Theo Nghị định 134/2015/NĐ-CP của Chính phủ, từ năm 2016, nếu người tham gia thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng), thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu. Việc đóng sẽ được thực hiện một lần cho những năm còn thiếu đối với điều kiện người tham gia BHXH đã đủ tiêu chuẩn về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định. Nếu như trước đây, người có 10 năm công tác thì phải giải quyết chế độ một lần, hoặc đóng tiếp BHXH hằng tháng, hằng năm để nghỉ hưu, còn hướng mới là đóng một lần có thể nghỉ hưu nên được người lao động rất ủng hộ. Nghị định 134 cũng quy định, lao động tự do từ 15 tuổi trở lên được tham gia BHXH tự nguyện, với phương thức tham gia rất đơn giản theo cách đóng: hằng tháng, hằng quý, hằng năm hoặc 5 năm một lần. Mức đóng hằng tháng bằng 22% thu nhập do người tham gia tự chọn lựa, tương đương với chuẩn hộ nghèo của nông thôn; mức đóng cao nhất tự chọn lựa bằng 20 lần mức lương cơ bản tại thời điểm bắt đầu tham gia.
Với chính sách BHXH tự nguyện theo quy định của Luật BHXH mới hiện nay đã mở ra cho người lao động tự do cơ hội tham gia và thụ hưởng chính sách an sinh xã hội một cách dễ dàng, góp phần làm tăng cho độ bao phủ của chính sách này.
Lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện đã rõ, tuy nhiên thực tế số người lao động tự do, người dân khu vực nông thôn tham gia BHXH tự nguyện còn rất thấp. Đơn cử tại tỉnh Ninh Bình, sau hơn 8 năm thực hiện Luật BHXH, tính đến tháng 9-2016, toàn tỉnh mới chỉ có gần 2.400 người tham gia BHXH tự nguyện. Trong đó chủ yếu là những người đã từng tham gia đóng BHXH ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, sau đó nghỉ việc và về đóng tiếp, còn đối tượng phát triển mới rất ít, trong khi theo khảo sát sơ bộ hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 200.000 người là lao động tự do, lao động khu vực nông thôn cần tham gia BHXH tự nguyện. Hay như tỉnh Đắk Lắk mới có gần 1.500 người tham gia BHXH tự nguyện, trong số này phần lớn là những lao động đã có thời gian tham gia BHXH bắt buộc nhưng còn thiếu thời gian nên tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện để đủ điều kiện thụ hưởng chế độ hưu trí…
Theo quy định ngày 1-1-2016, mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất khi tham gia bằng 22% mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (700.000 x 22% = 154.000 đồng/tháng), nhưng nếu so với BHXH bắt buộc thì mức đóng này vẫn cao hơn. Chính điều này đã tạo nên rào cản khiến người lao động chưa mặn mà với BHXH tự nguyện, dẫn đến tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh còn thấp. Cùng với đó, còn một bất cập là hiện có nhiều lao động tự do đã lớn tuổi lo ngại không biết liệu mình có sống được đến 20 năm để hưởng BHXH mà tham gia hay không. Vì theo quy định thời gian đóng BHXH kéo dài, người lao động đủ 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ phải đủ 20 năm đóng BHXH… Thực trạng này sẽ gây khó khăn cho cuộc sống của những người dân và tạo ra gánh nặng lớn cho ngân sách khi thực hiện các chính sách an sinh xã hội trong tương lai, bởi hàng trăm nghìn người này khi hết tuổi lao động không có lương hưu để ổn định cuộc sống.
Để thu hút thêm nhiều người dân và lao động tham gia BHXH tự nguyện, thời gian tới, ngành BHXH cần phối hợp cùng các sở, ngành liên quan tổ chức đối thoại, trao đổi, tư vấn với người dân. Mặt khác, tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chất lượng của đội ngũ đại lý thu BHXH ở các xã, phường, thị trấn, hội nông dân, ngành bưu điện...; trọng tâm là kỹ năng tiếp xúc, tuyên truyền, giới thiệu chính sách BHXH, thuyết phục người dân tham gia BHXH tự nguyện. Thêm nữa, ngành BHXH cũng cần tham mưu với các cấp, ngành hữu quan bổ sung, mở rộng chế độ, chính sách bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHXH tự nguyện như những người tham gia BHXH bắt buộc…, phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2020, có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH theo Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị.
Mai Anh