Sinh thời, Bác Hồ rất quan tâm chăm sóc các cháu thiếu niên nhi đồng. Nhân Tết Trung thu độc lập đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa XHCN Việt Nam) tháng 9-1945, chỉ trong vòng một tuần lễ, Bác Hồ đã hai lần viết thư gửi thiếu niên, nhi đồng cả nước.

Ngày 17-9-1945, Bác viết thư đăng Báo Cứu quốc số 45: “Các em vui cười hớn hở, Già Hồ cũng vui cười hớn hở với các em. Đố các em biết vì sao? Một là vì Già Hồ rất yêu quý các em. Hai là Trung thu năm ngoái, nước ta còn bị áp bức, các em còn là bầy nô lệ trẻ em. Trung thu năm nay, nước ta đã được tự do và các em đã thành người tiểu quốc dân của đất nước độc lập”.

Trung thu đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, tuy đất nước còn nghèo nhưng qua thư của Bác có thể thấy rõ niềm vui thắng lợi, đất nước sống trong độc lập, tự do.

Trong niềm vui chiến thắng của cả nước, Bác đã gửi tới các em tình yêu thương vô bờ của mình. Bác không quên giáo dục các em những lời nhẹ nhàng, thắm thiết. Điều đó, thể hiện qua bức thư ngày 22-9-1945, đăng trên Báo Cứu quốc số 49: “Các em phải ngoan, ở nhà phải nghe lời bố mẹ, đi học phải siêng năng, đối với bầu bạn phải yêu kính. Các em phải thương yêu nước ta. Mong các em mai sau lớn lên thành những người dân xứng đáng với nước độc lập, tự do…”.

Thư Trung thu đầu tiên kháng chiến chống Pháp xâm lược (1947), Bác Hồ đã bày tỏ sự cảm thông với các cháu: “… Thấy các cháu không được ăn Tết, lòng Bác rất áy náy và thêm căm giận bọn thực dân phản động Pháp. Chắc các cháu cũng như vậy nhỉ?...” và Bác hứa với các cháu: “Các bác, các chú, toàn cả dân tộc sẽ ra sức đấu tranh để sớm đuổi bọn thực dân phản động, để trường kỳ kháng chiến sớm thắng lợi, thống nhất độc lập sớm thành công, để các cháu được ăn Tết Trung thu vui vẻ…”.

Thư Trung thu năm 1954 là năm hòa bình đầu tiên sau chín năm kháng chiến anh dũng của nhân dân ta. Bác Hồ đã đánh giá cao những thành tích của thiếu niên nhi đồng: “… Trong cuộc kháng chiến cứu quốc, các cháu cũng có đóng góp một phần. Nhân dịp này, Bác gửi lời thân ái khen ngợi các cháu…”

Ngoài những thư Trung thu độc lập đầu tiên, kháng chiến chống Pháp đầu tiên (1947), hòa bình đầu tiên trên miền Bắc (1954), năm nào Bác Hồ cũng viết thư thể hiện lòng yêu thương các cháu: “Trung thu trăng sáng như gương / Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng…”. Đặc biệt năm 1969, Bác Hồ đã dự đoán được ngày đi xa, nên trước Tết Trung thu năm ấy, Người đã viết bài báo: “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng”. Bác chỉ rõ: “… Thiếu niên nhi đồng là người của tương lai nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân… Các gia đình – tức là ông bà, cha mẹ, anh chị phải làm thật tốt công việc ấy. Các Đảng ủy đường phố và hợp tác xã phải phụ trách chỉ đạo thiết thực và thường xuyên. Ủy ban thiếu niên nhi đồng, đoàn thanh niên, ngành giáo dục và các ngành, các đoàn thể cần phải có kế hoạch cụ thể chăm sóc, giáo dục các cháu ngày càng khỏe mạnh và tiến bộ. Các Tỉnh ủy, Thành ủy cần phải phụ trách đôn đốc việc này có kết quả tốt”.

Những lời dặn thiêng liêng của Người trong Di chúc: “… Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc quan trọng và rất cần thiết… Tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho các cháu thanh thiếu niên và nhi đồng…” chính là bức thư muôn đời của Bác cho các thế hệ thiếu niên, nhi đồng nước ta.

Bác Hồ của chúng ta đã đi xa, nhưng trong trái tim mỗi người vẫn thấy Bác gần gũi yêu thương. Mỗi lần Trung thu về, nhìn vầng trăng vừa tròn vừa sáng như gương, chúng ta càng biết ơn sâu sắc hơn công lao của Người đã mang lại cuộc sống ấm no, tự do hạnh phúc cho nhân dân. Là những mầm non tương lai của Tổ quốc, các em thiếu niên, nhi đồng phải luôn nhớ lời Bác dạy, ra sức học tập, cống hiến cho đất nước ngày một giàu mạnh và tươi đẹp.

Phan Thủy Lợi