Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Phải có câu trả lời để phát triển thị trường lao động
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính Hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập”.
Phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập” ngày 20-8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, hội nghị có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh cả nước đang hết sức nỗ lực khắc phục những ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, đặc biệt là đối với thị trường lao động và thúc đẩy phục hồi kinh tế sau dịch; đồng thời góp phần hoàn thiện thể chế nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, việc làm là một trong những nhu cầu cơ bản của con người để có thể đảm bảo cuộc sống và sự phát triển toàn diện. Lao động - việc làm là vấn đề quan trọng, là một trong các cân đối lớn của nền kinh tế. Những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều chủ trương, chính sách tạo hành lang pháp lý phát triển thị trường lao động. Đến nay, về cơ bản, thị trường lao động đã được hình thành và từng bước vận hành theo cơ chế thị trường trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Mặc dù vậy, theo Thủ tướng, thị trường lao động chưa theo kịp được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, chưa thích ứng đầy đủ được với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế. Thể chế phát triển thị trường lao động còn bất cập; chưa có cơ chế, chính sách đầy đủ về giao dịch việc làm, quản lý chất lượng thị trường, các quy định về tiêu chuẩn lao động và quan hệ lao động. Cân đối cung - cầu lao động chưa thật hiệu quả dẫn tới chưa tiệm cận được năng suất tiềm năng.
Hệ thống thông tin thị trường chưa thực sự hoàn chỉnh. Kết nối thị trường lao động trong nước và quốc tế còn yếu. Giáo dục - đào tạo chưa đáp ứng đầy đủ được yêu cầu nhu cầu phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo nhân lực chất lượng cao, ngành nghề mới, kỹ năng nghề tương lai phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hội nhập quốc tế. Việc gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, huy động nguồn lực đầu tư còn hạn chế.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ trăn trở: Vì sao một lực lượng lớn lao động chất lượng cao được đào tạo ở nước ngoài không muốn quay về nước làm việc? Vì sao thời gian gần đây có một số lao động thuộc khu vực Nhà nước có xu hướng chuyển dịch ra khu vực tư nhân? Vì sao lực lượng lao động xuất khẩu của nước ta thu nhập bình quân thường thấp hơn các nước trong khu vực, cạnh tranh quốc tế còn thấp? Vì sao người dân một số địa phương phải xa gia đình, con nhỏ, bố mẹ già, thậm chí bỏ đất đai, ruộng vườn để đi làm thuê nơi khác? Vì sao đời sống của một bộ phận công nhân ở các khu công nghiệp, thành phố lớn còn khó khăn, nhất là về vấn đề nhà ở? Vì sao vẫn còn những hiện tượng đình công ở một số khu công nghiệp? Vì sao chúng ta cần Chiến lược phát triển thị trường lao động khi thời điểm dân số vàng đi qua?... “Đây là những câu hỏi chúng ta phải có câu trả lời”, Thủ tướng chỉ rõ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, trong giai đoạn phát triển mới, có cả những thời cơ, vận hội đan xen khó khăn, thách thức nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Chính phủ xác định ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; điều hành hài hòa, hợp lý, hiệu quả, hỗ trợ lẫn nhau giữa các chính sách tiền tệ - tài khóa.
Hiện nay, cả nước đang triển khai Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội (với quy mô 340 nghìn tỷ đồng - khoảng 4% GDP), tập trung vào y tế, an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp và đầu tư cơ sở hạ tầng; cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn, minh bạch. Chính những điều đó góp phần thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm để giảm tỷ lệ thất nghiệp, thúc đẩy thị trường lao động phát triển.
Đồng ý với các ý kiến thảo luận tại hội nghị, trên cơ sở phân tích các thành tựu, bài học kinh nghiệm, nguyên nhân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh một số giải pháp cụ thể về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển thị trường lao động thời gian tới.
