Thủ tướng: Báo chí phải phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, báo chí nước ta phải phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội, không để dòng phụ thành chính trên mặt báo, không được để xói mòn niềm tin xã hội; đồng thời cho biết, Chính phủ sẽ tạo cơ chế mới cho báo chí phát triển.
Chiều 19/6, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam. Cùng dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo các bộ, ngành và tổng biên tập một số tờ báo.
Gửi lời thăm hỏi ân cần đến đội ngũ những người làm báo nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Thủ tướng nhìn nhận, báo chí đã đồng hành cùng đất nước, bám sát định hướng của Đảng trong tuyên truyền, tích cực đưa tin, phản ánh phong phú mọi mặt của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Các nhà báo là những người đi đầu trên mặt trận phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, Thủ tướng nói. Báo chí đã góp phần tích cực vào thắng lợi của năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019 của đất nước.
Thủ tướng cũng chia sẻ với những khó khăn của báo chí mà nhiều đại biểu nêu ra tại cuộc làm việc. Đa số các báo phải tự chủ, bươn chải trên thị trường, đời sống còn khó khăn. Với sự cạnh tranh của mạng xã hội, thị phần quảng cáo trên báo chí giảm. Trong xã hội, trong nhân dân, nhiều người chưa phân biệt được mạng xã hội và báo chí, đều coi tin trên mạng xã hội cũng là tin báo chí, kể cả tin giả. Chính sách tài chính đối với báo chí còn nhiều bất cập, cần được tiếp tục xem xét hoàn thiện để báo chí đóng góp nhiều hơn vào sự nghiệp cách mạng của đất nước.
Không ít cơ quan báo chí chưa phát huy được lợi thế của mình trong việc định hướng, dẫn dắt thông tin, có trường hợp để mạng xã hội chi phối hay chạy theo thông tin mạng xã hội, không kiểm chứng, dẫn đến sai phạm đáng tiếc. Có tình trạng “hai mặt” trong một số người làm báo, cùng một vấn đề khi viết trên báo chí chính thống thì thể hiện nội dung đúng định hướng nhưng khi viết trên mạng xã hội thì ngược lại. Còn xảy ra tiêu cực trong hoạt động báo chí.
Thủ tướng nhấn mạnh lại giá trị ban đầu của báo chí cách mạng. Báo chí muốn đi tiếp thì phải quay về 94 năm trước đây khi báo chí cách mạng ra đời, để tìm lại những giá trị cốt lõi của mình. Đó là tính cách mạng và tính tiên phong. Thủ tướng đề nghị báo chí phải đi đầu trong những vấn đề lớn, vấn đề mới của đất nước và của Đảng ta, đi đầu trong bảo vệ những nền tảng giá trị của chế độ ta. Thông tin hiện nay nếu đi sau thì không còn giá trị nên độ nhanh nhạy, kịp thời, chính xác là một yêu cầu cùng với giá trị ban đầu của báo chí cách mạng Việt Nam.
Với tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị, trước hết, báo chí cách mạng nước ta phải thể hiện dòng chảy chính của xã hội nước ta. “Dòng chảy chính đó là gì?”. Thủ tướng nêu rõ, đó là xây dựng và bảo vệ chế độ XHCN, xây dựng đất nước dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, xây dựng một nền kinh tế tự chủ, giữ gìn văn hóa dân tộc…
Dòng chảy chính ấy là xã hội chúng ta tốt đẹp, công cuộc Đổi mới của đất nước đang làm Việt Nam thay đổi từng ngày, là thành quả 30 năm Đổi mới, tốc độ tăng trưởng ở mức cao, đời sống nhân dân được cải thiện. Đó là một nước Việt Nam từ nghèo nàn, thiếu đói, chậm phát triển trở thành một nước có thu nhập trung bình, vị thế quốc tế không ngừng nâng cao.
Báo chí nước ta phải phản ánh trung thực dòng chảy chính đó, không để dòng phụ của xã hội thành chính trên mặt báo, Thủ tướng nhấn mạnh. Thành quả cách mạng của dân tộc ta, của đất nước ta, của Đảng ta là rất lớn lao và chúng ta phải khẳng định dòng chảy chính ấy, báo chí phải phản ánh cho rõ nét để nhân dân ta hiểu, đảng viên, cán bộ hiểu và tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng ta.
