Thông tin giả, hậu quả thật

Trên mạng xã hội bùng phát tình trạng like (thích), share (chia sẻ) thông tin chưa được kiểm chứng có nội dung giật gân gây hoang mang trong nhân dân. Khổ nỗi, những thông tin càng giật gân, càng thuộc lĩnh vực “nhạy cảm” thì càng nhiều người “like”. Bên cạnh những chuyện liên quan đến chính trị là những chuyện “y như thật” trong cuộc sống hằng ngày xuất hiện trên mạng xã hội như clip về một Việt kiều về nước, tranh cãi với nhân viên sân bay Tân Sân Nhất vì cho rằng hành lý của họ bị cắt khóa, lấy đồ nhưng khi cơ quan chức năng xác minh thì không có thực; chuyện Nguyễn Kim Anh “chế” thông tin từ ngày 15 đến 30-7, tại công viên 29-3 (Đà Nẵng) sẽ diễn ra lễ hội sờ ngực các cô gái tuổi từ 16 đến 22 để gây quỹ giúp người khuyết tật với hình ảnh và những từ ngữ dung tục và đưa lên mạng. Vào ngày 22-7 xảy ra việc chị Lê Thị Bảy và chị Nguyễn Thị Phúc đến bán tăm gây Quỹ tình thương tại xã Mai Đình (Sóc Sơn, Hà Nội) thì bị hành hung vì nghi bắt cóc trẻ em. Trước đó, chiều 20-7, Phạm Thị Mùi (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã đăng tải trên facebook cá nhân một số hình ảnh kèm theo lời bình sai sự thật, cho rằng máy bay rơi tại Nội Bài do mưa to. Tại cơ quan công an, Phạm Thị Mùi khai nhận đã lấy hình ảnh từ tài khoản khác, bịa thêm thông tin rồi đăng nhằm câu like.
Cũng ngày 20-7, tại xã Hồng Lạc (Thanh Hà, Hải Dương) do nghi ngờ hai người đàn ông vào mua gỗ có hành vi thôi miên để bắt cóc trẻ em, người dân trong làng đã đập phá và đốt xe ô tô Fortuner. Vừa qua, hình ảnh về dàn siêu xe gắn biển xanh của Cần Thơ lan truyền trên mạng được làm rõ chỉ là ảnh chụp xe đồ chơi để dưới gầm giường, tạo phản ứng xấu về xe công vụ.
Không chỉ mạo danh các tổ chức, một số đối tượng còn mạo danh cá nhân, đưa ra những thông tin không đúng sự thật nhằm bôi nhọ người khác; không ít diễn viên, ca sĩ, người mẫu đã trở thành nạn nhân của những đối tượng này. Ngày 28-7, khi đang đi biểu diễn tại tỉnh Bình Định, nghệ sĩ Hoài Linh ngỡ ngàng khi biết thông tin mình qua đời được thông tin trên mạng và anh cho biết, đây không phải là lần đầu tiên. Còn nhiều người khác cũng rất bất ngờ khi thấy hình ảnh mình bất ngờ xuất hiện trên mạng khi bị ghép vào các tin thất thiệt; chuyện hai “kiều nữ” Hải Dương hiếp dâm lái xe đến chết… Từ những thông tin thất thiệt nhanh chóng bị biến thành chuyện ngoài đời. Đã có người không chịu nổi áp lực do bị bôi nhọ nên đã tự tử, nhiều người không biết thanh minh ra sao khi bị bôi xấu trên mạng. Cách đây mấy ngày, tin đồn thất thiệt về ông Trần Bắc Hà - nguyên Chủ tịch BIDV bị bắt mặc dù đã được đính chính nhưng vẫn làm chỉ số Vn-Index giảm sâu, vốn hóa thị trường “bốc” hơi gần 2 tỷ USD... Thông tin trên mạng nhanh thật, nhưng những thông tin chưa được kiểm chứng cũng là con dao hai lưỡi có thể giết chết con người về thể xác, về danh dự và nặng nhất là gây nên sự mất lòng tin trong xã hội. Mạng xã hội là ảo, nhưng hậu quả của các thông tin thất thiệt luôn là thật.
Thông tin “chế”, bịa đặt trên mạng xã hội không thể được coi là chuyện mua vui. Các cơ quan chức năng là Công an và Thông tin - Truyền thông, văn hóa... đã vào cuộc xử lý nhưng điều quan trọng nhất lại là phía người sử dụng mạng xã hội cần hiểu và có trách nhiệm với phát ngôn trên mạng, có trách nhiệm trong chia sẻ lại thông tin. Về phía người đọc thông tin, rất cần sự tỉnh táo nhận định tình hình qua các kênh thông tin chính thống; đừng để bị lừa.
Văn Bình