Thư ngỏ của các nhà báo kính gửi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (29/03/2013)
- Nội dung bức thư nêu rõ: Công ty TNHH thương binh Hòa Bình là cơ sở sản xuất kinh doanh, được hưởng chế độ ưu đãi theo Nghị định số 81/CP ngày 23-11-1995 của Chính phủ, có 68% người lao động là thương binh và người tàn tật. Hiện nay, Công ty đang làm chủ đầu tư dự án xây dựng “Thành phố Hòa Bình xanh” tại số 505, phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. *
*Thời gian qua, Công ty đã làm nhiều thủ tục với các quy trình tốn kém nhiều thời gian, công sức, nhằm xin cấp giấy phép cho xây dựng dự án. Song, đến nay, đã gần 17 tháng, UBND TP Hà Nội vẫn chưa cấp giấy phép xây dựng cho dự án. Việc chậm trễ này đã làm thất thu ngân sách của Nhà nước và gây thiệt hại, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho dự án của Công ty TNHH thương binh Hòa Bình. *
Với trách nhiệm công dân, các nhà báo kính đề nghị Tổng bí thư xem xét và chỉ đạo giải quyết vụ việc này…
Với trách nhiệm công dân, trách nhiệm nhà báo, vì lợi ích chung xã hội và của thủ đô Hà Nội, chúng tôi viết thư này xin được phản ánh với đồng chí Tổng bí thư về Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, vi phạm các quy định về hành chính, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp trong nước, gây thiệt hại lớn cho Ngân sách Nhà nước. Nhưng đối với các doanh nghiệp nước ngoài thì lại hỗ trợ một cách không bình thường, tạo điều kiện cho các công ty 100% vốn nước ngoài thu lợi nhuận lớn tại Việt Nam rồi chuyển về nước họ. Trong thực tế diễn ra không ít, nhưng chỉ xin nêu 2 trường hợp điển hình mà ai cũng biết:
Đối với doanh nghiệp trong nước, ngày 20-3-2013 mới đây, các phương tiện thông tin đại chúng, đăng tin về Dự án thành phố Hòa Bình xanh, do Công ty TNHH Hòa Bình và Công ty CP Nông sản làm chủ đầu tư tại 505 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, bị UBND phường Minh Khai ra quyết định đình chỉ thi công, vì không có Giấy phép xây dựng. Ngay sau đó, ngày 21-2-2013, trên trang mạng của Công ty TNHH Hòa Bình và một số tờ báo, công khai đăng lại nội dung Công văn số 16/2013/CV-HB của Công ty TNHH Hòa Bình gửi Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông và các cơ quan thông tấn báo chí, nêu rõ lý do việc chậm trễ được cấp Giấy phép xây dựng Dự án thành phố Hòa Bình xanh là do UBND TP Hà Nội kéo dài thời gian cấp phép đầu tư và cấp phép cho Dự án, vi phạm quy định về xử lý thủ tục hành chính. Công văn này khẳng định:
-
Từ ngày 10-2-2011, UBND TP Hà Nội đã có Công văn số 959/UBND – KH&ĐT, chấp thuận đề án thành phố Hòa Bình xanh.
-
Ngày 13-4-2011, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 1720/QĐ/UBND về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch khu đất cho dự án thành phố Hòa Bình xanh.
-
Ngày 21-6-2011, Sở Quy hoạch Kiến trúc có Công văn 2026/QHKT – P2 chấp thuận quy hoạch tổng mặt bằng và phương án kiến trúc sơ bộ của dự án thành phố Hòa Bình xanh.
-
Ngày 27-7-2011, Công ty TNHH Hòa Bình và Công ty Agrexim có Công văn số 115/HB2011, gửi UBND TP Hà Nội đề nghị cấp giấy Chứng nhận đầu tư cho Dự án thành phố Hòa Bình xanh.
