Thư kiến nghị khẩn cấp yêu cầu thẩm tra tư cách ĐBQH bà Đặng Thị Hoàng Yến (21/12/2011)
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên ĐBQH khóa VIII, khóa IX, khóa X (15 năm là đại biểu Quốc hội)
Sau khi tôi công bố thư của tôi về vấn đề tư cách ĐBQH của bà Yến thì bà Yến gọi điện đề nghị muốn gặp tôi sau khi bà mới từ Mỹ về. Tôi trả lời không cần thiết phải gặp trực tiếp vì mọi vấn đề tôi đã có ý kiến với đồng chí Chủ tịch Quốc hội rồi. Vấn đề về bà Yến là quá hệ trọng, không phải đối với một cá nhân mà là vấn đề của cử tri với Quốc hội. Sau khi nghiên cứu nội dung các kiến nghị của bà Yến (không phải từ thông tin của các báo chí đã nêu) tôi xin nêu quan điểm của tôi.
-
Trong đơn bà Yến có chỗ lập luận không được chuẩn xác, quy kết không hợp lý… “ĐBQH bị suy yếu thì dẫn đến Quốc hội suy yếu…”. Ở đây cần đặt lại vấn đề là nếu để một đại biểu không đảm bảo tiêu chuẩn thì sẽ làm yếu Quốc hội, làm mất lòng tin của dân. Có đoạn còn nói: “Bêu riếu con cháu CCB, chém giết con cháu các cụ…”; thử hỏi ai bêu riếu con cháu các CCB, ai chém giết con cháu CCB? Có chăng là lực lượng chống đối đất nước, chế độ đang tìm cách làm mất uy tín các CCB, người đã từng đổ xương máu cho chế độ, bằng mọi thủ đoạn để đạt mục đích của chúng.
-
Trong phần lý lịch, lai lịch và nhân thân, qua thư bà Yến có nhiều điều không rõ ràng, không chính xác, nhiều điều thể hiện trong đơn thì thấy đã vi phạm nghiêm trọng đến tiêu chuẩn cơ bản của một ĐBQH.
-
Là một người đã từng trải trong đời tư (một đời chồng) mới sang Mỹ làm ăn (năm 2002), chỉ sau một năm (năm 2003) đã rất nhanh gắn với một người Mỹ gốc Việt, chưa rõ lai lịch với nhiều ưu ái (đỡ đầu, đào tạo, cho 1,5 triệu USD - một số tiền mà những doanh nhân Việt chân chính cũng không dám mơ tưởng), rồi dễ dàng kết hôn một cách khó hiểu, rồi lại nhanh chóng ly hôn. Một chuỗi sự việc này ẩn ý đằng sau nhiều vấn đề mập mờ, mà lý lịch một ĐBQH là không thể chấp nhận được. Về quan hệ làm ăn không hiểu một phụ nữ từ Việt Nam sang Mỹ với một thời gian ngắn, được thế lực nào đỡ đầu mà chỉ 2, 3 năm sau đã làm giàu một cách chóng mặt (riêng giải quyết cho Jim-my Trần đã đến mấy triệu USD rồi, nếu thế tài sản chắc phải có gấp mấy chục lần?).
-
Về chính trị, kết hôn với một tên tội phạm đã bị xử tù và khi về Việt Nam có nhiều dấu hiệu chống phá dù biết hay không biết, vẫn là vi phạm tiêu chuẩn chính trị của một đại biểu. Tuy bà Yến nói đã ly hôn, nhưng không vì thế mà trả lại được tiêu chuẩn của một đại biểu. Hơn nữa, xem bản đơn xin ly hôn viết tay nguệch ngoạc, cẩu thả, vội vàng, thêm bớt, không đúng quy phạm pháp luật, thể hiện tính không nghiêm túc (nhất là đối với một doanh nhân am hiểu tính hợp pháp, hợp lý của một văn bản khi làm ăn).
