lược, trọng điểm là một trong những nhiệm vụ quan trọng.
Cùng với đó là nâng cao chất lượng xây dựng các khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững chắc, toàn diện. Chủ động bổ sung, hoàn thiện các đề án, phương án tác chiến, phương án bảo đảm mọi mặt cho khu vực phòng thủ. Chủ động đối phó với mọi tình huống xảy ra, đồng thời, cần tập trung nguồn lực để xây dựng hoàn chỉnh hệ thống công trình quốc phòng và khu quân sự nói chung và hệ thống công trình phòng thủ nói riêng theo phương án tác chiến.
Bộ Quốc phòng, các cấp, các ngành, đặc biệt là các địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự gắn với quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, nhất là các địa bàn có công trình quốc phòng và khu quân sự quan trọng.
Nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các vụ việc phức tạp, các vi phạm pháp luật liên quan đến công trình quốc phòng và khu quân sự. Không để các thế lực thù địch, chống đối lợi dụng xuyên tạc, kích động, lôi kéo người dân tranh chấp, khiếu kiện, phát sinh “điểm nóng” về an ninh, trật tự tại khu quốc phòng, an ninh, công trình quân sự.
“Phải tiếp dân, đối thoại với nhân dân, xử lý đến nơi đến chốn, không để tình hình phức tạp xảy ra", Thủ tướng quán triệt tinh thần này với lãnh đạo các tỉnh, thành phố tham dự Hội nghị. Do đó, cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tinh thần tự giác của cán bộ, nhân dân, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm công trình quốc phòng, khu quân sự; xử lý nghiêm các vi phạm.
Thủ tướng yêu cầu tập trung đầu tư xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ địa phương, trọng tâm là xây dựng các công trình chiến đấu, như khu vực phòng thủ then chốt, căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần, kỹ thuật và sở chỉ huy các cấp. Tăng cường đầu tư xây dựng các công trình lưỡng dụng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và nhiệm vụ quốc phòng khi cần thiết, nhất là trong các khu đô thị, tuyến biên giới, tuyến ven biển, các đảo gần bờ. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần phải kết hợp kinh tế với quốc phòng.
Trong quá trình xây dựng phải tận dụng tốt hệ thống cơ sở hạ tầng của địa phương, kết hợp với hệ thống công trình mới theo phương án tác chiến, tạo thành thế trận liên hoàn, vững chắc, đáp ứng yêu cầu tác chiến, phòng thủ bảo vệ Tổ quốc.
Bộ Quốc phòng tập trung chủ trì rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hệ thống công trình quốc phòng và khu quân sự, Thủ tướng nhất trí đề xuất cần có chủ trương xây dựng luật để thay thế Pháp lệnh hiện nay.
Phải chủ động rà soát việc quy hoạch bố trí công trình quốc phòng và khu quân sự, khắc phục những bất cập, sơ hở trong quản lý và sử dụng đất quốc phòng. Phối hợp với chính quyền cơ sở giải quyết dứt điểm các vụ việc tranh chấp, vi phạm liên quan đất quốc phòng.
Phát hiện và xử lý nghiêm những sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng, bảo đảm minh bạch, không có vùng cấm và theo đúng quy định của pháp luật, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, Quân đội.
Các quân khu, quân chủng, binh đoàn, Bộ chỉ huy quân sự các cấp phải phát huy tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Phải chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc triển khai các dự án phát triển kinh tế-xã hội với tinh thần là không để phá vỡ thế trận quân sự liên hoàn, vững chắc của khu vực phòng thủ. Không vì kinh tế mà coi nhẹ nhiệm vụ quốc phòng và ngược lại, không nên nói rằng chỉ có quốc phòng mà không làm kinh tế.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng trong việc tổng kết, đánh giá tình hình; tập trung nghiên cứu, báo cáo, đề xuất về huy động các nguồn lực, trong đó có việc bố trí phù hợp nguồn vốn đầu tư công và chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước các cấp phục vụ cho công tác xây dựng, quản lý, bảo vệ hệ thống công trình phòng thủ.
VPCP