Dự án thành phố Hòa Bình xanh được thực hiện trên vị trí đất của Công ty CP Nông sản tại 505 Minh Khai, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội được giao quản lý, sử dụng chứ không phải là đất của thành phố trực tiếp cấp cho thực hiện Dự án. Chấp hành chủ trương của Thành uỷ và UBND TP Hà Nội về di dời các cơ sở sản xuất kém hiệu quả và gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực nội thành, ngày 26-11-2010, Công ty TNHH Hòa Bình và Công ty CP Nông sản đã có Công văn số 77/HB2010 gửi UBND TP Hà Nội và Sở Kế hoạch Đầu tư đề nghị chấp thuận đầu tư Dự án thành phố Hòa Bình xanh. Theo thông tin từ chủ đầu tư cung cấp thì:
-
Diện tích 17.377m2 đất đang làm cơ sở sản xuất của Công ty CP Nông sản phải di chuyển theo chủ trương của Thành ủy và UBND TP về di dời các cơ sở sản xuất kém hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực nội thành.
-
Thành phố không hỗ trợ kinh phí di chuyển;
-
Thành phố thu được 322 tỷ đồng tiền chuyển mục đích sử dụng đất;
-
Thành phố được sở hữu các công trình mà không phải bỏ kinh phí:
- Trường mầm non:
4.000m2 x 15.000.000 đồng/m2 = 60.000.000.000 đồng
- Xây văn phòng UB và công an phường:
733m2 x 15.000.000 đ/m2 = 10.995.000.000 đồng
- Đất xây dựng Nhà văn hóa:
1.000m2 x 20.000.000 đ/m2 = 20.000.000.000 đồng
Cộng: 90.995.000.000 đồng
Khi công trình đi vào hoạt động, hằng năm TP thu được tiền thuế từ kinh doanh văn phòng, căn hộ, siêu thị khoảng 100 tỷ đồng; đồng thời, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động.
Chúng tôi nhận thấy rằng đây là dự án được chuyển đổi từ một cơ sở sản xuất kém hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường thành phố, có khả năng mang lại hiệu quả rất cao, cả trước mắt và cả về lâu dài.
Theo chủ đầu tư cho biết, lẽ ra TP đã có thể thu được tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất của Dự án với số tiền 322 tỷ đồng ngay từ 18 tháng trước đây; nhưng vì thủ tục hành chính kéo dài, đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa được Cấp phép xây dựng. Thành phố vẫn chưa thu được tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất của dự án. Tạm tính theo lãi suất mà ngân hàng huy động tiền gửi 10%/năm, thì ngân sách nhà nước đã thất thu 48,3 tỷ đồng.
Rõ ràng, việc chậm trễ trong thực hiện giải quyết thủ tục hành chính, cụ thể là việc giải quyết thủ tục cấp phép đầu tư và cấp phép xây dựng cho dự án thành phố Hòa Bình xanh lỗi thuộc về UBND TP Hà Nội mà người đứng đầu cơ quan TP là Chủ tịch UBND – ông Nguyễn Thế Thảo phải chịu trách nhiệm. Nói cho rõ thêm:
Ngày 7-5-2012, UBND TP Hà Nội tổ chức cuộc họp nghe Báo cáo về việc cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án thành phố Hòa Bình xanh, ngày 14-6-2012, Sở Kế hoạch và Đầu tư mới có Công văn số 318/TB-KH&ĐT thông báo cho chủ đầu tư việc cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án vẫn đang phải chờ sự chỉ đạo của UBND TP và mãi đến ngày 13-7-2012 (tức là sau 2 tháng 6 ngày), UBND TP Hà Nội mới có văn bản số 2587/VP - QHXDGT thông báo kết luận cuộc họp ngày 7-5-2012. Trong thời gian này, chủ đầu tư đã 2 lần gửi Công văn tới đích danh chủ tịch UBND TP Hà Nội (lần 1 ngày 11-6-2012, lần 2 ngày 26-6-2012) đề nghị chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án, nhưng vẫn không tiến triển được. Ngày 3-12-2012, Liên ngành Sở Tài chính – Sở Tài nguyên và Môi trường – Cục thuế - Sở Xây dựng có tờ trình số 5971/TTrLN-STC-QLCS gửi UBND TP Hà Nội đề xuất thu giá trị sử dụng đất của Dự án thành phố Hà Nội xanh số tiền là 322.813.116.000 đồng. Đến ngày 19-3-2013, sau 3 tháng 16 ngày, UBND TP Hà Nội mới ra quyết định số 2211/QĐ-UBND về việc xác định giá trị quyền sử dụng đất dự án này.