-
Trong giải quyết ly hôn, không rõ khi kết hôn cơ quan của Việt Nam hay Hoa Kỳ cho đăng ký kết hôn? Nếu Việt Nam cho đăng ký, rồi thụ lý cho ly hôn, thì làm sao mà Hoa Kỳ có quyền chấp nhận hay không chấp nhận quyết định của Tòa án Việt Nam? Nếu cơ quan Hoa Kỳ cho đăng ký kết hôn thì làm sao Việt Nam có quyền xét cho ly hôn. Về vấn đề hôn nhân, việc kết hôn, xin ly hôn, xét xử ly hôn có nhiều vấn đề khuất tất cần làm rõ. Chính những khuất tất này, cả cá nhân bà Yến, cả cơ quan pháp luật Việt Nam (cho ly hôn) cần làm rõ, nhất là bản đơn ly hôn không thể hiện đúng thủ tục văn bản pháp quy mà vẫn thụ lý xét xử?
-
Từ những vấn đề nêu trên, không rõ cơ quan thụ lý đơn ứng cử và các quy trình xem xét tư cách ứng cử viên có được xem xét nghiêm túc hay không? Nếu lý lịch không kê khai rõ ràng mà vẫn chấpnhận đơn và xác nhận đủ tư cách, thì rõ ràng bà Yến đã giấu “phần chìm” của lý lịch để đạt tới mục đích. Nếu lý lịch đã nêu rõ như trong đơn bà Yến thì cần xem xét lại việc tổ chức ứng cử, bầu cử tại nơi bà Yến đăng ký; phải chăng có “thế lực ngầm” nào đứng đằng sau bảo lãnh. Quốc hội cần phải được làm rõ hay ở Long An không có ai có tiêu chuẩn tốt hơn bà Yến nữa? Mặc dầu kỳ họp thứ nhất đã thông qua danh sách 500 ĐBQH rồi.
- Việc vận động bầu cử trước ngày vận động bầu cử, bà Yến đã đi tặng quà ở các địa phương nơi bà ứng cử, dù với mục đích gì chăng nữa, vào thời điểm nhạy cảm này làm như vậy là vi phạm luật, có tính chất tranh thủ tình cảm để có lá phiếu. Tại sao không đi làm từ thiện ở những nơi khó khăn hơn nhiều trong thời điểm này?
Ở đây tôi muốn đề cập đến tiêu chuẩn, tư cách của một ĐBQH, nên không đề cập đến tư cách một cử tri hay một doanh nhân. Tiêu chuẩn đại biểu cao hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn của một cử tri, một doanh nhân, vì trên 78 triệu dân, trên 50 chục triệu cử tri chỉ bầu chọn có 500 đại biểu”.
Ông Nguyễn Thành Long, 79 tuổi, 55 tuổi đảng, nguyên là giảng viên Học viện Chính trị - Hành chính khu vực III Đà Nẵng
Trong cuộc đời tôi đã trải qua và chứng kiến 12 cuộc bầu cử ĐBQH mà chỉ có cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIII là có vấn đề nghiêm trọng như bà Đặng Thị Hoàng Yến có nhiều khuyết điểm như thế mà trúng cử ĐBQH. Tôi tóm tắt các khuyết điểm, sai phạm đó gồm: Khai lý lịch không rõ ràng, thiếu trung thực; lấy cắp tài liệu mật, làm lộ bí mật Nhà nước; mua chuộc cử tri ở 4 huyện của tỉnh Long An là đơn vị mà bà Yến ứng cử ĐBQH; hứa hẹn xây nhà tình thương, làm trường, xây cầu, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo để tranh thủ sự ủng hộ của cử tri; thuê luật sư để bênh che cho sai phạm của Tập đoàn Tân Tạo và cá nhân bà Yến. Tôi đề nghị các cấp có thẩm quyền khẩn cấp xem xét tư cách ĐBQH của bà Yến.