“Mất niềm tin là mất tất cả; chúng ta muốn khẳng định niềm tin vào đường lối của Đảng ta trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, nhất là trong sự nghiệp Đổi mới”, Thủ tướng nói.
Chính vì lẽ đó, báo chí và truyền thông nói chung phải tạo đồng thuận và tạo niềm tin mãnh liệt hơn của xã hội vào sự nghiệp cách mạng của Đảng. Cho nên dù viết gì, dù khen hay chê, dù đưa tin tốt hay xấu thì đều phải vì lợi ích cộng đồng, lợi ích của đất nước, lợi ích của đại cục, không được để xói mòn niềm tin xã hội. Những gương người tốt, việc tốt, doanh nghiệp tốt, phong trào cách mạng tốt, tập thể tốt phải được phản ánh nhiều hơn trên tất cả các loại hình báo chí, từ báo nói, báo hình, báo viết, báo điện tử.
Nêu rõ khát vọng thịnh vượng, hùng cường của dân tộc, Thủ tướng đề nghị báo chí phải góp phần tạo nên và nuôi dưỡng khát vọng đó. Báo chí nước ta phải vượt qua thách thức mới để góp phần đưa dân tộc ta, đất nước ta tới bến bờ thịnh vượng, phát triển, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.
“Chính vì vậy, tôi đề nghị hơn lúc nào hết, báo chí phải thể hiện những giá trị cốt lõi của mình là cung cấp tin có kiểm chứng, đấu tranh chống lại tin xuyên tạc, tin giả, tin xấu, độc... là sứ mạng của báo chí. Cuộc đấu tranh này sẽ khẳng định vai trò báo chí trong giai đoạn mới”, Thủ tướng nói. Báo chí nên phân tích nhiều hơn, có nhiều hơn những phóng sự điều tra, những bài viết xã luận sắc sảo, tinh gọn, trực tiếp. Phải đưa những đề xuất cho đất nước phát triển. Chỉ ra cái xấu, cái tồn tại, đấu tranh với nó và phải luôn tiên phong trong cuộc đấu tranh này.
Báo chí phải áp dụng công nghệ nhiều hơn, thậm chí đi đầu trong áp dụng công nghệ mới vì chính công nghệ sẽ giúp báo chí giải quyết được các vấn đề của mình, cả vấn đề cũ và vấn đề mới, nhất là vấn đề cạnh tranh thông tin.
Theo Thủ tướng, năm 2019, Chính phủ sẽ tuyên bố chuyển đổi số quốc gia, trong đó có chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí.
Nhiệm vụ trọng tâm lúc này của Hội Nhà báo Việt Nam, các tờ báo là thực hiện quy hoạch báo chí. Quy hoạch sẽ giúp báo chí phát triển bền vững. Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung triển khai quy hoạch, đồng thời Bộ và Hội Nhà báo phối hợp giải quyết tốt các vấn đề phát sinh khi thực hiện quy hoạch.
Trả lời các kiến nghị cụ thể của Hội Nhà báo, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ sẽ tạo cơ chế mới cho báo chí phát triển. Tự chủ báo chí phải được hiểu theo nghĩa là cái nào tự chủ được thì phải tự chủ hơn, cái nào cần đặt hàng, cần bàn tay hỗ trợ của Nhà nước thì Nhà nước quan tâm hơn. “Nhà nước cùng lo với các đồng chí”. Chính phủ sẽ quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo báo chí, sẽ tạo điều kiện hình thành một số cơ quan báo chí có quy mô lớn, làm đầu tàu cho báo chí Việt Nam. Về công nghệ cho báo chí, Chính phủ cũng sẽ hỗ trợ.
Theo Hội Nhà báo Việt Nam, Hội hiện có trên 24.000 hội viên là các nhà báo đang công tác tại các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, các cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương, sinh hoạt tại 63 Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố, 19 Liên chi hội và hơn 200 Chi hội trực thuộc Trung ương Hội.
Đức Tuân