Đó là đối với doanh nghiệp trong nước. Còn doanh nghiệp nước ngoài thì sao?
Năm 2008, vị Chủ tịch UBND TP đã giải quyết cho dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh tổ hợp khách sạn – thương mại – văn phòng – căn hộ - công viên dưới hình thức vốn FDI của Tập đoàn Keangnam – Hàn Quốc rất không bình thường. Dự án này được cấp phép xây dựng 2 tòa nhà cao 48 tầng làm căn hộ để bán và một tòa nhà cao 70 tầng làm trung tâm thương mại, văn phòng, căn hộ cho thuê và khách sạn 5 sao. Để cho dự án Keangnam sớm được thực hiện việc bán nhà, ông Thảo đã yêu cầu các cơ quan chức năng của thành phố “tạo điều kiện hết sức thuận lợi” để cấp giấy phép xây dựng chỉ trong vòng có 7 ngày (nếu trừ ngày thứ bảy và chủ nhật nghỉ không làm việc thì chỉ có 5 ngày). Sau khi được cấp giấy phép xây dựng, Keangnam đã triển khai bán các căn hộ của 2 tòa nhà 48 tầng. UBND TP Hà Nội đã thu 116 tỷ đồng tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với diện tích 3.868 m2 đất xây dựng nhà ở trên tổng số 46.000m2 đất của dự án (là đất sạch của thành phố cấp cho dự án, để Keangnam được bán nhà ở lâu dài. Theo ước tính sơ bộ, sau khi dự án hoàn thành, với giá bán nhà tạm tính 2.800 USD/m2, Tập đoàn Keangnam sẽ thu được số lợi nhuận khổng lồ từ dự án là 789 triệu USD, theo thời giá năm 2008 tương đương khoảng 14,2 nghìn tỷ đồng.
Gần đây, qua bản tin tài chính kinh doanh của truyền hình Việt Nam VTV1 cho biết, dự án Keangnam đã hoàn thành việc bán hết các căn hộ, khu văn phòng hoạt động từ đầu năm 2013. Nhưng Tập đoàn này đang có hiện tượng chuyển giá để đưa lợi nhuận thu được về Hàn Quốc. Nếu việc này xảy ra thì nhà nước Việt Nam sẽ không thu được tiền thuế từ việc kinh doanh của dự án. Công trình “Chào mừng 1000 năm Thăng Long”, một thời ầm ĩ, gây dư luận xấu trong xã hội.
Với những lý do như trên, chúng tôi kính đề nghị Tổng bí thư chỉ đạo Uỷ ban Kiểm tra T.Ư Đảng, Ban nội chính Trung ương, cơ quan quản lý Nhà nước kịp thời kiểm tra những việc làm của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đã cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam, làm thất thu lớn cho ngân sách Nhà nước; gây bất ổn môi trường sống xã hội và hoạt động kinh tế vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Đây cũng là nguyên nhân không nhỏ, đẩy thành phố Hà Nội, thủ đô của cả nước ngày càng tụt hậu, xếp thứ 52 trên 63 tỉnh, vị trí thấp nhất của thủ đô kể từ khi Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam khảo sát.
Kính thưa đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng,
Không phải ngẫu nhiên trong nội dung của Nghị quyết Hội nghị lần thứ IV BCH T.Ư Đảng (khóa XI) “Về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” có nêu: Một số bộ phận không nhỏ đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện “vô nguyên tắc”...
Với trách nhiệm là người đứng đầu của Đảng, kính mong Tổng bí thư quan tâm giải quyết những vấn đề phản ánh trong bức thư này.
Kính chúc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sức khoẻ và xin gửi lời chào trân trọng! ![](/Pictures/2013/Tháng 3/16-30/Khác/29313-chuky.jpg) Các nhà báo ký tên trong bức thư ngỏ