CCB Vũ Hữu Đoan, 73 tuổi, xã Ngũ Đoan, Kiến Thụy, Hải Phòng
Chúng tôi là những CCB, hầu hết là đảng viên và đã cao tuổi, từng trải qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại, góp phần giải phóng đất nước, giành được độc lập tự do, khi nghe vụ việc về bà Đặng Thị Hoàng Yến thì kinh hoàng như sét đánh ngang tai!
Nhân thân bà Yến quá phức tạp, nhiều tì vết xấu, không xứng đáng là ĐBQH của dân. Bà Yến liên quan đến vụ lấy cắp bí mật Nhà nước. Bà Yến sống làm ăn ở Mỹ 5 năm, giầu có quá nhanh, có biệt thự sang trọng gần trang trại và biệt thự của cựu Tổng thống Mỹ G.Bu-sơ. Bà Yến lấy chồng là kẻ tù tội, thuộc thành phần bất hảo. Có thể coi bà Yến là thành phần đầu cơ chính trị, chui sâu leo cao, là phần tử rất nguy hiểm cho an ninh quốc gia. Dư luận cử tri cả nước đang rất bức xúc, đề nghị Quốc hội xác minh, làm rõ, trả lời trước công luận.
Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên ĐBQH khóa VIII, nguyên Chủ tịch HộI CCB tỉnh Nghệ An
Đồng chí Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trả lời phóng viên về vụ việc bà Đặng Thị Hoàng Yến, chúng tôi cho là không rõ ràng nghiêm túc và không sòng phẳng. Có rất nhiều vấn đề về bà Yến đã không được trả lời rõ ràng.
-
Vấn đề liên quan lai lịch nhân thân và mối quan hệ xấu không rõ ràng.
-
Bà Yến khai bố bà là lão thành cách mạng. Mới tham gia cách mạng sau tháng 8-1945 sao lại là lão thành cách mạng? Phải chăng để đánh bóng lai lịch của bà?
-
Vấn đề bà Yến liên quan đến đánh cắp bí mật Nhà nước, không cần phải điều tra, chỉ cần sang Bộ Công an hỏi là được.
-
Vấn đề lớn nhất là quan hệ vợ chồng với tên tội phạm đã bị chính quyền Mỹ phạt tù.
Còn nhiều điểm không rõ ràng về nhân thân. Không biết khi làm đơn ứng cử ĐBQH, bà Yến có khai cụ thể những vấn đề nêu trên không? Nếu không khai là giấu, là khai man lý lịch. Nếu trong đơn mà bà Yến khai đầy đủ về nhân thân thì tại sao lý lịch như vậy mà các cơ quan tổ chức bầu cử lại chấp nhận và suốt quá trình các giai đoạn chuẩn bị cho bầu cử lại suôn sẻ. Phải chăng đã có một hệ thống chỉ đạo ngầm để lách qua các “cửa ải?”.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói quá trình tiến hành chuẩn bị bầu cử đã làm đúng các quy định theo luật định. Nói vậy là nói hình thức các bước, còn quan trọng hơn là việc đầu tiên, quyết định đầu tiên là lý lịch đó có phản ánh đúng bản chất và có đủ tiêu chuẩn tối thiểu không? Cơ quan tiếp nhận đơn ứng cử phải chịu trách nhiệm trước sự chính xác của lý lịch.
Còn việc bà Yến tặng tiền, quà những nơi bà ứng cử mà đồng chí Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói nhẹ nhàng là dễ gây phản ứng ở thời điểm nhạy cảm, là không đi vào bản chất sự việc. Thực chất đây là hình thức “mua phiếu tinh vi”.
Phải kiên quyết loại những người “cơ hội chính trị”, không đủ tư cách ra khỏi Quốc hội. Kính mong Quốc hội công bố công khai sự việc này trước toàn dân.