Thủ tướng dự Hội nghị Cấp cao Đông Á

Ngày 22/11/2015, tại Kuala Lumpur, Malaysia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 10 với sự tham gia của lãnh đạo 10 nước ASEAN và lãnh đạo các nước Đối tác gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Ấn Độ, Australia và New Zealand. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc được mời phát biểu với tư cách khách mời của Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN 27.
Trao đổi tại Hội nghị, các nhà Lãnh đạo tiếp tục khẳng định tính chất của EAS là diễn đàn của các Lãnh đạo để đối thoại chiến lược về các vấn đề chính trị, an ninh, kinh tế cùng quan tâm nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở Đông Á; tái khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong tiến trình EAS và cam kết của ASEAN phối hợp chặt chẽ với các nước tham gia EAS để bảo đảm EAS sẽ là cấu thành quan trọng của cấu trúc khu vực; tăng cường EAS thông qua một số biện pháp, nhất là cơ chế triển khai các quyết định của Lãnh đạo Cấp cao.
Nhân dịp 10 năm thành lập, các Lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố Kỷ niệm 10 năm EAS, đồng thời cam kết thúc đẩy hợp tác trong 6 lĩnh vực ưu tiên là năng lượng, giáo dục, tài chính, y tế toàn cầu, môi trường và quản lý thiên tai, và Kết nối ASEAN. Theo đó, Hội nghị hoan nghênh việc kiểm điểm Kế hoạch Hành động về Hợp tác Giáo dục EAS giai đoạn 2011-2015 để chuẩn bị cho việc xây dựng kế hoạch mới; thông qua Lộ trình loại trừ bệnh sốt rét của Liên minh các nhà Lãnh đạo châu Á-Thái Bình Dương, thông qua các Tuyên bố EAS về tăng cường hợp tác hàng hải khu vực ở châu Á-Thái Bình Dương, phong trào ôn hòa toàn cầu, tăng cường an ninh y tế khu vực liên quan đến bệnh truyền nhiễm có khả năng bùng phát thành dịch, các vấn đề an ninh về sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông, đấu tranh chống chủ nghĩa cực đoan bạo lực.
Các Lãnh đạo cũng đã trao đổi ý kiến về tình hình khu vực và quốc tế, nhất là những vấn đề ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh khu vực nổi bật hiện nay như chống khủng bố, an ninh biển, biến đổi khí hậu... Về vấn đề Biển Đông, nhiều nước chia sẻ quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây và đang diễn ra ở Biển Đông, bao gồm việc bồi đắp các đảo/đá, làm xói mòn lòng tin và đe dọa hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông. Các nước nhấn mạnh lợi ích chung và tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; bảo đảm thực hiện hiệu quả và đầy đủ Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), xây dựng và thúc đẩy lòng tin, tự kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, cam kết không theo đuổi quân sự hóa các cấu trúc ở Biển Đông; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển năm 1982 (UNCLOS); hoan nghênh cam kết giữa ASEAN và Trung Quốc chuyển sang giai đoạn mới về tham vấn xây dựng COC và phấn đấu sớm đạt COC.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ các đánh giá về những tiến triển tích cực trong quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, đánh giá cao và đề nghị các nước đối tác tiếp tục ủng hộ ASEAN xây dựng Cộng đồng và đóng vai trò trung tâm ở khu vực, góp phần tăng cường lòng tin và sự tin cậy vì hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Về các phương hướng tăng cường quan hệ giữa ASEAN với các đối tác trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị tập trung vào những lĩnh vực cùng quan tâm như giáo dục, thu hẹp khoảng cách phát triển, nông nghiệp, kết nối, hợp tác tiểu vùng, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống.
Về tình hình quốc tế và khu vực, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề cập và nhấn mạnh việc duy trì môi trường hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
“Hòa bình và an ninh ở Châu Á - Thái Bình Dương và Đông Nam Á luôn gắn với bảo đảm hòa bình và ổn định trên biển, nhất là ở Biển Đông. Chúng ta đã chứng kiến nhiều nỗ lực và những kết quả nhất định trong việc thúc đẩy an ninh và hợp tác ở Biển Đông. Tuy nhiên, những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông, nhất là các hoạt động bồi đắp và xây dựng quy mô lớn các đảo/đá, đã gây quan ngại sâu sắc cho cộng đồng quốc tế, làm gia tăng căng thẳng, xói mòn lòng tin, tạo ra những hệ lụy nghiêm trọng và lâu dài, trong đó có nguy cơ quân sự hóa và xảy ra xung đột, ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh khu vực.
Thực tế đặt ra yêu cầu khách quan là tăng cường hợp tác về các vấn đề trên biển vì mục tiêu kinh tế và phát triển, đồng thời cần sớm xử lý tình hình phức tạp để duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích và trách nhiệm chung của tất cả các nước trong và ngoài khu vực. Do vậy, chúng tôi hoan nghênh và trông đợi sự tham gia tích cực và đóng góp xây dựng của các nước để đạt được mục tiêu này.
Việt Nam luôn chủ trương làm hết sức mình cùng các nước đưa Biển Đông thành khu vực hòa bình, ổn định và hợp tác vì phát triển; giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tự kiềm chế, không làm gì gây phức tạp và căng thẳng thêm tình hình. Trên tinh thần đó, chúng tôi ủng hộ việc đẩy mạnh thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin, giảm căng thẳng và ngăn ngừa xung đột. Đặc biệt chúng tôi đề nghị các nước chúng ta chân thành, thiện chí cùng nhau cam kết không theo đuổi, không có hành động quân sự hóa ở Biển Đông. Chúng tôi đề nghị các bên thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố của các bên về ứng xử ở Biển Đông (DOC) và sớm thông qua Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)." - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị.
PV