Thủ đoạn của những kẻ buôn người
CCB xã Muổi Nọi tới thăm hỏi, động viên Quàng Thị Oan tái hòa nhập cộng đồng.
Chỉ vì nhẹ dạ cả tin, Oan đã bị đối tượng Quàng Văn Định, cũng dân tộc Thái, trú tại xã Chiềng En, huyện Sông Mã làm quen, rủ đi làm việc bên Trung Quốc với lời hứa sẽ được trả mức lương từ 7 đến 8 triệu đồng/tháng. Khi đến Lào Cai, đối tượng bên Trung Quốc được Định bắt mối từ trước chờ sẵn, chở Oan qua đò vượt qua sông sang Hà Khẩu, rồi vào sâu trong nội địa nước bạn.
Không như lời hứa của Định, chẳng những đồng lương không thấy đâu mà cứ vài ngày Oan lại bị chuyển địa điểm, lúc làm chân rửa bát, lúc làm ôsin, mỗi ngày chỉ được ăn một bữa. Bơ vơ nơi xứ người, tiếng không biết, may mà Oan được một người chủ tốt bụng giúp trốn trở về Việt Nam, nên em chưa bị các đối tượng bán vào hang động mại dâm.
Quàng Thị Oan còn may mắn vì được trở về nhà. Nhiều chị em bị lừa bán sang xứ người giờ còn không biết trôi dạt nơi nào. Theo số liệu khảo sát của Công an tỉnh Sơn La: Cho đến thời điểm hiện nay toàn tỉnh có khoảng 200 phụ nữ vắng mặt ở địa phương không có tin tức; nghi đã bị lừa bán.
Theo Công an tỉnh Sơn La, các đối tượng gây án đa dạng, có cả nam và nữ, cá biệt có nhiều đối tượng trước đây cũng là nạn nhân bị mua bán, nay có chồng con hoặc hành nghề mại dâm bên Trung Quốc, trở về lừa tiếp đồng bào mình. Thủ đoạn của chúng chủ yếu là đến các bản vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tìm những phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, nhận thức hạn chế, không có việc làm ổn định để lừa gạt.
Để công tác phòng, chống tội phạm mua bán người ở miền núi Sơn La và các địa phương khác hiệu quả hơn, ngoài các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh trấn áp của các lực lượng chức năng, cần thiết phải có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các đoàn thể chính trị, xã hội và mỗi người dân. Đặc biệt cần coi trọng hướng dẫn nhân dân các biện pháp nâng cao cảnh giác với các thủ đoạn hoạt động của tội phạm, để người dân “tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải.
Dương Sơn