Thu hẹp chênh lệch nghèo đói giữa vùng DTTS và vùng phát triển
Ngân hàng CSXH huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận giải ngân vốn vay cho hộ nghèo dân tộc Chăm.
Theo báo cáo của Chính phủ về kết quả 2 năm (2017-2018) đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 52,6% tổng số hộ nghèo cả nước, trong khi dân số chỉ chiếm 14,6% tổng dân số cả nước. Nguồn lực thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo vẫn còn dàn trải, chưa tập trung hỗ trợ đủ độ để tác động làm chuyển biến thực sự đời sống người nghèo DTTS.
Đơn cử, tại tỉnh Quảng Nam, nhiều chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình giảm nghèo được tập trung cho khu vực miền núi, nhưng hiệu quả vẫn chưa như mong đợi. Chỉ tính 2 năm qua, tổng nguồn vốn thực hiện mục tiêu giảm nghèo của T.Ư và tỉnh dành cho miền núi gần 840 tỷ đồng nhằm hỗ trợ sản xuất, đa dạng sinh kế cho người dân. Tuy nhiên, chủ yếu dành đầu tư cơ sở hạ tầng, trong khi đó, nguồn lực đầu tư hỗ trợ cho người nghèo về sinh kế, mô hình giảm nghèo lại quá thấp, chưa tác động mạnh đến hộ nghèo. Thậm chí, huyện Tây Giang, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 48% (2.325/4.807 hộ dân). Trong đó, xã Ga Ry tỷ lệ hộ nghèo hơn 89% (356/1.555 hộ dân), xã Dang là 60% hộ dân thuộc diện nghèo. Theo ông Arất B’lúi - Phó chủ tịch UBND huyện Tây Giang, chính sách đầu tư vào khu vực miền núi thời gian qua dù rất lớn nhưng chưa hiệu quả do dàn trải, chưa đúng mục tiêu. Trong đó, một số vấn đề cần giải quyết như mở đường giao thông, hỗ trợ sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế phi nông nghiệp, đào tạo nghề, xuất khẩu lao động... vẫn chưa được hỗ trợ mạnh và hiệu quả, khiến mục tiêu giảm nghèo thiếu bền vững và thiếu cơ bản.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã chỉ ra nguyên nhân dẫn đến đầu tư dàn trải, lãng phí trong chương trình giảm nghèo ở nhiều địa phương, trước hết là do từ khi xác định các chương trình hỗ trợ đã không khảo sát đúng nhu cầu của đối tượng cần hỗ trợ; quá trình đề xuất, triển khai dự án, đối tượng thụ hưởng không được tham gia, đánh giá; việc giám sát tác động trước, trong và sau đầu tư còn bỏ ngỏ. Đầu tư xóa đói giảm nghèo thiếu hiệu quả, không chỉ gây lãng phí ngân sách nhà nước, tiền thuế của nhân dân mà còn ít nhiều làm mất niềm tin trong xã hội. Người dân mong chờ các chương trình, mô hình giúp họ thoát nghèo nhưng nguồn đầu tư lại bị sử dụng lãng phí, không tạo động lực để họ vươn lên thoát nghèo.
Tại Hội thảo quốc gia “Thực trạng chính sách dân tộc, định hướng xây dựng chính sách giai đoạn 2021-2030” mới tổ chức, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc - Đỗ Văn Chiến cho biết: Trong thời gian tới, Ủy ban Dân tộc sẽ tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm. Đó là, tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, trước hết là giao thông, thông tin liên lạc để kết nối vùng DTTS và miền núi với vùng phát triển nhằm thu hút đầu tư, kết nối tiêu thụ sản phẩm do nhân dân sản xuất ra; tiếp tục giải quyết cơ bản vấn đề đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, dạy nghề, tạo sinh kế cho đồng bào có thu nhập ổn định, đảm bảo đời sống một cách bền vững; tham mưu để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi một cách thiết thực, theo hướng tích hợp, thu gọn đầu mối quản lý, hỗ trợ có điều kiện, giảm cho không, tăng cho vay để đồng bào DTTS có điều kiện và ý chí vươn lên giảm nghèo bền vững...
Mục tiêu chung của các chính sách là đến năm 2030 thu hẹp một bước chênh lệch giữa vùng DTTS và miền núi so với vùng phát triển; không còn huyện đặc biệt khó khăn, giảm 50% số xã đặc biệt khó khăn, giảm 60% hộ nghèo DTTS hiện nay; 100% các xã vùng DTTS và miền núi có đủ hạ tầng thiết yếu như đường ô tô cứng hoá đến trung tâm xã, trường học các cấp được kiên cố hoá, 100% trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia, nâng cao chất lượng tiếp cận các dịch vụ phúc lợi cơ bản của người dân; không còn tình trạng hộ DTTS nghèo cùng cực; không còn hộ DTTS thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt mà chưa được hỗ trợ.
Mai Anh