Thu hút vốn FDI: Tăng trưởng mạnh
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT), trong năm 2016, Việt Nam thu hút được tổng số vốn FDI là 24,4 tỷ USD, vốn thực hiện tăng 9% so với năm 2015, số doanh nghiệp xin cấp giấy chứng nhận đầu tư vượt xa con số mà chúng ta kỳ vọng. Trong 2 tháng đầu năm 2017, tổng vốn ĐTNN đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 3,4 tỷ USD, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2016. Luồng vốn FDI khả quan nhờ các yếu tố hỗ trợ tích cực về triển vọng phát triển kinh tế và cơ hội trong hội nhập quốc tế. Một số tổ chức quốc tế cũng như nhiều doanh nghiệp lớn, uy tín tại nhiều quốc gia đều có nhận định tích cực về môi trường đầu tư cũng như xu hướng đầu tư của mình vào Việt Nam. Theo Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (Jetro), có 66,6% số doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đang đầu tư ở Việt Nam xác nhận có xu hướng mở rộng hoạt động kinh doanh và đây là tỷ lệ cao nhất so với kết quả trưng cầu tương tự của DN Nhật Bản đang đầu tư tại 19 quốc gia, hoặc vùng lãnh thổ khác. Cũng có khoảng 60% số DN cho biết họ đang hoạt động có lãi, đồng thời đánh giá Việt Nam đứng thứ 4 về sự hấp dẫn, thuận lợi trong đầu tư trong số các quốc gia. Trong tháng 2, một số địa phương, nhất là những tỉnh, thành phố giàu tiềm năng cũng đón tiếp một số đoàn DN nước ngoài đến tìm hiểu cơ hội đầu tư như Hải Phòng, Đồng Nai, Hà Nội, T.P Hồ Chí Minh. Mới đây, UBND tỉnh Bắc Ninh vừa cấp phép cho dự án của Công ty Samsung Display (Hàn Quốc) trị giá 2,5 tỷ USD, nâng tổng mức đầu tư của Samsung vào địa phương này lên 6,5 tỷ USD, xác lập một kỷ lục mới về dự án đầu tư nước ngoài có quy mô lớn ngay trong quý I- 2017, đưa kết quả thu hút vốn ĐTNN của tháng 3 tăng mạnh. Dự án này khi đi vào hoạt động có khả năng rất lớn về tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, đóng góp vào ngân sách, mở rộng quy mô xuất khẩu.
Mức giải ngân 2 tháng qua trên cả nước đạt hơn 1,55 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ. Nhiều lĩnh vực quan trọng, nhất là công nghiệp chế biến-chế tạo và bất động sản được giới đầu tư quốc tế quan tâm. Các DN khu vực này đóng góp hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế.
Theo các chuyên gia, việc Mỹ không tham gia vào Hiệp định TPP có thể làm giảm mức đầu tư của doanh nghiệp Mỹ nói riêng cũng như nhà đầu tư quốc tế nói chung, sẽ ảnh hưởng đến sức hấp dẫn đầu tư vào Ngành Dệt may-tức là sản phẩm dệt may của Việt Nam xuất sang Mỹ không được hưởng những ưu đãi như dự báo.
Để tận dụng tốt nguồn vốn FDI phục vụ phát triển kinh tế đất nước, theo các chuyên gia, Việt Nam cần quan tâm đến chất lượng của các dự án đầu tư nước ngoài, tăng cường khả năng kết nối của các doanh nghiệp Việt vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI, xác định những thế mạnh cạnh tranh bền vững của mình như nông nghiệp, du lịch, công nghệ thông tin… tạo giá trị cạnh tranh bền vững trong môi trường quốc tế đầy biến động hiện nay.
Hồng Sơn-Vân Trang