Theo đó, Thủ tướng đề nghị phải nâng cao nhận thức về thị trường lao động có tính quy luật cung - cầu và cạnh tranh; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật đồng bộ, thống nhất để thị trường lao động phát triển theo hướng linh hoạt, hiện đại, đầy đủ, bền vững, hội nhập quốc tế, nhằm giải phóng triệt để sức sản xuất, tập trung phát triển lao động có kỹ năng, thúc đẩy tạo việc làm bền vững, có thu nhập cao; tiếp tục nội luật hóa và quy định cụ thể các tiêu chuẩn lao động phù hợp với điều kiện của Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế mà Việt Nam cam kết và phê chuẩn.
“Cần phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp dịch vụ việc làm, hệ thống giáo dục nghề nghiệp và lưới an sinh xã hội...”, Thủ tướng chỉ rõ.
Thủ tướng Chính phủ cho rằng, cần tập trung xây dựng hệ thống quản trị thị trường lao động hiện đại, minh bạch để mỗi người lao động từ khi tham gia đến khi rời thị trường lao động được quản trị minh bạch, thống nhất, tạo điều kiện tham gia các hoạt động giao dịch việc làm, tiếp cận thông tin về thị trường lao động việc làm; để doanh nghiệp dễ tiếp cận cung lao động, nâng cao chất lượng lao động, cơ sở đào tạo có chiến lược, kế hoạch đào tạo, cung ứng kịp thời, sát với nhu cầu thực tiễn. Bên cạnh đó, đẩy mạnh đầu tư số hóa quản trị lao động việc làm kết nối với số hóa quản lý dân cư.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu chú trọng đầu tư cả về cơ chế chính sách, nguồn lực để xây dựng hệ thống thông tin và dự báo thị trường lao động đa tầng từ địa phương cấp tỉnh, cấp vùng tới toàn quốc, đa lĩnh vực theo ngành nghề, có các cấp trình độ khác nhau. Hệ thống thông tin và dự báo hướng tới đối tượng người sử dụng là các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, doanh nghiệp và nhất là người lao động.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo, đẩy mạnh xây dựng chính sách việc làm trên nguyên tắc có tính dự báo, tầm nhìn chiến lược, chủ động, phù hợp với cơ chế thị trường, đa dạng hóa các nguồn tín dụng để thúc đẩy việc tạo việc làm mới, việc làm sáng tạo, chất lượng cao, việc làm bền vững, việc làm xanh, việc làm phục vụ chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, cho đối tượng yếu thế, vùng sâu, vùng xa.
“Chính phủ đã tổ chức hội nghị về nhà ở xã hội với mục tiêu xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp đến năm 2030”, Thủ tướng cho biết.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg và Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông để đẩy mạnh phân luồng và bảo đảm quyền lợi của học sinh vừa được học nghề, vừa được học văn hóa ngay tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhất là đối với con em công nhân, người lao động.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ rõ, phải tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong kết nối giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; xây dựng chính sách ưu đãi cho học tập, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, đánh giá công nhận trình độ kỹ năng cho người lao động. Đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại, đào tạo bổ sung, đào tạo tại doanh nghiệp để thu hút hiệu quả lao động tại chỗ nhằm giải quyết triệt để vấn đề thiếu hụt nhân lực cục bộ, vấn đề đứt gãy lao động phục vụ phục hồi kinh tế nhanh và bền vững.
Nhân hội nghị này, Thủ tướng gửi lời cảm ơn và mong muốn các cơ quan, tổ chức quốc tế tiếp tục hỗ trợ về tài chính, nâng cao năng lực, chia sẻ kinh nghiệm phát triển, quản lý thị trường lao động và nguồn nhân lực của Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành, với các địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp và tổ chức tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc các ý kiến của các đại biểu dự hội nghị; nghiên cứu, tham mưu, sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản về tập trung nguồn lực phát triển thị trường lao động và nâng cao chất lượng nhân lực nhằm phục hồi nhanh kinh tế xã hội, thu hút đầu tư nước ngoài, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
“Đây sẽ là bước quan trọng khởi đầu cho sự phát triển của thị trường lao động trong thời gian tới theo hướng linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập”, Thủ tướng bày tỏ hy vọng.
HUY LÊ